Yên Sở neo giữ nếp làng
Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa như Quán Giá, giếng cổ; giữ gìn các phong tục tập quán, cải tạo cảnh quan… là cách làm đang được chính quyền, nhân dân xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) chú trọng để neo giữ những nét đẹp riêng của quê hương trong dòng chảy đô thị hóa. Điều này càng có ý nghĩa khi Yên Sở đang hoàn thiện các tiêu chí để trở thành phường.
Vùng đất cổ nhiều nét đặc sắc
Ngoại thành Hà Nội xưa có 3 vùng đất cổ là: Cổ Bi, Cổ Loa, Cổ Sở. Trong đó, Cổ Sở còn có tên Kẻ Giá, Kẻ Sở, là nơi sầm uất với chợ phiên, thuyền bè trên sông tấp nập, cư dân sinh sống phồn thịnh, sung túc. Theo giới thiệu của cụ Nguyễn Tri Trù - người làng Yên Sở, Cổ Sở xưa gồm 3 làng: Yên Sở (xã Yên Sở), Đắc Sở (xã Đắc Sở), Yên Thái (xã Tiền Yên ngày nay). Xưa, làng có cánh bãi phù sa sông Đáy chuyên trồng dâu, nuôi tằm nên người dân phát triển nghề dệt lụa. Làng lại có bến Cổ Sở nơi giao lưu buôn bán sầm uất nên cư dân giàu có. Dân gian từng lưu truyền câu: “Thóc Lại Yên, tiền Kẻ Giá, cá Kẻ Canh” là vậy.
Chẳng những giàu có, đất Yên Sở còn có truyền thống văn hóa lâu đời. Phương ngôn có câu: “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy”. Rước Giá nổi tiếng với tích “Nghiềm quân”, rước kiệu trong lễ hội từ mùng 10 đến 12 tháng Ba (âm lịch). Đây là ngày hội tưởng nhớ Anh hùng - Tướng công Lý Phục Man đã có công lớn giúp Lý Bôn dựng cờ khởi nghĩa năm 542 đánh đuổi giặc Lương ở phương Bắc và quân Lâm Ấp ở phương Nam, dựng nên nước Vạn Xuân - nhà nước độc lập, tự chủ đầu tiên của dân tộc ta ở thế kỷ VI.
Ngày nay, Yên Sở còn lưu giữ Quán Giá và Rừng Giá với diện tích hơn 6ha, là nơi yên nghỉ và tôn thờ Tướng công Lý Phục Man. Di tích Quán Giá và Rừng Giá đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1991. Theo cụ Nguyễn Tri Trù, Quán Giá có hệ thống đền Thượng, đền Trung và đền Hạ được xây dựng theo hình chữ “Công” cổ, có lối kiến trúc của cung điện nhà vua, rất hiếm có ngôi đình nào có được kiến trúc này. Bên cạnh đó là các dãy nhà tả mạc, hữu mạc… cổ kính, được bảo tồn, tôn tạo thường xuyên nên còn khá nguyên vẹn.
Cụ Trù cho biết, Quán Giá còn lưu giữ được 5 tấm bia đá niên đại từ năm 1620 đến 1803 và một số tài liệu cổ như thần phả, hương ước, phản ánh lịch sử của vùng đất này. Trên các công trình kiến trúc có nhiều hoa văn, chạm khắc tinh xảo lưu dấu ấn các triều đại phong kiến ở nước ta. Trong đó có hai bức tường với những viên gạch nung trang trí rất đẹp. Tường phía đông có 23 viên, tường phía Tây có 26 viên. Mỗi viên gạch có đường chỉ viền xung quanh hình vuông, giữa là phù điêu mỏng, thể hiện các hình tượng sống động như: Lão nông dong trâu cày ruộng, cô gái tắm ở ao sen, quan quân cưỡi voi cưỡi ngựa, tiều phu gánh củi, hai người đánh cờ, ngư phủ chèo thuyền đánh cá…
Không chỉ có Quán Giá, vùng đất Cổ Sở xưa còn được biết đến với di tích đặc biệt “đình không xà, làng có 73 giếng”. Có nhiều giả thiết về sự xuất hiện các giếng cổ này nhưng có điểm chung đó là các giếng đều được đào từ vài trăm năm trước, có cấu tạo khá giống nhau: Thành giếng được xếp khéo léo bởi những tảng đá sâu ít nhất 4-5m, đáy giếng lót phiến gỗ lim, quanh năm đầy ắp nước, rất trong, phục vụ bao thế hệ người dân trong làng. Theo thống kê, giếng đá tập trung ở các xã: Yên Sở, Đắc Sở. Đến nay, địa phương còn gìn giữ được 31 giếng cổ, trong đó, xã Yên Sở có 21 giếng.
Không chỉ có những công trình kiến trúc độc đáo, Yên Sở còn là vùng đất cổ chứa đựng nhiều phong tục tập quán tốt đẹp; nhiều tục lệ, quy tắc ứng xử mang đậm văn hóa truyền thống. Ông Nguyễn Đăng Hoan, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Yên Sở cho biết: Làng có quy ước kế thừa những giá trị tốt đẹp trong bản hương ước cổ, quy định khá đầy đủ những việc được và không được làm của người dân, đặc biệt là các vấn đề về văn hóa, đạo đức, đạo lý gia đình, vệ sinh môi trường... Thực hiện quy ước này rất thuận lợi cho địa phương trong công tác quản lý nhà nước và xây dựng con người Yên Sở văn minh…
Đô thị hóa trên nền tảng nếp làng
Yên Sở hôm nay đổi thay từng ngày. Điện, đường, trường, trạm khang trang; các ngõ xóm đều được gắn biển, đặt tên. Tối đến, đèn cao áp chiếu sáng các trục giao thông khiến làng quê nhộn nhịp như phố phường... Yên Sở đang mang dáng dấp của đô thị song những di tích lịch sử văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của làng quê vẫn không hề mai một.
Theo Chủ tịch UBND xã Yên Sở Nguyễn Bá Trường Yên, xã xác định đi đôi với xây dựng nông thôn mới vẫn phải giữ nét đặc trưng của làng. Chính vì vậy, trong rất nhiều năm qua, địa phương không ngừng gìn giữ, vun đắp văn hóa truyền thống. Năm 2024, được sự quan tâm của thành phố và huyện Hoài Đức, khu di tích Quán Giá được đầu tư khoảng 15 tỷ đồng để làm đường đi; tôn tạo sân nhà tả mạc và hữu mạc; làm lại sân giữa và sân ngoài; trồng cỏ xung quanh...
Năm 2025, xã được UBND huyện Hoài Đức phân bổ vốn để chuẩn bị khởi công xây dựng khu bãi xe kết hợp trồng cây trên diện tích 3ha gần Quán Giá. Đáng chú ý, ngoài vốn đầu tư của Nhà nước, Yên Sở còn xã hội hóa trồng nhiều cây gỗ quý như lim xanh, chò chỉ bổ sung vào Rừng Giá. Xã cũng thực hiện cắt tỉa cây xanh, trồng thêm 100 cây cau trong khu di tích để tạo cảnh quan...
Bảo tồn nét văn hóa làng chính là bảo tồn không gian văn hóa truyền thống. Tại xóm Giếng, thôn 3, xã Yên Sở, một giếng cổ có tuổi đời hàng trăm năm vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Sở Nguyễn Đắc Ngọ cho biết: Bảo tồn giếng cổ, người dân trong xóm đã xây tường bao quanh khuôn viên; miệng giếng được gắn nan sắt để phòng đuối nước. Do có nước máy nên những giếng cổ không còn nhiều người lấy nước về dùng nhưng người làng vẫn gìn giữ, bảo vệ như một phần của hồn làng.
Lưu giữ nét đặc trưng của làng, Yên Sở đã trồng lại những hàng dừa. Theo Chủ tịch UBND xã Yên Sở Nguyễn Bá Trường Yên, trước đây, cây dừa có mặt khắp nơi nên còn được gọi là làng Dừa. Sau này, do đất chật, không còn nhiều hộ trồng dừa. Neo giữ hồn quê, những năm gần đây, Yên Sở vận động nhân dân trồng lại những hàng dừa xanh. Cách đây ít hôm, hưởng ứng Tết trồng cây, Yên Sở trồng thêm 100 cây dừa xiêm trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa thể thao của xã, nâng tổng số cây dừa được trồng trên các trục đường, nơi công cộng lên tới vài trăm cây. “Những hàng dừa khơi lại nét đẹp truyền thống của làng. Lá dừa cũng là nguyên liệu để người dân làm hộp đựng bánh gai - nghề truyền thống ở Yên Sở”, ông Yên nói.
Trong 30 năm qua, Quy ước làng Yên Sở đã phát huy tác dụng rất tốt, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ. Ví như, việc khao thọ được duy trì vào mùng 4 Tết Nguyên đán tại Quán Giá; việc ăn cưới chỉ tổ chức một bữa chính vào chiều trước lễ đón dâu; thực hiện việc tang văn minh được phát huy… Những việc nhỏ như: Không thả rông vật nuôi, rác bỏ đúng nơi quy định... được nêu trong quy ước, đều được thực hiện nghiêm. Thực hiện quy ước này, cán bộ, đảng viên trong xã đều xác định rõ phải gương mẫu. Đến nay, hầu hết đám cưới trong xã đều được tổ chức tại các nhà văn hóa thôn với hình thức trang trọng, tiết kiệm. Đối với đám tang người già trên 80 tuổi, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Yên Sở làm chủ lễ...
Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Đăng Hoan, người dân làng Yên Sở cho hay, những đổi thay mang đến hạnh phúc rất lớn cho người dân địa phương. Điện, đường, trường, trạm đều được đầu tư khang trang, nhà được đánh số, đường thôn xóm có tên. Trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ, xã vận động nhân dân chung sức lắp đặt hệ thống đèn trang trí khắp các trục đường làng, cổng làng với tổng kinh phí 170 triệu đồng. Nhân dân cùng nhau trang trí cờ, đèn lồng trên các trục đường, tạo không khí vui tươi, đầm ấm. Hiện, phố trong làng Yên Sở rất đẹp, đặc biệt là vào buổi tối...
“Yên Sở đang trong quá trình phát triển từ xã thành phường, nhưng dù ở cấp độ nào, truyền thống văn hóa của người Yên Sở chắc chắn vẫn được giữ gìn bởi chúng tôi hiểu rằng, nền tảng là văn hóa truyền thống cộng hưởng với đời sống hiện đại sẽ tạo nên nông thôn mới văn minh, giàu bản sắc", ông Hoan chia sẻ thêm.