Di sản

Chùa Vạn Ngọc

Bảo Khánh {Ngày xuất bản}

Chùa Vạn Ngọc (hay Vạn Bảo tự) nằm trên đường Âu Cơ (phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội).

Theo nhiều nguồn sử liệu, chùa được hình thành từ trước năm 1725 và từng được đổi tên nhiều lần như Linh Sơn tự, Linh Am tự, Vạn Bảo tự, Vạn Ngọc tự, Kim Quang tự...

Chùa nằm trên một địa thế đẹp ở ven đê sông Hồng. Các hạng mục công trình kiến trúc được xếp thành hình chữ “Đinh”, bao gồm: Tam quan, tiền đường, thượng điện, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu... Tam quan được xây kiểu mái chồng diêm lợp ngói giả ống. Trên bờ nóc mái trang trí hình rồng chầu mặt trời, chính giữa đắp nổi ba chữ Hán: “Vạn Ngọc tự”. Hai bên là hai cổng nhỏ được thiết kế theo kiểu vòm cuốn, mái lợp ngói giả ống. Tòa tiền đường xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Hai đầu hồi là hai trụ biểu kiểu trụ lồng đèn. Nối tiền đường với thượng điện là một tòa nhà dọc rộng ba gian. Mặt bằng nội thất gồm các cột cái bằng gỗ tròn kiểu “thượng thu hạ thách”. Bộ khung đỡ mái là bốn bộ vì kèo tạo kiểu “chồng rường giá chiêng”.

chua-van.jpg

Trong chùa Vạn Ngọc hiện còn lưu giữ bộ tượng A Di Đà có giá trị nghệ thuật cao, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII. Đó là pho tượng A Di Đà cao 1,35m ngồi trong tư thế thiền định trên tòa sen ba lớp cánh, mặc áo cà sa hai lớp, giữa ngực tượng khắc chữ Vạn.

Ngoài pho tượng A Di Đà còn có tượng Quan Âm và Thế Chí là những pho tượng cổ nhất, đẹp nhất trong chùa. Nằm ở phía sau, bên trái thượng điện là nhà thờ Tổ và nhà Mẫu, gồm năm gian. Bộ khung đỡ mái có sáu bộ vì kèo làm kiểu “quá giang - kèo cầu”. Bên cạnh đó còn có tháp mộ hình vuông, cao ba tầng. Mỗi mặt có các ô trang trí. Trên nóc đắp hình búp sen.

Trải qua nhiều biến động lịch sử, chùa Vạn Ngọc hiện còn gìn giữ được bộ sưu tập di vật có giá trị nghệ thuật cao từ thế kỷ XVII - XIX như 20 pho tượng tròn sơn son thếp vàng lộng lẫy, 1 quả chuông “Vạn Bảo tự chung” đúc năm Gia Long thứ 13 (1814), 1 cây hương Kính Thiên dựng năm Vĩnh Khánh thứ 3 (1731), 1 bát hương đá, 5 tấm bia đá trong đó có 1 tấm bia khắc năm Bảo Thái thứ 6 đời Lê Trung hưng (1725), 1 tấm bia dựng năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755), 3 tấm bia còn lại có niên đại triều Nguyễn.

Ngoài ra, hệ thống di vật bằng gỗ của chùa Vạn Ngọc cũng khá phong phú, bao gồm: 1 bức cửa võng sơn son thếp vàng, 4 bức đại tự, 2 đôi câu đối, 2 hương án thờ sơn son và hệ thống đồ thờ tự như bộ tam sự, cây đèn...

Với những giá trị trên, chùa Vạn Ngọc đã được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1990.

Bảo Khánh