Nâng tầm lụa Việt
Hành trình của lụa Việt suốt nghìn năm lịch sử trải qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn nỗ lực lưu giữ và phát huy vốn cổ của cha ông.
Bằng sự gắn bó, sáng tạo với nghề truyền thống, các nghệ nhân đã kết hợp và tìm ra những chất liệu mới, cập nhật về màu sắc, hoa văn và kiểu dáng cho phù hợp thị hiếu khách hàng, đồng thời cũng cho thấy tâm huyết trên mỗi sản phẩm được làm bằng phương pháp thủ công. Đó là hành trình không nghỉ để tìm tiếng nói mới cho tơ lụa.
![lua-viet.jpg](https://hnm.1cdn.vn/2025/02/06/lua-viet.jpg)
Dệt thổ cẩm từ sợi tơ tằm “made in Vietnam”
Câu chuyện về nghề dệt thủ công truyền thống bắt đầu từ cuộc trò chuyện với ông Huỳnh Tấn Phước, Chủ tịch Vietnam Silk House khi ông giới thiệu về chiếc áo vest cho nam giới bằng lụa tơ tằm nhuộm cà phê, in họa tiết khá hiện đại trong khuôn khổ triển lãm “Quà tặng của nhân gian” diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội vào đầu tháng 1. Đây là sản phẩm của sự kết hợp sợi đũi - sợi kéo tay truyền thống và sợi tơ tằm, vừa nâng giá trị sản phẩm, vừa tạo ra một chất liệu mới, hiện đại hơn bởi cách dệt và công nghệ in ấn họa tiết. “Chúng ta thường nghĩ tơ lụa chỉ dành cho nữ giới nhưng dần dần chúng tôi sẽ tạo ra những sản phẩm mà mọi người đều có thể dùng được” - ông Huỳnh Tấn Phước nói.
Hiện diện trong không gian triển lãm “Quà tặng của nhân gian” còn có nhiều nghệ nhân đến từ Tây Nguyên, với các sản phẩm thổ cẩm dệt tay bằng chất liệu tơ tằm. Nguồn nguyên liệu lấy từ vùng Bảo Lộc (Lâm Đồng), qua bàn tay khéo léo của các bà, các chị, tấm thổ cẩm có giá trị hơn, không chỉ bởi những hoa văn, họa tiết đặc trưng mà còn bởi ưu điểm của tơ tằm như thoáng, không bắt mùi, ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè. Trước đây, bà con ở Tây Nguyên thường dệt thổ cẩm từ nguồn sợi dệt mua từ Trung Quốc. Để dệt nên một tấm thổ cẩm rất lâu nhưng sản phẩm bán ra chỉ đủ “lấy công làm lãi”. Khi dùng sợi tơ tằm trong nước, giá của mỗi tấm thổ cẩm được nâng lên 3 - 4 lần. Huỳnh Tấn Phước, người đưa nguyên liệu dệt về cho bà con, cho biết: Ông muốn dùng sợi tơ tằm Việt Nam như một cách để kết nối, gìn giữ văn hóa cho bà con đồng bào Tây Nguyên.
“Chúng tôi đã tới các bản làng, tìm hiểu cách mắc sợi. Họ mắc sợi bằng tay và mình phải tìm hiểu từng chi tiết từ sợi nhỏ đến khi thay đổi kích cỡ. Sợi tơ tằm mềm, trơn hơn các loại sợi khác. Nếu nhỏ quá sẽ bị đứt và vì thế kích thước sợi phải được điều chỉnh liên tục đến khi bà con dệt được thì thôi” - ông Phước nói. Thành phẩm bà con làm ra sẽ được thu mua, hỗ trợ đầu ra bằng việc trưng bày, giới thiệu tại các cửa hàng của Vietnam Silk House.
Và một trong những thành phẩm lụa dệt thổ cẩm ấy đã được nhà thiết kế Minh Hạnh sử dụng để làm nên bộ sưu tập mới nhất của chị, giới thiệu tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đầu tháng 1 vừa qua. Phát huy sở trường với thổ cẩm, lần này chị đã kết hợp thổ cẩm với tơ lụa, nâng cao giá trị của sản phẩm, khẳng định và quảng bá tay nghề của các nghệ nhân. “Trong thời đại này sự liên kết là yếu tố quyết định. Vai trò của chúng tôi là kết nối những nghệ nhân làm tơ lụa từ khắp các vùng miền. Tôi luôn mong muốn đưa những ý niệm về thiết kế vào trong sản phẩm của các nghệ nhân, giúp họ về kỹ thuật. Đó là những giá trị mà nghề nghiệp của chúng tôi có thể mang lại cho cộng đồng, giúp cho đời sống của họ tốt hơn, quan trọng nhất là tạo dựng niềm tin của họ với nghề truyền thống” - nhà thiết kế Minh Hạnh nói.
Cùng góp chung tiếng nói mới cho tơ lụa và thổ cẩm, nhà thiết kế Đặng Viết Bảo giới thiệu những bộ sưu tập áo dài với thiết kế hiện đại nhưng vẫn phảng phất âm hưởng của núi rừng, của những vùng đất xa xôi của Tổ quốc. Anh ứng dụng kỹ thuật dệt zèng của đồng bào A Lưới (thành phố Huế) để tiếp tục làm nên bộ sưu tập “Bản trường ca đại ngàn”, với đa dạng mẫu áo dài dành cho cả nam và nữ, áo dài cổ phục và áo dài cách tân. “Tôi đã chọn lọc và đưa kỹ thuật dệt cũng như các hoa văn, họa tiết của đồng bào lên tác phẩm thiết kế của mình, vừa có hơi thở đương đại nhưng cũng đượm tâm hồn của đồng bào Paco, Tà Ôi, Cơ Tu…” - nhà thiết kế Viết Bảo nói.
Tiếp tục những hành trình khám phá
Ông Huỳnh Tấn Phước cho biết: Khi đã hoàn thiện và bài bản về mặt công nghệ, chúng ta sẽ sản xuất những sản phẩm tơ tằm thuần Việt. Mặc dù chưa có tên trên bản đồ thế giới nhưng ông tin một ngày không xa, tơ lụa Việt Nam sẽ được gọi tên. Để có được điều đó, nghề dệt lụa nước ta cần đạt được những tiêu chuẩn nhất định. Chẳng hạn, trước đây, nghề dệt thủ công chủ yếu được duy trì và phát triển theo cách thức truyền thống, khi hợp tác sản xuất với nước ngoài, chúng ta phải đạt được những quy chuẩn về chất lượng, mẫu mã. Từ nuôi trồng đến sản xuất cần phải hướng đến tiêu chuẩn hữu cơ (organic), đồng thời cần lưu ý về mặt số lượng khi không thể làm nhiều mà phải tạo nên những sản phẩm đặc biệt.
“Chúng tôi đang triển khai dự án từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa trên diện tích lớn, liên kết với một số doanh nghiệp bất động sản, đang có sẵn nguồn đất và cùng chung chí hướng làm nông nghiệp hữu cơ. Chúng tôi phải định ra những tiêu chí cụ thể để người dân làm theo. Bên cạnh đó, tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) cùng sự giúp đỡ của các nhà khoa học, chúng tôi đã và đang nghiên cứu cách thức lai tạo sợi tơ tằm với protein của nhện, tạo ra chất liệu mới, sẽ công bố tới khách hàng trong tương lai không xa” - ông Huỳnh Tấn Phước chia sẻ.
Để làm được điều đó, rất cần sự liên kết giữa các vùng nguyên liệu, sự bắt tay của những làng lụa thủ công nổi tiếng trong cả nước như Làng nghề Vạn Phúc - Hà Đông (Hà Nội), làng lụa La Khê (Hà Nội), làng lụa Nha Xá (Hà Nam), làng đũi Nam Cao (Kiến Xương, Thái Bình), làng nghề lụa Mã Châu (Duy Xuyên, Quảng Nam), làng nghề lụa Tân Châu (An Giang), làng lụa Bảo Lộc (Lâm Đồng)… Bên cạnh đó, rất cần sự hỗ trợ của các cấp quản lý để những sản phẩm tiêu dùng mang giá trị văn hóa từ làng nghề truyền thống lan tỏa rộng khắp ở trong và ngoài nước, qua đó, vừa tạo sinh kế bền vững cho người dân, vừa tích cực bảo tồn vốn văn hóa dân tộc.