Sống đẹp

Khơi nguồn sáng tạo từ phế liệu

Thanh Lam {Ngày xuất bản}

Từ những viên đá cuội, vỏ chai tưởng như bỏ đi, thầy giáo mỹ thuật Ngô Minh Khôi (Trường Tiểu học Tô Hiệu, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội) đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Bằng tình yêu nghề và niềm đam mê sáng tạo, thầy Khôi biến phế liệu thành những sản phẩm có hồn, góp phần lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường và khơi dậy khả năng sáng tạo trong mỗi học sinh.

phe-4.jpg
Từ những viên đá cuội bình thường, thầy giáo mỹ thuật Ngô Minh Khôi đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Khi đá cuội và thủy tinh biết kể chuyện

Một buổi chiều năm 2019, trong lúc dạo bước trên con đê của làng, anh Ngô Minh Khôi tình cờ bắt gặp vài chiếc chai thủy tinh bị vứt chỏng chơ bên vệ cỏ. Nghĩ đến những đứa trẻ thường xuyên vui đùa nơi đây, anh rùng mình khi tưởng tượng cảnh đôi chân trần non nớt có thể dẫm phải những mảnh vỡ sắc nhọn. Anh cúi xuống, định nhặt vỏ chai mang về để vứt đi cho gọn. Nhưng rồi... khi bàn tay vừa chạm vào thủy tinh lạnh lẽo, điều gì đó khẽ nảy lên trong tâm trí người giáo viên dạy mỹ thuật. “Sao lại bỏ đi? Chúng có hình dáng rất đẹp mà!” - và ý tưởng về việc tái sinh vẻ đẹp từ những thứ vô tri đã ra đời từ giây phút ấy.

Thế nhưng, con đường sáng tạo chưa bao giờ là bằng phẳng. Anh Ngô Minh Khôi chia sẻ: “Những ngày đầu làm quen với chất liệu chai thủy tinh, loại vật liệu vừa khó bám sơn, lại có hình dáng cong vênh, không thuận tiện cho việc vẽ, là những ngày đầy thử nghiệm... và không ít thất bại. Nhưng thay vì nản chí, anh Khôi coi đó là những “bài học thị phạm” của chính mình. Anh miệt mài tìm cách pha sơn, thay đổi cọ, học lại kỹ thuật để rồi từng bước khắc phục khó khăn, chạm tới sự hoàn thiện.

phe-1.jpg
Những vỏ chai tưởng như bỏ đi đã được thầy Ngô Minh Khôi tạo thành những tác phẩm nghệ thuật.

Từ sự tỉ mỉ và kiên trì, những chiếc chai tưởng chừng vô dụng được “hồi sinh” để bắt đầu hành trình sống thứ hai. Sau khi được rửa sạch, sấy khô, phủ màu và trang trí bằng những nét vẽ công phu, chúng trở thành bình hoa, đèn trang trí, hoặc những món đồ nhỏ xinh mang đậm dấu ấn sáng tạo và tâm huyết của người nghệ sĩ.

Không dừng lại ở chất liệu thủy tinh, chai lọ, một ngày khác, anh Khôi lại chú ý đến những viên đá sỏi còn sót lại sau một công trình xây dựng. Chúng lấp lánh dưới nắng và mang nhiều hình thù kỳ thú. Đống đá tưởng chừng như bị thải bỏ ấy lại được anh nhặt về. Ban đầu chỉ để làm vật chặn giấy nơi bàn làm việc, nhưng rồi, những viên đá cũng được tô điểm bằng những bức vẽ đầy sáng tạo, từ đó khoác lên mình một vẻ đẹp mới - độc đáo và ý nghĩa.

Tất cả những sản phẩm thử nghiệm ban đầu đó được anh Khôi gửi tặng bạn bè, người thân. Nhưng rồi, những lời khen, lời động viên chân thành đã dần gieo thêm cho anh cảm hứng. Bất ngờ hơn, ngày càng nhiều người tìm đến, mong muốn mua lại những sản phẩm tái chế đầy cảm xúc ấy để làm quà tặng, trang trí hay đơn giản là lan tỏa một tình yêu “xanh”, có trách nhiệm với môi trường. Bạn bè, người quen... thường giữ lại vỏ chai thủy tinh cho anh. Một mạng lưới “tái sinh chai lọ” tự nhiên hình thành, khởi đầu từ sự tin yêu giản dị và lòng quý trọng sáng tạo.

Gieo ước mơ từ những điều bình dị

Cũng từ đó, tại Trường Tiểu học Tô Hiệu nơi anh Ngô Minh Khôi công tác, hoạt động giảng dạy mỹ thuật không còn đơn thuần là nơi dạy vẽ mà là không gian khơi nguồn cảm hứng. Những buổi học do anh Khôi hướng dẫn, học sinh được tô màu lên chai cũ, biến viên sỏi thành con vật, ngôi nhà, bức tranh nhỏ... Từ những buổi học chân thực và sáng tạo đó, các em học được một điều quý giá: Cái đẹp có thể bắt đầu từ điều bình dị nhất. Và sáng tạo không nhất thiết phải bắt đầu bằng chất liệu đắt tiền mà chỉ cần một tâm hồn biết quan sát và trái tim muốn làm điều tốt. Bà Lê Thị Mai Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiệu, tự hào chia sẻ: "Mỗi tiết học của thầy Ngô Minh Khôi luôn ngập tràn năng lượng tích cực, tạo nên sức hút đặc biệt với học sinh và lan tỏa cảm hứng đến đồng nghiệp. Những giờ học mỹ thuật dưới sự hướng dẫn của thầy không chỉ đơn thuần là bài giảng, mà là những hành trình khám phá nghệ thuật đầy màu sắc và cảm xúc. Ở đó, mỗi học sinh được khơi dậy trí tưởng tượng, được học cách nhìn nhận thế giới bằng đôi mắt trong trẻo và đầy mơ ước".

Trong số những tác phẩm đầu tay thì chú tắc kè hoa là sản phẩm khiến anh Khôi tự hào nhất. Đó là tác phẩm tái chế đầu tiên mà anh tạo ra cùng học sinh của mình. Các em học sinh không chỉ giúp thầy giáo của mình thu thập giấy vụn, mà còn tham gia vào quá trình tạo hình, biến thứ tưởng chừng như bỏ đi thành một tác phẩm nghệ thuật đầy sức sống. Sản phẩm hoàn thành, thầy và trò cùng chung niềm vui, niềm tự hào về những gì mình tạo ra. “Trước đây, các em thường vứt bỏ giấy vụn. Nhưng từ khi có những bài học tái chế, nhiều em đã giữ lại giấy cũ, bìa cứng để tái sử dụng trong tiết học của tôi” - anh Khôi cười, kể lại những thay đổi nhỏ mà ý nghĩa trong cách các học sinh nhận thức về giá trị của việc tái chế.

Không khép kín trong góc nhỏ của riêng mình, anh Khôi còn tích cực tham gia các nhóm sáng tạo nghệ thuật với chất liệu thủy tinh và sỏi, cả trong nước lẫn quốc tế, để giao lưu, học hỏi, nâng cao tay nghề. Từ người quan sát, anh đã trở thành một thành viên tích cực, lan tỏa giá trị đến cộng đồng rộng lớn hơn.

phe-3.jpg

Bên cạnh việc miệt mài với những tác phẩm lung linh ánh sáng và đầy chất nghệ thuật, anh Ngô Minh Khôi còn âm thầm thắp lên những điều đẹp đẽ khác trong vai trò là Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Tô Hiệu. Ở vị trí ấy, anh không đơn thuần là một người đại diện quyền lợi cho giáo viên - mà hơn thế, là người truyền cảm hứng và lan tỏa niềm tin trong từng buổi họp, từng phong trào nhỏ nhất của nhà trường.

Trong mắt đồng nghiệp, anh Khôi là người biết lắng nghe và âm thầm truyền cảm hứng. Không ồn ào khẩu hiệu, không cần hô hào, anh lựa chọn cách khơi dậy sự chủ động và đam mê bằng sự chân thành. Trong thời đại công nghệ số, anh hiểu rằng người thầy không thể dừng lại ở những kiến thức cũ, nên công đoàn phải là nơi “tiếp sức” chứ không chỉ là nơi “thăm hỏi, động viên”. Cũng từ tinh thần ấy, dưới sự dẫn dắt của anh, Công đoàn Trường Tiểu học Tô Hiệu đã trở thành điểm sáng của huyện Thường Tín với hàng loạt phong trào ý nghĩa: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, hay các hoạt động gắn với môi trường như “Sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”. Mỗi khẩu hiệu không nằm trên giấy mà được biến thành hành động cụ thể, có hình dạng, có sức lan tỏa.

phe-2.jpg
Thầy giáo Ngô Minh Khôi đang hoàn thiện một tác phẩm của mình.

Với những đóng góp như vậy, anh Ngô Minh Khôi đã liên tục được ghi nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” trong hai năm liền 2019 - 2020, Giấy khen của Đảng ủy xã Tô Hiệu (2023), của Liên đoàn Lao động huyện Thường Tín (2022), được vinh danh là “Chủ tịch Công đoàn cơ sở tiêu biểu” năm 2024. Và mới đây nhất, anh nhận Bằng khen của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội - một dấu mốc đẹp cho chặng đường âm thầm nhưng đầy tâm huyết.

Trong tương lai, anh ấp ủ mở rộng việc tái chế trên nhiều chất liệu khác, để mỗi ngày, trong từng hơi thở cuộc sống, “cái cũ kỹ” sẽ được trao cho cơ hội sống mới - đẹp hơn, tử tế hơn. Anh bảo với tôi, anh đang ấp ủ những ý tưởng mới, đó là tổ chức các workshop tái chế trong trường và cả ngoài cộng đồng, nơi giáo viên và học sinh có thể cùng sáng tạo, lan tỏa những điều tích cực mà việc tái chế mang lại. Những buổi học không chỉ là những giờ vẽ, mà là những giờ trải nghiệm, khám phá sự sáng tạo từ những điều tưởng chừng đơn giản và gần gũi nhất.

Thanh Lam