Di sản

Đình Canh Hoạch

Bảo Khánh {Ngày xuất bản}

Đình Canh Hoạch (hay đình Vác, đình Trung) nằm trên địa bàn xã Dân Hòa (huyện Thanh Oai, Hà Nội).

Đây là một trong 3 ngôi đình cổ còn lại của làng Canh Hoạch, còn đình Cả và đình Diệc đã bị phá hủy từ lâu. Dân làng đã đưa toàn bộ đồ thờ tự, sắc phong và thần phả của hai ngôi đình trên về đình Canh Hoạch để phối thờ. Theo thần phả, đình là nơi thờ ba vị Thành hoàng có công lao to lớn trong lịch sử dân tộc là Hùng Lý đại vương, Cao Hàn đại vương và Trần Quốc Uy.

canh-hoach.jpg

Tương truyền, đình Canh Hoạch được khởi dựng vào năm 1812. Đình tọa lạc trên một khu đất cao rộng ở giữa làng và quay theo hướng tây. Đình có nhiều hạng mục kiến trúc được bố trí theo trục dọc - kiểu cấu trúc tiêu biểu của đình làng Bắc Bộ xưa, bao gồm: Tam quan, sân, nhà tả - hữu mạc, đại bái, trung cung, hậu cung. Tam quan đình được xây dựng theo kiểu “bốn trụ biểu hoa dành”, bao gồm bốn cột trụ được xây bằng gạch, tạo thành khối hình vuông, chia làm ba phần: Đế, thân và đỉnh. Phần đế có hình dạng kiểu thắt cổ bồng, tạo thế vững chắc cho thân và đỉnh trụ. Phần thân xây kiểu khối hộp hình chữ nhật, bên ngoài trang trí gờ chỉ, bên trong khắc các câu đối ca ngợi quê hương và công đức của các vị thành hoàng. Đỉnh trụ xây kiểu hộp đèn lồng trang trí hoa văn cách điệu bốn mùa, thể hiện niềm ước vọng về mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Qua tam quan là sân đình lát gạch đỏ, hai bên là dãy nhà tả - hữu mạc rộng ba gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, các bộ vì được làm theo kiểu “kèo cầu quá giang”. Các hạng mục kiến trúc chính được xếp thành hình chữ “Công”, gồm đại bái, trung cung và hậu cung. Nhà đại bái có mặt bằng hình chữ “Nhất”, rộng năm gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài. Bộ khung gỗ dựng trên ba hàng chân cột tròn. Bộ vì làm theo kiểu “chồng rường giá chiêng, bẩy hiên”. Trung cung là nhà cầu (nhà dọc) ba gian hẹp nối đại bái với hậu cung. Nằm ở phía trong cùng là hậu cung, cũng rộng ba gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, kìm đấu vuông khóa bờ nóc. Các cấu kiện gỗ của cả ba tòa nhà trên đều được chạm khắc các họa tiết hoa lá cách điệu, lá hóa rồng..., mang phong cách nghệ thuật đặc trưng của thời Nguyễn.

Đình Canh Hoạch hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm như 1 cuốn thần phả ghi sự tích ba vị Thành hoàng; 9 đạo sắc phong thần; 2 hương án thời Nguyễn; 1 cuốn thư, bên trong là bài thơ ngũ ngôn bát cú ca ngợi công đức các vị Thành hoàng...

Đình Canh Hoạch được công nhận Di tích cấp quốc gia năm 1991.

Bảo Khánh