Hà Nội văn

Hoàng hôn trên những nhịp cầu

Vũ Hoàng 22/03/2025 06:00

Nhiều năm về trước, có một khoảng thời gian mà chiều nào mẹ cũng chở tôi từ bên này sang bên kia sông Hồng để chữa bệnh.

Và tôi nhớ, mẹ luôn chọn đi cầu Long Biên cũ kỹ thay vì cầu Chương Dương hiện đại. Lần nào cũng vậy, tôi ngồi phía sau, ngả đầu vào lưng mẹ, nghe mùi tóc mẹ thơm thơm và ngắm hoàng hôn từng giọt, từng giọt chảy xuôi trên những nhịp cầu hoen rỉ.

minh-1.jpg
Minh họa: Nguyên Sa

Sinh ra và lớn lên ngay bãi Phúc Xá, cách cầu Long Biên chỉ vài phút chạy xe, mà trong những năm tháng tuổi cũ, rất hiếm khi tôi qua lại trên cây cầu ấy. Bởi tôi luôn cảm thấy cây cầu cổ cũ, già cả, nặng nề đứng đó trong dáng vẻ mỏi mệt, nó không khớp vào bất cứ chỗ trống nào trong bức tranh cuộc sống thường nhật đầy năng động ngày nay. Tôi không thích qua lại trên cây cầu này, nhưng rồi tình cờ vẫn luôn thấy mình bon bon trên ấy. Ngày nhỏ là để đi chữa bệnh, ngày lớn là để về nhà. Vài năm trước, gia đình tôi đã chuyển về sống bên kia cầu.

Chẳng biết do hồi ấy tôi thường lơ đãng mỗi bận qua cầu, hay nhờ nhà nước chủ trương duy tu thường xuyên, hoặc quả thực cầu Long Biên trải qua biến thiên thời gian mà dáng hình nó, trong mắt tôi, bao năm vẫn vậy. Vẫn những nhịp dầm và trụ cao trần trụi phơi mình trước tháng năm, đến nỗi ngả đều một màu trầm tích hoài cổ. Vẫn lối đi xóc nảy dành cho xe máy, xe đạp, thi thoảng lại nghe lạch cạch tiếng bánh xe mau mắn nghiến qua một miếng bê tông hớ hênh. Vẫn đó đây, trong những ngày đông buốt rét, một hai chị nhỏ thó, mũ len và khăn quấn, ngồi cặm cụi quạt lửa bên những bếp than hồng thơm lừng mùi ngô nướng. Và vẫn, tiếng còi tàu hú lên xa xôi lẫn với âm thanh xình xịch khi tàu đến, hoặc đi, trong ráng chiều hoang hoải.

Tôi từng rất sợ đi qua cầu Long Biên vào những buổi chiều tàn, khi hoàng hôn loang màu đỏ ối cả một vùng trời như lời chào cuối ngày và đèn vàng thắp lên leo lét kéo cái bóng của những nhịp cầu dài ra ma mị. Vùng đất bên kia sông hồi ấy phố chưa thành phố, đường chưa phải đường, vắng vẻ và tăm tối. Mẹ chở tôi qua cầu, gió mượn lọn tóc mẹ quất má tôi ran rát, còn cây cầu và hoàng hôn như nuốt chửng tôi vào một vùng không gian tĩnh mịch khác hoàn toàn với phố, với ngõ, với Hà Nội muôn màu nhiều vẻ mà tôi thân thuộc.

Khi tôi chuyển về sống bên kia sông và qua lại trên cầu Long Biên gần như mỗi ngày, thật lạ, dường như tôi đã biết thương và biết nhớ. Thương nhiều thêm mỗi sáng chiều ngược xuôi, và nhớ nhiều thêm mỗi khi đi xa trở lại, men theo những nhịp cầu già nua, dưới hoàng hôn phủ vàng chân mây, để về nơi trái tim gọi là nhà.

Rồi tôi lại thích dừng chân trên cầu, những chiều muộn vơi vãn người xe. Tôi cứ đủng đỉnh trên lối đi bộ, thi thoảng ngừng bước tựa vào lan can, ngắm dải sáng lấp lánh tượng trưng cho đông đúc và náo nhiệt bên kia mấy quận trung tâm và trên cầu Chương Dương cách đó không xa. Và tôi chợt hiểu vì sao hồi ấy, mẹ thích qua sông trên cây cầu này. Có lẽ, đến một độ tuổi nào đó trong đời, ta sẽ dần buông những bám chấp vào mặt màu mè của cuộc sống để tìm đến những âm sắc trầm lắng và dịu dàng hơn.

Ta bắt đầu thích những hoàng hôn hắt hiu giữa nhá nhem chiều tối, với mây trời sông nước bảng lảng và chừng như chỉ mình ta, vị cô đơn đậm sâu nhưng tự do hơn bao giờ hết. Ta bắt đầu thích cái yên bình của sự tĩnh lặng, chỉ tiếng sông hát, tiếng gió hát, đoàn tàu hát, người ngang qua vu vơ hát, mà tâm hồn ta cũng như đang ngân nga. Ta bắt đầu thích những thứ cổ kính, như một cây cầu cũ hao mòn phong sương.

Phong sương nhưng kiên cường đứng đó, sừng sững vắt mình qua lịch sử, qua chiến tranh, qua thời gian mài mòn. Đó là cầu Long Biên, cây cầu chật hẹp và già lão, đại diện cho những vãng tích đã qua, nhưng cũng như phở, như hồ Gươm, như băm sáu phố phường… là những biểu tượng bất hủ của Hà Nội. Trăm năm qua đã vậy, trăm năm nữa vẫn thế.

Rồi một hôm, tôi lại có dịp dừng chân trên cầu, lắng nghe hơi thở dày nặng của kim loại rỉ sét, của dòng nước đẫy đà phù sa và hoàng hôn loang lổ trên đầu, chợt thấy cây cầu thật vĩ ngạn, còn mình thì nhỏ bé vô hạn…

Vũ Hoàng