Sống đẹp

Mỗi vai diễn là một lần cống hiến

An Nhi {Ngày xuất bản}

Từng 20 năm trong quân ngũ, diễn kịch trên đỉnh Trường Sơn phục vụ chiến sĩ trong những tháng năm bom đạn, rồi trở về miệt mài cống hiến cho nghệ thuật, đến tận bây giờ khi đã ở tuổi 86, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Đức Trung vẫn tận tình chỉ dạy cho lớp sau và sẵn sàng hóa thân vào nhân vật phù hợp.

Với ông, sân khấu hay màn ảnh cũng như cuộc đời, mỗi vai diễn là một phép cộng để cống hiến, góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

nsnd-ductrung.jpg
Nghệ sĩ nhân dân Đức Trung. Ảnh: Thụy Du

Nhớ sân khấu trên đỉnh Trường Sơn

Dáng người cao lớn, mái tóc bạc trắng, gương mặt cương nghị mà hiền từ, phúc hậu, NSND Đức Trung khiến khán giả nhớ đến ở những vai lãnh đạo, bác sĩ, giáo sư, cán bộ cao cấp... trên sân khấu và điện ảnh. Để tạo ra dấu ấn sâu đậm ấy, “ông đầu bạc của màn ảnh” đã dốc tâm huyết cho từng vai diễn, dù lớn dù nhỏ, suốt 60 năm qua.

NSND Đức Trung sinh năm 1939, là người Hà Nội gốc. Dù gia đình không ai theo nghệ thuật, nhưng ông mê văn nghệ từ bé. Khi gia đình đi sơ tán ở chiến khu Việt Bắc, sau mỗi lần được xem biểu diễn văn nghệ, cậu bé Trung lại về lấy phản làm sân khấu, chăn làm phông màn, diễn những đoạn kịch tự biên. Năm 1960, ông nhập ngũ, trở thành lính trinh sát pháo binh của Sư đoàn 312, tích cực tham gia hoạt động văn nghệ ở đơn vị.

Có lần, Đoàn nghệ thuật Tổng cục Chính trị đến sư đoàn biểu diễn. Hình ảnh các nghệ sĩ say sưa trên sân khấu đã thôi thúc đam mê nghệ thuật trong ông. Rồi ông theo dõi các đợt tuyển quân của Đoàn nghệ thuật Tổng cục Chính trị và đến năm 1965, ông lọt vào tốp 15 người trên tổng số 1.000 người thi tuyển, chính thức trở thành một nghệ sĩ quân đội. Từ đó, ông cùng đoàn đi khắp các chiến trường biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ.

Nghệ sĩ Đức Trung vẫn nhớ như in những tháng ngày biểu diễn phục vụ bộ đội trên đường Trường Sơn. “Ngày ấy, bộ đội ta sau những trận đánh được nghỉ ngơi và xem văn nghệ. Sân khấu là những vạt đồi, là đỉnh Trường Sơn lộng gió, cứ nơi nào bộ đội nghỉ chân là chúng tôi diễn” - nghệ sĩ kỳ cựu nhớ lại. Không chỉ biểu diễn, các nghệ sĩ còn tâm sự, động viên chiến sĩ trên đường ra trận. “Sự gắn bó giữa nghệ sĩ và chiến sĩ trên chiến trường là máu thịt” - ông khẳng định.

Gần 20 năm trong quân ngũ, đến năm 1979, nghệ sĩ Đức Trung được mời về công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ, rồi trở thành Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ. Ông đã cống hiến 20 năm cho Nhà hát, nổi tiếng với vai chính trong các vở kịch “Con hươu xanh”, “Othello”, “Hoàng tử học nghề”, “Hòn đá cháy”, “Sống mãi tuổi 17”, “Mùa hạ cuối cùng”... Ông cũng đạo diễn các vở ấn tượng như “Đứa con tôi”, “Tôi đi tìm tôi”, “15 ngày kháng án”, “Kẻ sát nhân”... Dù ở vị trí nào NSND Đức Trung cũng vẫn quan tâm, chăm chút từng vai diễn.

Bên cạnh sân khấu, ông còn tham gia diễn xuất trong nhiều tác phẩm truyền hình và điện ảnh, như “12A và 4H”, “Sống mãi với Thủ đô”, “Mùa lá rụng”, “Cảnh sát hình sự”, “Bí thư Tỉnh ủy”... Gần đây, nghệ sĩ Đức Trung nổi bật với vai ông Phan trong phim “Hướng dương ngược nắng”, được khán giả thích thú gọi là “ông nội quốc dân”.

Cả đời cống hiến cho nghệ thuật

NSND Đức Trung người gắn bó với nghệ thuật, hoạt động liên tục suốt gần 60 năm qua. Thời trẻ, khi mới vào nghề, ông thường đóng cả vai chính diện và phản diện. Nhưng dần sau này, khi lớn tuổi, ông chủ yếu đóng vai chính diện. Có lẽ "tạng" của ông là thế, không hợp đóng vai mưu mô, xảo quyệt... “Giờ tóc bạc trắng cả rồi, chỉ còn hợp với vai ông già thôi” - diễn viên gạo cội cười xòa.

Đức Trung chia sẻ, điều tâm đắc nhất trong nghiệp diễn của ông là 3 lần được thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh với 3 loại hình nghệ thuật khác nhau. Ở kịch nói là vở “Lịch sử và nhân chứng”, nhạc vũ kịch là tác phẩm “Giai điệu tháng 5” và ở điện ảnh là bộ phim truyền hình “Bác Hồ sống mãi với vùng than”.

Đặc biệt, trong vở “Lịch sử và nhân chứng”, ông thể hiện hình tượng Bác Hồ năm 1946, cả ê kíp đã phải đổ công nghiên cứu kỹ tài liệu và từng nhân vật, tìm cách diễn, tương tác một cách tốt nhất. Có những buổi diễn trước hàng nghìn người, mỗi lần ông xuất hiện là khán giả lại vỗ tay.

“Thể hiện hình tượng Bác hay bất cứ nhân vật nào, diễn viên phải hiểu được nhân vật, tính cách và khí chất của nhân vật. Có thể diện mạo hay giọng tôi không giống Bác hoàn toàn, nhưng người xem vẫn cảm giác trong đó hình bóng Người. Khi khán giả tin nghĩa là mình thành công” - ông tâm sự.

Cả đời cống hiến cho nghệ thuật, năm 2023, nghệ sĩ Đức Trung được trao tặng danh hiệu NSND. Người nghệ sĩ U90 còn vui mừng hơn vì con trai ông - diễn viên Lê Tuấn Anh, cũng được tặng danh hiệu NSƯT cùng đợt.

Về cha mình, NSƯT Lê Tuấn Anh chia sẻ: “Bố tôi là người hiền lành. Ông là nghệ sĩ nhưng lúc nào cũng nghiêm nghị. Các vai diễn trên sân khấu và điện ảnh cứ như “bê” chính con người của ông từ ngoài đời lên”. NSND Đức Trung cũng thú thật là ông thích vào vai nhân vật có tính cách gần với mình ngoài đời và tự nhủ phải sống tử tế, đúng mực để không ảnh hưởng đến hình tượng những nhân vật mà mình thủ vai.

“Khi làm nghệ thuật tôi cũng được hấp thụ cái hay, cái tốt, nhân văn của các nhân vật để làm giàu tâm hồn mình, để mình sống hướng thiện, làm những điều tốt đẹp cho xã hội” - “ông nội quốc dân” bày tỏ.

Ở tuổi 86, NSND Đức Trung vẫn muốn đóng góp cho nghệ thuật, bằng những việc vừa sức, như giảng dạy, hướng dẫn diễn xuất cho thế hệ trẻ. Hằng ngày, ngoài đi bộ để rèn luyện sức khỏe, ông vẫn tập diễn kịch để luyện trí nhớ, vui cùng người bạn đời và con cháu. Cuộc đời cống hiến của ông là tấm gương mẫu mực cho những thế hệ sau.

An Nhi