Công nghiệp văn hóa

“Re:born Creative”: Điểm hẹn văn hóa mới của giới trẻ

Bài và ảnh: Thuận An 22/07/2023 10:16

Những triển lãm, hội chợ, workshop, talkshow, biểu diễn âm nhạc, chiếu phim... liên tục được tổ chức với mật độ dày đặc khiến ít người nghĩ rằng Re:born Creative (ngõ 189, phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội) được tạo ra và vận hành bởi một nhóm bạn trẻ.

Sau hơn nửa năm, địa chỉ này đã trở thành nơi trao cơ hội cho nhiều nghệ sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo thể hiện, tiếp cận với công chúng, tạo cơ hội cho giới trẻ tiếp cận văn hóa.

dia-chi-1.jpg
Không gian Re:born Creative.

Nằm trong ngõ 189 phố Hoàng Hoa Thám, quán Bấc Cafe & Chill có cả không gian trong nhà lẫn sân vườn khiến khách hàng tìm được một “khoảng lặng phố phường”. Nhưng Bấc Cafe & Chill không chỉ có cà phê. Kể từ khi ra mắt vào tháng 12-2022 đến nay, hầu như các sự kiện triển lãm, hội chợ, workshop, talkshow, biểu diễn âm nhạc, chiếu phim... luôn “lấp kín” các khung thời gian hoạt động của quán. Bởi Bấc Cafe & Chill là một mô hình “hai trong một”, đây cũng chính là không gian sáng tạo mang tên Re:born Creative. Sau giai đoạn xuất hiện dịch Covid-19, nhiều hoạt động dịch vụ vẫn gặp khó khăn do nền kinh tế chưa hồi phục hoàn toàn. Nhiều người nghĩ mở quán cà phê vào thời điểm này là “chết”. Nhưng những chủ nhân trẻ tuổi của không gian “hai trong một” này lại nghĩ khác.

Hoàng Linh Sa, một trong những người sáng lập chia sẻ: “Dịch Covid-19 gây khó khăn trong cả cộng đồng và dịch bệnh cũng để lại một “khoảng lặng” trong đời sống nói chung, đời sống văn hóa nói riêng. Nhìn từ khía cạnh này, chúng tôi muốn đem một không gian mới, muốn đem đến sự “tái sinh” cho đời sống văn hóa, giúp mọi người có thể tham gia, chia sẻ, trải nghiệm. Và Re:born Creative đã ra đời. “Reborn” được hiểu là sự tái sinh”.

Ngay ở sự kiện “chào sân”, Re:born Creative đã đem đến một cách tiếp cận khác lạ bằng workshop “Cà phê Bít - tất”. Chỉ riêng cái tên đã gây ra sự tò mò. Hiện giờ, có nhiều cách pha cà phê, phổ biến nhất là bằng máy và phin. Nhưng vài chục năm về trước, khi cà phê còn là “của hiếm”, khi cuộc sống còn khó khăn, người ta thường cho cà phê vào một chiếc túi vải rồi đun lên. Chiếc túi vải phồng lên trông như một chiếc... bít tất.

Đến đây, khách hàng được trải nghiệm hương vị cà phê và tương tác với chuyên gia về loại đồ uống này. Khách hàng sẽ hiểu thêm về cà phê “kiểu cũ” thông qua một triển lãm nho nhỏ về “cà phê vợt” với những dụng cụ pha cà phê vợt được treo lửng lơ giữa không trung. Đúng theo nghĩa đen của nó, cà phê vợt được pha trong những chiếc vợt bằng vải, được đun lên thay vì pha chế như hiện nay.

dia-chi-2.jpg
Biểu diễn âm nhạc tại Bấc Cafe & Chill.

Những hoạt động của Re:born Creative diễn ra nối tiếp nhau, thuộc nhiều chủ đề khác nhau, nhưng đều xoay quanh những chủ đề về môi trường, xã hội, cộng đồng. Tại đây có những workshop về tranh lụa, về nghệ thuật dùng dao khắc trên giấy, xà phòng... nghệ thuật. Người yêu nghệ thuật thị giác có thể tìm đến để thưởng thức những buổi triển lãm tranh; bạn trẻ yêu âm nhạc coi đây là “điểm hẹn” với những đêm nhạc theo từng chủ đề khác nhau...

Re:born Creative cũng tổ chức những buổi chiếu phim, nói chuyện về việc bảo tồn loài gấu và vấn đề liên quan tới lĩnh vực môi trường. Các hoạt động này góp phần giới thiệu nhiều mô hình, tác phẩm và thông tin đến với cộng đồng một cách sinh động thông qua các hình thức tương tác và trải nghiệm thực tế. Điểm nhấn xuyên suốt dễ nhận ra ở các hoạt động này là cách tiếp cận mới mẻ, trẻ trung, khiến những chủ đề tưởng như “khó nhằn” có thể tiếp cận và thu hút thế hệ “gen Z”.

dia-chi-3.jpg
Các bạn trẻ tham quan triển lãm “Đỏ Space”.

Một trong những ví dụ mang tính điển hình cho xu hướng nói trên là triển lãm “Quy Sắc Quý” - một triển lãm tái hiện giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc dựa trên ứng dụng công nghệ hiện đại.

Triển lãm giới thiệu 10 tác phẩm xuất sắc nhất của cuộc thi Creative Hunter mùa giải 2022 với chủ đề “Thăng Long văn hiến”. Đây là cuộc thi thiết kế ấn phẩm truyền thông quy mô toàn miền Bắc, được tổ chức bởi Câu lạc bộ Kỹ năng truyền thông C.S.C (trực thuộc khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền).

Tại triển lãm này, các tác phẩm được dựng theo mô hình sách giáo khoa lịch sử giả định dành cho ngôi trường Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở thời hiện đại. Mô hình được cố định song song với mặt tường, bao gồm: Bìa trước, bìa sau, gáy sách và bookmark. Các tác phẩm được trưng bày dưới dạng 2D, có hiệu ứng in nổi các phần thiết kế. Đặc biệt, thiết kế của ba thí sinh đoạt giải cao nhất của cuộc thi được trình chiếu dưới hình thức ứng dụng công nghệ thực tế ảo. Người tham gia quét mã QR được dán bên cạnh tác phẩm bằng điện thoại của mình. Từ đây, trên màn hình sẽ xuất hiện tác phẩm được hiển thị dưới dạng màn ảo phủ trên nội dung in vật lý, có thể xoay đa hướng dọc, ngang, trên, dưới. Các chi tiết và hoa văn trên sách có sự chuyển động qua lại nhẹ nhàng, đem lại trải nghiệm thú vị cho người xem.

Việc được khám phá bằng công nghệ khiến những chủ đề về văn hóa truyền thống được thế hệ “gen Z” dễ dàng tiếp nhận. Từ đó, tình yêu với văn hóa truyền thống, văn hóa Thăng Long - Hà Nội được lan tỏa. Một chủ đề khác là về nền Báo chí Cách mạng Việt Nam cũng được các bạn trẻ thể hiện một cách sáng tạo, hấp dẫn thông qua triển lãm “Đỏ Space”.

Trong bối cảnh không ít không gian sáng tạo ở Hà Nội, vì nhiều lý do mà “rơi rụng” hoặc phải chuyển hoạt động từ không gian thực sang không gian “ảo” để tiết kiệm chi phí, thì sự ra đời và hoạt động liên tục của Re:born Creative đã cho thấy sự nỗ lực và khả năng sáng tạo rất đáng ghi nhận của những chủ nhân trẻ tuổi của không gian này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Re:born Creative”: Điểm hẹn văn hóa mới của giới trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.