Bên hồ Tương Tư
Một đứa trẻ áo xanh chẳng biết từ đâu vọt ra đường, Minh vội đánh tay lái sang trái, đúng lúc chiếc xe container từ phía sau lao lên...

- Anh ơi!
Thanh thét lên rồi choàng tỉnh, tim đập như vỡ tung lồng ngực. Cô chống tay nhỏm dậy, mắt cay xè, lòng nhói buốt. Ác mộng lại tới khi cô vừa chợp mắt trên ghế xích đu.
Minh qua đời trong vụ tai nạn chỉ vài tuần sau sinh nhật 5 tuổi của con trai đầu lòng. Cú sốc khiến Thanh như mất hồn. Cô không thể khóc, cũng không thể ngủ yên và không thể chấp nhận. Mỗi khi nhắm mắt, hình ảnh chiếc xe máy bẹp dí dưới bánh xe tải, tiếng phanh rít vang lên như xé tim óc lại ám ảnh. Ngày nào cô cũng tỉnh giấc giữa cơn mơ thảm khốc, đầm đìa mồ hôi, cổ họng nghẹn cứng. Cô muốn ngủ tiếp nhưng lại sợ tai nạn của chồng cứ trở lại khi cô vừa chợp mắt.
Sau tai nạn của chồng ba tháng, Thanh sụt chục ký, mắt hõm sâu. Cô tìm đến vài bác sĩ, uống cả chục loại thuốc ngủ, thuốc an thần khác nhau, loại này không được thì thay loại khác, nhưng ác mộng vẫn đeo bám. Cô thậm chí sợ cả cái giường. Có đêm Thanh không ngủ nổi bèn đi lại trong phòng nhưng vẫn bồi hồi không yên. Mở điện thoại lướt mạng nhưng không đọc nổi một dòng chữ. Cô mệt quá muốn ngồi, nào ngờ mông vừa dính ghế thì như có gì thôi thúc khiến cô bật dậy. Thanh không thể kiểm soát nổi chính mình. Cô muốn lao đầu qua cửa sổ, đi theo chồng cho xong. Nhưng đúng lúc ấy, bé Bin tỉnh giấc gọi mẹ...
Cho đến một ngày, Thanh gần như ngã quỵ giữa chợ khi thấy một bóng người giống Minh lướt qua. Người ta tưởng cô bị động kinh, đưa vào ghé tạm vỉa hè. Cô ngồi thu lu như kẻ vô gia cư, bần thần tự hỏi không biết đó là Minh hay ảo giác. Đúng lúc ấy một cuộc điện thoại gọi tới. Thanh luống cuống mãi mới mở được máy để nghe. Thấy tiếng Cẩm, cô bạn người Trung Quốc từ thời sinh viên, Thanh khóc ròng, lắp bắp kể về tình trạng của mình.
- Thanh à, cậu sang đây đi. Bên này có một trung tâm bấm huyệt rất giỏi. Cậu đến đó vừa học nghề, vừa chữa cho chính mình. Đảm bảo chỉ cần một tuần là cậu ngủ như em bé, chẳng mơ mộng trời đất gì nữa đâu.
***
Cẩm là người bạn đặc biệt của Thanh ở trường đại học sư phạm. Cô gái người dân tộc Choang đến từ Quảng Tây học trao đổi một năm. Cả hai ở chung phòng ký túc xá, cùng ăn mì gói, cùng ngồi ôn thi dưới ánh đèn vàng. Cẩm giỏi tiếng Việt, kín đáo mà sâu sắc. Những đêm đông lạnh cắt da, Cẩm nấu nước gừng cho cả phòng uống với mật ong, rồi phủ chăn lên chân Thanh, bảo: “Chân lạnh như ma. Cậu quấn chăn cho ấm. Chân ấm là cả thế giới bình an”.
Lúc Thanh bị người yêu đầu phản bội, ngồi thẫn thờ cả đêm ở ghế đá dưới sân ký túc xá, Cẩm lặng lẽ đến bên, không dỗ dành, chỉ để tay chạm tay. Đến lúc Thanh chịu đứng lên thì Cẩm mới nói: “Cậu cần cảm ơn hắn đã cho cậu tự do! Đời còn dài, giai còn nhiều. Cho mình cơ hội mới đi mà!”.
Sau khi tốt nghiệp, Cẩm về nước theo học Đông y rồi trở thành giáo viên dạy bấm huyệt. Liên lạc giữa hai người thưa dần, chủ yếu vào dịp Tết và ngày sinh nhật. Lúc chồng Thanh qua đời, Cẩm không sang đưa tang nhưng hầu như ngày nào cũng gọi điện. Nhiều lần Cẩm nói:
- Tớ có một căn phòng trống trong nhà. Cậu và Bin cứ đến Nam Ninh một thời gian, coi như đi chữa lành vậy. Còn nhớ câu tớ nói hồi trước không? Hãy tự cho mình cơ hội mới đi mà!
***
Mẹ con Thanh đặt chân đến Nam Ninh vào một chiều cuối xuân. Trong lúc chờ Cẩm tới đón ở bến xe, Thanh mệt mỏi nhìn cơn mưa phủ mờ những tòa nhà chọc trời, những vũng nước loang loáng dưới chân. Hoa hồng đậu trắng run rẩy trong không gian ẩm lạnh. Dưới tán liễu nghiêng, hoa tường vi đỏ cháy lên rực rỡ, như cố thắp lửa sưởi ấm những đớn đau lạnh lẽo.
Nhà Cẩm ở khu phố Tây Hồ yên tĩnh, gần “Thủ Ấn Đường”. Trung tâm bấm huyệt nổi tiếng nằm trên phố Thanh Long là nơi Cẩm đã làm việc gần chục năm qua. Theo lời khuyên của Cẩm, Thanh theo học khóa liệu pháp bấm huyệt dưỡng sinh, trị mất ngủ, lo âu, rối loạn thần kinh thực vật. Khóa học kéo dài sáu tháng. Thày Lưu - lão sư râu bạc trắng trực tiếp dạy cho Thanh, nói chậm rãi như muốn ghim vào não cô học trò Việt Nam ít nói nhưng không giấu nổi vẻ thất thần sau một biến cố trong đời:
- Ngón tay là cây kim sống. Tâm không tĩnh, ấn huyệt cũng vô nghĩa.
- Thưa thầy, nhưng làm sao để vượt qua nỗi đau này...
Thanh buột miệng nói.
- Con không cần vượt qua nó, cứ để nó đến, chấp nhận nó, cho nó ngự trị trong con một cách tự nhiên, biết ơn nó và thiền với nó, rồi nó sẽ tự đi, cũng đột ngột như khi nó đến vậy. Mọi cái xảy ra đều có nguồn gốc, và để chuẩn bị cho cái mới sắp tới. Con cứ việc bình tĩnh quan sát và học hỏi, chuyển hóa dần...
Thanh ngạc nhiên lắng nghe. Dường như có một dòng trắng mờ vừa thấm vào cô từ đỉnh đầu. Ban ngày cô đến lớp, tối về tự bấm huyệt cho mình. Cô không mong cầu giấc ngủ nữa, chỉ tập trung quan sát chính mình. Thật kỳ diệu khi đêm đầu tiên sau nhiều tháng ròng cô đã ngủ được, tuy chập chờn từng lúc nhưng không gặp ác mộng. Cô bật khóc.
Từ đó Thanh kiên trì luyện. Những cơn rối loạn thần kinh giao cảm giảm dần. Nhưng lại xuất hiện một giấc mơ lặp đi lặp lại. Cô thấy chồng mình đi phía trước, cô đuổi theo nhưng chỉ thấy bóng lưng anh, đến khi anh khuất sau một hồ nước lớn viền quanh bởi những bụi hoa hồng đậu trắng. Một tấm biển đá hiện ra: “Tương Tư”... Hôm sau Thanh hỏi Cẩm thì Cẩm cho biết, thành phố này có một hồ nước rất đẹp tên là hồ Tương Tư (Xiangsi Hu).
***
Một sáng chủ nhật, Thanh gửi bé Bin cho Cẩm rồi bắt xe buýt đi về hướng tây nam thành phố. Cô quyết định cứ đi dựa vào linh cảm từ giấc mơ xem sao. Và rồi cô đã đến hồ Tương Tư.
Hồ rất rộng, không gian tĩnh lặng, liễu rủ xuống nước, lối đi lát đá cũ kỹ. Ven hồ có những bụi hồng đậu hoa trắng, loài hoa tượng trưng cho phúc lạc, mảnh mai như cánh lan. Thanh ngồi xuống ghế đá, nhắm mắt thiền định. Một luồng hơi mát như từ lòng đất tràn lên. Rồi cô thiếp đi. Trong giấc mơ, có làn mây tím trôi ngang bầu trời, tan thành cơn mưa tím rơi lặng lẽ xuống mặt hồ. Không còn máu, không còn tai nạn. Chỉ có ánh tím và mùi hoa ngọt mát. Giấc mơ đẹp quá khiến cô cứ muốn ở mãi trong đó.
Khi tỉnh dậy, Thanh thấy bên cạnh có một chàng trai trẻ mặc áo khoác xanh đang khoanh tay ngồi an nhiên, đôi mắt một mí nhìn cô dịu dàng xen chút lo âu.
- Tôi thấy cô ngủ quên một mình, sợ cô bị kẻ gian lấy mất túi nên ngồi canh.
Thanh đỏ mặt, lý nhí xin lỗi. Rồi họ bắt chuyện. Anh tên Lý Cường, dạy sinh học ở trường trung học gần đó, hay ra hồ đọc sách mỗi cuối tuần. Lúc đầu Thanh còn ngại ngần trước người lạ, nhưng chợt nhớ lời Cẩm: “Cho mình cơ hội mới đi mà!”, cô bèn thoải mái hơn, không cố giấu mình nữa.
Sau khi nghe Thanh kể hoàn cảnh của mình, Lý Cường im lặng một lúc rồi trầm giọng:
- Tôi cũng mất bố khi mới 5 tuổi. Ông làm mỏ than ở Quế Lâm, bị tai nạn lao động. Mẹ tôi một mình gánh cả nhà. Tôi lớn lên bằng nước cháo và ánh mắt kiên cường của mẹ. Tôi hiểu cảm giác của bé Bin, thiếu vắng bàn tay ấm của cha, chỉ biết dựa vào mẹ. Nhưng một đứa trẻ như thế, nếu có thêm một người bạn lớn, sẽ khác rất nhiều.
Thanh lặng người. Giọng Cường đều đều, nhưng như đang khẽ gõ vào huyệt mềm nhất nơi lòng cô. Trước khi Thanh ra về, Cường xin số điện thoại của cô và hẹn có dịp gặp lại.
Sau lần ấy, Lý Cường đến làm tình nguyện viên trong các buổi thực hành. Anh học cách bấm huyệt An miên, Thái khê, Tam âm giao... rồi trêu Thanh:
- Nếu em mà mở phòng trị liệu, tôi sẽ xin được điều trị riêng.
Thanh mỉm cười:
- Tôi mà bấm nhầm huyệt, anh mơ thấy tôi suốt đấy.
- Nếu mơ như thế, tôi chẳng muốn tỉnh nữa.
Cẩm nghe Thanh kể về Lý Cường, cười khúc khích:
- Người Quảng Tây có câu “Lệ chi mật ngữ”, lời ngọt như vải thiều đầu mùa. Cậu nên cẩn thận. À mà thôi, sai lầm có khi là cơ hội, chỉ cần cậu không bỏ qua!
Thanh nguýt Cẩm nhưng tim chợt đập nhẹ hơn mọi ngày.
***
Lý Cường thường đến chơi với mẹ con Thanh. Bin ban đầu còn e ngại, nhưng sau vài trò "bấm huyệt siêu nhân" đã ôm chặt "chú Cường" không rời.
Một lần, họ dắt Bin đi hội chợ Trung thu. Một cụ già bán vòng tay gỗ nhìn họ trìu mến, rồi nói: “Châu liên bích hợp” (ngọc trai đôi, sinh ra để sát bên nhau). Mặt Thanh ửng đỏ. Cường không nói gì, chỉ nhẹ nhàng nắm tay cô.
Một năm sau, Thanh tốt nghiệp và mở phòng bấm huyệt An Tâm Đường trên phố Thanh Long. Trên biển hiệu gỗ, cô viết tay bằng sơn trắng: “Chạm một huyệt - An một lòng”.
Lý Cường ở bên, không danh phận ràng buộc. Mỗi sáng, anh chở Bin đi học. Mỗi tối, họ đọc sách cùng nhau. Họ để mặc cho tâm tưởng bay nhảy trong ảo mộng, không cần quá vội vã.
Một đêm, Thanh mơ thấy Minh. Lần đầu tiên anh quay lại nhìn cô, không trách móc, không buồn bã, chỉ mỉm cười rồi tan vào mây tím.
Cô tỉnh dậy, nhẹ lòng. Kể từ đó, cô ngủ được tròn giấc.
Mùa hè năm ấy họ cùng ra hồ Tương Tư. Bin chạy nhảy hái hoa hồng đậu tung lên trời. Thanh tựa vào vai Cường, nhìn ánh tím lấp lánh phản chiếu dưới hồ.
- Cảm ơn anh, vì đã đến đúng lúc!
- Vì em, giấc mơ của tôi cũng chịu cập bến rồi!
Lý Cường thì thầm, bàn tay anh bất chợt ôm siết lấy bờ vai cô gái Việt Nam mảnh mai thanh tú.