Hà Nội văn

Mùa hoa nở muộn

Truyện ngắn của Lê Ngọc Sơn 10/03/2025 06:05

Tết đã qua gần một tháng nhưng mưa vẫn chưa dứt. Mưa bụi lất phất bay, như chiếc sàng rây lớp bột mịn bám lên mái nhà, khoảng sân. Những hạt mưa đọng lại trên chiếc lá xanh non nhỏ xíu của cành hoa hồng, tụ thành giọt nước tròn đầy, trĩu nặng uốn cong sợi gân lá rồi lặng lẽ rơi xuống lớp đất mềm ẩm bên dưới.

Bà Thảo giậm mạnh đôi ủng vào gờ đá giữa mảnh vườn và khoảng sân, từng mảng bùn bám chặt lập tức bong ra. Bà tựa chiếc cuốc vào góc tường rồi bước ra sân giếng, múc từng gàu nước đổ vào chiếc chậu nhôm méo mó và mòn vẹt, vục từng vốc nước gột rửa lớp bùn đất bám chặt trên tay chân.

Mưa phùn rả rích, thời tiết thuận lợi, một sào hoa hồng năm nay đủ nước, hứa hẹn cho ra đời những bông hoa rực rỡ kịp dịp lễ sắp tới. Những chiếc nụ đã bắt đầu hé, lá non xanh vươn đón lấy khí trời, rễ cây bám sâu vào lòng đất, miệt mài hút chất dinh dưỡng để dồn nuôi nụ lớn lên từng ngày. Nếu vụ hoa này bán được giá, bà sẽ có đủ tiền sang cát cho chồng và con trai.

***

Mới đó mà đã bảy năm. Chồng và con trai bà Thảo ra đi cũng vào một ngày mưa bụi bay bay. Buổi chiều định mệnh ấy, mỗi khi nghĩ tới, tim bà lại buốt nhói.

Chiếc container ở góc cua khuất lao tới, hất mạnh vào tay lái xe máy mà chồng bà đang chở đứa con trai đầu. Chiếc xe loạng choạng rồi đổ xuống đường, làm hai bố con ngã xuống. Xe container vẫn lầm lũi trườn tới, những hàng lốp đen xì vô cảm nghiệt ngã nghiến qua. Nó chỉ khựng lại khi người tài xế cảm thấy có điều gì đó bất thường dưới bánh xe.

Trên chiếc xe máy bẹp nát, chiếc túi nhỏ vẫn còn lủng lẳng ở móc treo phía trước. Bên trong túi, hộp quà màu đỏ nguyên vẹn, món quà mà hai bố con, chỉ mấy chục phút trước, còn háo hức vào tiệm vàng mua, dự định tạo bất ngờ cho bà Thảo vào ngày kỷ niệm 20 năm vợ chồng bà làm đám cưới.

Từ ngày đó, gia đình chia đôi hai nửa, âm dương cách biệt. Trên dương thế chỉ còn bà với thằng Thành, đứa bé bốn tuổi ngơ ngác trong ngày bố và anh mất, chẳng hiểu vì sao nhà mình lại đông người đến vậy. Nó được các bác mặc cho chiếc áo tang trắng, bảo đứng ở góc bàn thờ, chống gậy, cúi lạy từng người đến thắp hương. Nó không hiểu vì sao hôm ấy bố và anh không về chơi với nó như mọi khi...

***

Bà Thảo vào nhà, rót một cốc nước chè nóng từ giành tích, thong thả uống, tranh thủ ngồi nghỉ cho đỡ mệt. Một lát sau Thành đi học về. Nó chào mẹ, đặt chiếc cặp vào góc bàn học, cẩn thận treo bộ đồng phục và chiếc khăn quàng đỏ lên móc rồi thay bộ quần áo ở nhà trước khi xuống bếp.

Nhà chỉ có hai mẹ con nên Thành đong vừa đủ một lon gạo. Cắm xong nồi cơm, nó ngồi xuống nhặt rau phụ mẹ. Bữa cơm trưa đạm bạc, đĩa rau muống luộc, quả trứng gà dầm trong bát nước mắm và nồi cá quả kho từ chiều hôm qua đun lại. Bà Thảo gắp miếng cá cho con, dịu dàng nhìn nó đưa bát lên, xới cơm ăn ngon lành.

Thành học lớp 5 ở trường tiểu học thị trấn. Vì mồ côi cha và gia cảnh khó khăn, Thành được nhà trường miễn giảm học phí. Nó ham học, lại siêng năng, biết đỡ đần mẹ việc nhà.

Chiều nay Thành được nghỉ học nên ra vườn phụ mẹ chăm hoa. Con nhà nông, từ bé nó đã quen cầm cuốc, quen theo dõi thời tiết để đoán xem hoa có kịp nở đúng độ, có cho bông to, rực rỡ như mẹ mong đợi hay không. Khu vườn của mẹ còn được Thành đưa vào bài văn tả cảnh. Bài viết sinh động, chi tiết đến mức cô giáo chủ nhiệm tấm tắc khen hay. Mà có gì khó đâu, công việc làm vườn ra sao, bông hoa cành lá thế nào, tất cả đã in sâu trong tâm trí nó, chỉ cần để ngòi bút tuôn theo dòng suy nghĩ.

Năm nay bà Thảo trông vào vụ hoa để lo liệu việc sang cát cho chồng và con trai. Bà nhẩm tính, cũng phải mươi triệu, không thể ít hơn. Tiền mua tiểu quách, rồi cát, xi măng, công thợ để xây hai ngôi mộ tươm tất trong khu mộ dòng họ, chưa kể mua đồ lễ, rồi sắm sửa mươi mâm cơm mời bà con họ mạc, hàng xóm đến thắp hương. Mỗi khoản một ít cũng thành cả một số tiền lớn. Nhưng bà Thảo thấy yên tâm. Tiền dành dụm từ vụ hoa cúc bán Tết, cộng với vụ hoa hồng này, chắc cũng sẽ đủ.

***

Sáng nay, bà Thảo cắt nửa sào hoa mang ra chợ đầu mối bán. Bà dự định nếu bán chạy, chiều sẽ cắt nốt nửa sào còn lại để bán tiếp vào chiều nay và sáng mai. Năm ngoái hoa hồng được giá, hy vọng năm nay cũng vậy. Thế nhưng, từ sáng sớm xe container, xe tải đông lạnh chở hoa hồng từ nơi khác đã nườm nượp đổ về chợ thị trấn. Hoa tràn ngập nhưng người mua không đông hơn năm ngoái là bao.

Gần trưa, số hoa bà Thảo mang ra chợ mới chỉ vơi được một góc. Bao nhiêu hy vọng giờ thành bấy nhiêu thất vọng. Cuối buổi chợ, bà thu dọn hoa mang về, xe hoa vẫn còn hơn một nửa.

Ngày mai, trường Thành sẽ tổ chức liên hoan văn nghệ chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ. Ngoài các tiết mục múa hát, chương trình còn có phần thi “Hái hoa dân chủ”. Mỗi lớp sẽ cử một học sinh xuất sắc lên hái hoa và trả lời câu hỏi được đánh số trong mỗi bông hoa. Trước khi trả lời câu hỏi, mỗi thí sinh sẽ có một bài giới thiệu ngắn về bản thân, tên tuổi và lớp mình đại diện.

Là học sinh giỏi văn của lớp, Thành được cô giáo chủ nhiệm đề cử, cả lớp vỗ tay tán thành. Tiết mục văn nghệ của lớp cũng rất đặc sắc, được dàn dựng công phu với sự hỗ trợ của một cô biên đạo múa. Chỉ còn buổi diễn tập ghép nhạc toàn trường vào chiều nay nữa là tất cả đã sẵn sàng. Thầy cô và các bạn ai cũng háo hức mong chờ. Không khí trong trường rộn ràng, ai nấy đều vui vẻ, háo hức với ngày hội lớn. Ai cũng mong lớp mình sẽ đạt giải cao.

Hào hứng là vậy, nhưng trưa nay, khi về tới sân nhà, Thành chợt khựng lại. Mẹ đang ngồi lặng lẽ trên bậu cửa, ánh mắt buồn bã dõi ra khu vườn. Giữa khoảng sân rộng, trên chiếc xe thồ, ba bó hoa lớn vẫn còn đó, số hoa sáng nay mang ra chợ mà chưa bán hết. Vụ hoa năm nay tuy đẹp nhưng lại ế ẩm hơn mong đợi. Bà Thảo không thể lường trước được hoa từ khắp nơi lại đổ về nhiều đến thế. Đường sá thuận tiện, xe cộ tấp nập, chợ hoa ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn. Người nông dân như bà, dồn bao công sức, chăm chút từng nụ hoa suốt mùa mưa nắng, nhưng đến ngày thu hoạch lại chỉ biết trông chờ vào sự may rủi của thị trường.

Mẹ buồn thì làm sao Thành có thể vui?

Buổi chiều tổng duyệt, đến lượt mình, Thành vẫn đứng lên trả lời câu hỏi nhưng ánh mắt cứ chùng xuống, khuôn mặt buồn rười rượi. Khi bước xuống khỏi sân khấu, cô giáo chủ nhiệm không khỏi lo lắng. Cô đoán cậu học trò nhanh nhẹn, hoạt bát mọi khi hẳn đang có chuyện buồn. Cô nhẹ nhàng lại gần hỏi nhỏ:

- Hình như có chuyện gì làm em buồn phải không, Thành?

Thành ngoan ngoãn đáp:

- Dạ... Mai là mùng 8-3 rồi mà vườn hoa của mẹ em vẫn chưa bán hết, cô ạ...

Hoàn cảnh nhà Thành, cô hiểu rất rõ. Cô khẽ trầm ngâm một lúc rồi đặt hai tay lên đôi vai nhỏ bé của cậu học trò, dịu dàng nói:

- Em cứ yên tâm tập luyện cùng các bạn cho tiết mục ngày mai nhé. Cô sẽ nghĩ cách giúp hai mẹ con em.

***

Thành trở về sau buổi tổng duyệt, cậu ngạc nhiên khi nghe tiếng nói cười rộn ràng vang lên từ trong nhà. Là giọng của cô giáo chủ nhiệm, thầy tổng phụ trách và cả cô hiệu trưởng. Các thầy cô đã đến từ lúc nào mà cậu không hề hay biết.

Thành vội khoanh tay lễ phép chào các thầy cô rồi nhanh chóng vào thay quần áo. Từ trong buồng, cậu loáng thoáng nghe tiếng mẹ đang trò chuyện với các thầy cô ở bàn nước:

- Mẹ con tôi cảm ơn các thầy giáo, cô giáo nhiều lắm! Cảm ơn nhà trường! Thầy cô đã thương yêu cháu Thành như con em trong nhà, giờ lại còn thương cả mẹ con tôi... Ơn này, tôi không biết nói sao cho đủ...

Cô hiệu trưởng nhẹ nhàng đáp lời:

- Chị đã vất vả rồi! Ngày mai trường cũng cần có hoa tươi cho buổi lễ. Không mua chỗ khác thì mua hoa vườn nhà mình thôi. Mà hoa nhà chị đẹp thế này, rất hợp với chương trình văn nghệ ngày mai!

minh-2.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Một lát sau, thêm vài ba thầy cô giáo nữa cũng ghé qua nhà Thành. Không ai bảo ai, tất cả cùng xắn tay áo, ra vườn phụ giúp mẹ Thành cắt những bông hoa hồng. Chẳng mấy chốc, cả vườn hoa đã được thu hoạch xong, những bông hoa tươi tắn gom lại một góc sân, rồi được thầy cô sắp xếp cẩn thận để chở về trường.

Sáng hôm sau, trong khuôn viên sân trường rực rỡ cờ hoa, phía trên sân khấu trang hoàng những bông hồng đỏ thắm, bà Thảo đứng lặng lẽ ở một góc, chăm chú dõi theo con trai mình. Thành tự tin bước lên sân khấu, tự tin hùng biện trôi chảy.

Khi phần trình bày của Thành kết thúc, tiếng vỗ tay vang dội khắp sân trường. Trong giây phút ấy, bà Thảo mỉm cười, cảm thấy lòng mình ấm áp lạ thường. Không chỉ hoa nở rộ trên sân khấu, mà một mùa hoa khác, của sự yêu thương và sẻ chia, cũng đang nở rộ trong lòng bà...

Truyện ngắn của Lê Ngọc Sơn