Đời sống

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật “lột xác” thành “thủy cung trên cạn”

Bài, ảnh: Nguyễn Hòa 26/04/2024 - 05:45

Với vẻ đẹp lung linh và sự sắp đặt ánh sáng độc đáo, công trình nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật (Hoàn Kiếm, Hà Nội) gần đây đã trở thành điểm check-in và tham quan mới của giới trẻ.

548-202404251315291.jpg
Dự án mang đến vẻ đẹp mới cho cây cầu đi bộ.

Tiếp nối thành công của những dự án nghệ thuật công cộng trước đó như công trình công cộng Phúc Tân, dự án nghệ thuật Phùng Hưng, nhóm họa sĩ Vũ Xuân Đông, Lê Đăng Ninh, Cấn Văn Ân và giám tuyển Nguyễn Thế Sơn đã tiếp tục thực hiện dự án tô điểm cầu dành cho người đi bộ bắc qua phố Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Công trình nghệ thuật này đã được nhóm họa sĩ ấp ủ trong hơn 4 tháng và mới được ra mắt nhằm chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 1-5.

548-202404251315292.jpg
Cây cầu đi bộ bắc qua phố Trần Nhật Duật được xây dựng và đi vào sử dụng từ năm 2014 cho tới nay.

Từ không gian sinh hoạt thành không gian nghệ thuật

Cầu vượt cho người đi bộ qua đê hữu Hồng - đường Trần Nhật Duật là điểm kết nối giao thông giữa khu phố cổ, trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm và khu vực Phúc Tân, nằm tại cửa khẩu Thanh Yên, thuộc quận Hoàn Kiếm. Cầu được thiết kế bằng thép và bê tông cốt thép với chiều dài 44,6m, chiều rộng 3m, gồm 4 mố trụ chính và 1 trụ cầu thang.

Suốt 10 năm qua, cầu vượt qua đường Trần Nhật Duật đã trở thành một lối đi bộ quen thuộc của nhiều người dân, nhất là người cao tuổi, người bán hàng rong và học sinh, tạo điều kiện đi lại thuận lợi, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông quanh khu vực. Tuy nhiên, với thời gian dài sử dụng, cây cầu có dấu hiệu xuống cấp, đặc biệt là thiếu ánh sáng vào buổi tối.

548-202404251315293.jpg
Cầu đi bộ Trần Nhật Duật vào buổi tối.

Trước hiện trạng trên, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với nhóm họa sĩ đã nảy ra ý tưởng biến cầu đi bộ này trở thành một không gian nghệ thuật công cộng từ những vật liệu tái chế với mục đích vừa để thắp sáng cầu vào buổi tối, vừa tạo ra một không gian sáng tạo, sinh động hơn cho những người đi qua cầu.

Anh Lê Đăng Ninh - một trong những tác giả của công trình nghệ thuật chia sẻ: “Khi khảo sát thực tế, chúng tôi đã lên ý tưởng biến cây cầu đi bộ trở thành một “thủy cung trên cạn” với hình tượng chủ đạo là nước và sóng. Sóng được lấy cảm hứng từ những lớp sóng của sông Hồng. Và màu đỏ ở đây là những hạt phù sa đã đắp bồi lên những nét văn hóa xuyên suốt dòng chảy lịch sử dân tộc...".

548-202404251315294.jpg
548-202404251315295.jpg
Họa sĩ Lê Đăng Ninh với tác phẩm “Sóng” được sắp đặt dọc hai bên cầu.

Điểm nhấn trong công trình nghệ thuật là những biểu tượng của các loài động vật dưới nước đầy màu sắc của tác giả Vũ Xuân Đông. Anh đã dùng chính những chai nhựa, vỏ nhựa, nilon... được thu gom khắp thành phố để tái chế thành một “thủy cung” trên vòm cầu.

548-202404251315296.jpg
548-202404251315297.jpg
Hình ảnh những loài động vật như cá kiếm, cá voi, cá ngựa, sứa biển được treo trên trần cầu đi bộ.
548-202404251315298.jpg
Các bậc cầu thang lên cầu cũng có diện mạo mới.

Không chỉ phía trên cầu, khu vực bậc thang cũng được họa sĩ Cấn Văn Ân “khoác” lên một diện mạo mới.

Mỗi một tác phẩm trong công trình nghệ thuật cầu đi bộ Trần Nhật Duật đều chứa đựng những câu chuyện và được thể hiện theo cách riêng của từng tác giả, nhưng vẫn ăn nhập và hài hòa với chủ đề chung của dự án.

Lan tỏa giá trị nghệ thuật tới cộng đồng

Với địa điểm thuận lợi, cây cầu trở thành một không gian nghệ thuật công cộng nối dài khiến nhiều người dân và du khách không khỏi ngỡ ngàng.

Bà Lê Thị An (52 tuổi), người dân sinh sống tại khu vực phố Hồng Hà, thường xuyên qua lại bằng cầu đi bộ Trần Nhật Duật bày tỏ: “Tôi cảm thấy khá bất ngờ và vui mừng khi cây cầu mà hằng ngày vẫn đưa con tới trường lại có một diện mạo mới sinh động và đẹp như vậy. Cây cầu được thắp sáng giúp chúng tôi an tâm hơn khi để các con đi qua đây. Tôi mong muốn, trong tương lai Hà Nội sẽ có nhiều hơn không gian nghệ thuật như thế này".

548-202404251315309.jpg
Bà Lê Thị An cùng các con tìm hiểu về tác phẩm “Sóng” trên cầu.
548-2024042513153010.jpg
Một bạn trẻ hào hứng check-in với công trình nghệ thuật.

Chia sẻ về dự án, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn mong muốn công trình nghệ thuật công cộng cầu đi bộ Trần Nhật Duật sẽ giúp quận Hoàn Kiếm có thêm một địa điểm thu hút khách du lịch, để từ đó kích thích phát triển kinh tế, văn hóa và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân địa phương. Đồng thời góp phần hình thành thói quen đi bộ khám phá các di sản văn hóa nghệ thuật trong đô thị của người dân Thủ đô.

Tuy nhiên, cũng theo anh Sơn, một trong những khó khăn mà những dự án công cộng gặp phải đó là chưa có cơ chế vận hành và quản lý.

Hiện tại, công trình nghệ thuật sẽ sử dụng nguồn điện từ Trường Tiểu học Trần Nhật Duật và chỉ mở từ 17h30-20h hằng ngày. Sau khi công trình được hoàn thành, nhóm tác giả không còn quản lý tác phẩm này. Vì thế, sắp tới UBND quận Hoàn Kiếm dự kiến sẽ bàn giao cho phường sở tại hoặc trung tâm quản lý nghệ thuật vận hành, duy trì dự án.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cầu đi bộ Trần Nhật Duật “lột xác” thành “thủy cung trên cạn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.