Hà Nội văn

Người nghệ sĩ tài hoa đậm chất xứ Đoài

Minh Nguyên 25/02/2025 09:09

Mỗi lần về chơi hội làng, được cùng nhâm nhi chén trà hay ly rượu, tôi lại khám phá thêm những điều mới mẻ trong con người ông - họa sĩ Nguyễn Hữu Xim.

Có lẽ cái chất người, chất văn hóa xứ Đoài từ trong căn cốt, lại được tiếp xúc sớm với nghệ thuật phương Tây đã làm nên một con người luôn để mở tâm hồn, mạnh mẽ nhưng trầm lắng, đủ trải nghiệm với khao khát của chính mình.

hoa-si.jpg
Tác phẩm "Núi say" của họa sĩ Nguyễn Hữu Xim.

Khát khao dấn thân, cống hiến

Họa sĩ Nguyễn Hữu Xim sinh năm Tân Tỵ 1941, chất chứa khát vọng nghệ thuật của mình từ những đàn cò trắng, cánh đồng lúa vàng của thôn Thanh Lãm, xã Phú Lãm, huyện Thanh Oai. Tài năng thiên phú, thi một lần đỗ ngay vào Trường Mỹ thuật Công nghiệp và sớm bộc lộ học lực nên năm 1966, ông được nhà trường chọn đi đào tạo tại Đại học Sân khấu và Điện ảnh Praha Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Séc).

Với họa sĩ Hữu Xim, văn học nghệ thuật phương Tây là miền đất vô tận để khám phá, là nơi hội tụ của nhiều trường phái, kết tinh trí tuệ và khát vọng trong mỗi con người. Một thời “thanh niên sôi nổi” trong ông là ăm ắp kỷ niệm không dễ nguôi quên, với những lần cùng bạn bè quốc tế xuống đường tuần hành phản đối đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, những ngày lang thang trong các bảo tàng, quảng trường, góc phố Praha cổ kính và cả những buổi chiều buồn mênh mông bên dòng sông Vltava lãng mạn, êm đềm để nhớ “bóng trăng” của riêng mình nơi “đồng chiều cuống rạ” quê hương. Ông chia sẻ: “Đám sinh viên nghệ thuật ngày ấy chỉ ước sao khiêng được Praha về Hà Nội”.

Với trái tim chất đầy rung cảm và năng lực hấp thụ, Nguyễn Hữu Xim đến với nhiều trường phái hội họa nhưng đọng lại ở hội họa ngây thơ (Naïve art). Một trường phái đã có ở châu Âu hàng trăm năm trước với phong cách phá vỡ sự cân bằng để hướng tới cái đẹp gợi cảm và chất chứa nội tâm của người họa sĩ.

“Ngây thơ” toát lên trong ý tưởng hội họa, nhưng giữa đời thường, với tôi ông thật sự là một người nghiêm túc, chỉn chu từ trong cách nghĩ. Có lần tôi đánh bạo hỏi: Không gian Praha như miền cổ tích của tình yêu, một họa sĩ trẻ căng tràn rung cảm, chả nhẽ ông không có “bóng tóc vàng” nào? Họa sĩ cười trong hoài niệm: "Cũng có một cô diễn viên từng đóng nhiều vai công chúa “ngỏ lời” nhưng tôi nói, Việt Nam đang còn chiến tranh, còn phải lo đánh Mỹ, phải lo học tập...". Và còn bởi trước khi du học, ông đã dành trọn trái tim mình cho cô gái đẹp nhất làng Thanh Lãm.

Họa sĩ Hữu Xim nói với tôi: "Người Séc có câu thành ngữ tạm dịch “Ở đâu cũng tốt nhưng nhà mình tốt nhất. Đất nước cho mình đi du học để mở mang kiến thức, để sáng tạo và cống hiến cho Tổ quốc mình". Năm 1973, ông về nước, về với cây đa bến nước, hội làng... “đóng đinh” trong tâm khảm, về với “người thương” có mái tóc dài đang chờ đợi ông, và hơn hết là khát khao dấn thân, cống hiến cho quê hương, đất nước.

Nghệ thuật là không ngừng sáng tạo

Những khúc quanh của cuộc đời chất chứa không ít nỗi niềm, cũng là thách thức để vượt qua chính mình. Từ Tiệp Khắc trở về, tưởng rằng họa sĩ Hữu Xim gắn cuộc đời mình với nghề thầy giáo ở khoa Trang trí thiết kế đồ chơi của Trường Mỹ thuật Công nghiệp nơi chọn ông đi học, nhưng rồi lãnh đạo Ty Văn hóa Hà Sơn Bình ngày ấy xin bằng được ông về Đoàn múa rối của tỉnh cùng lời nhắn nhủ: "Cậu là người xứ Đoài, trước hết phải cống hiến cho quê hương". Ông bảo: “Nghe thế mình gật luôn”. Ngày ấy họa sĩ làm đủ thứ từ bán vé, canh trẻ con đến dựng chương trình..., rồi những ngày sau giải phóng miền Nam, ông “cầm quân” mang nghệ thuật truyền thống của vùng đất quê lụa vào tận Sông Bé, Lâm Đồng... biểu diễn.

Năm 1991, sau khi tách tỉnh, họa sĩ Hữu Xim đảm nhận vai trò Trưởng đoàn Văn công, rồi lại sang Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Hòa Bình, sau đó là hơn ba năm theo đuổi nghề cầm bút tại Báo Văn nghệ Hòa Bình. “Một ngày đẹp trời”, như cách người ta vẫn nói, ông về làm Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hòa Bình. Ông cùng đồng nghiệp tìm được bộ di cốt đười ươi dưới hang sâu 70 mét, được ví như “viên kim cương” đối với ngành Khảo cổ học để nghiên cứu lịch sử phát triển loài người và môi trường cổ đại ở Việt Nam. Ở mỗi lĩnh vực họa sĩ Hữu Xim đều để lại những dấu ấn riêng có. “Tài hoa phát tiết” không chỉ viết văn, làm thơ, ông thông thạo cả đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tỳ bà..., được bạn bè, đồng nghiệp “xếp loại” đa tài.

Có lẽ với Hữu Xim, hội họa và điêu khắc là miền sâu lắng nhất, dành nhiều tâm sức nhất. Với tác phẩm điêu khắc “Tiếng cồng mùa xuân” sáng tác năm 1993, ông kể: “Một lần ra đê sông Đà, thấy có cây mít to, tôi nghĩ tác phẩm của mình đây rồi, thế là có bao nhiêu tiền dốc túi mua bằng được, nhưng cũng chỉ lấy đủ gỗ làm tượng còn lại cho người ta. Đục đẽo miệt mài hơn 4 tháng, sụt mất mấy cân, mới thành hình như mong muốn. Sau này có người trả tới mấy nghìn đô, cũng là khoản khá đấy, nhưng không thích nên không bán”.

Trong câu chuyện hội họa nối dài, ông nói: “Tôi cảm phục văn hóa phương Tây, nhưng căn cốt là văn hóa Việt”, “ngành nghệ thuật nào cũng cần sáng tạo nhưng mỹ thuật phải không ngừng sáng tạo”. Cũng bởi khát khao sáng tạo, cống hiến mà ở tuổi 80, giữa mùa Covid, ông cho ra đời tác phẩm “Biến đổi gen” - một tác phẩm ấn tượng với chất liệu sơn dầu trên giấy dó.

Bộ tác phẩm trải dài cùng thời gian, trên nhiều chất liệu như “Công chúa tóc vàng”, “Núi say”, “Tằm nhả tơ” (sơn dầu); “Praha mùa thu về”, “Nghệ nhân Hà Thị Cầu” (sơn dầu trên giấy dó); "Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch" (khắc gỗ); “Bao Công cũng khóc” (chất liệu tổng hợp)... phần nào đã “nằm lòng” suy cảm nghệ thuật của họa sĩ Hữu Xim trong giới hội họa, và với nhiều người, ông thực sự là một nghệ sĩ tài hoa đậm chất xứ Đoài.

Triển lãm tranh của họa sĩ Nguyễn Hữu Xim khai mạc lúc 16h30 ngày 23-2-2025, tại tầng 2 Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Triển lãm mở cửa đến hết ngày 4-3-2025.

Minh Nguyên