Chính trị

Vùng quê cách mạng Đông Mỹ - ngày ấy, bây giờ

Ngọc Quỳnh 07/05/2024 - 14:01

Xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì) - vùng quê truyền thống cách mạng, là nơi có Chi bộ Cộng sản đầu tiên vùng ngoại thành Hà Nội năm xưa - nay đang "thay da đổi thịt" từng ngày. Nhiều mô hình kinh tế trang trại nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây ăn quả trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách...

Từ mảnh đất giàu truyền thống cách mạng...

Trò chuyện với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Đông Mỹ Trần Quốc Oai tự hào cho biết, theo cuốn lịch sử Đảng bộ xã, Đông Mỹ là "cái nôi" của phong trào cách mạng, rất nhiều thanh niên sớm giác ngộ cách mạng, đứng lên tham gia chiến đấu giải phóng quê hương, đất nước. Đỉnh cao là tháng 5-1930, Chi bộ Đông Phù được thành lập, đây là chi bộ Đảng đầu tiên của khu vực ngoại thành Hà Nội, gồm 6 đảng viên: Phạm Gia, Phạm Chất, Phạm Thượng Trí, Nguyễn Duy Tứ, Nguyễn Hữu Bằng và Lê Ngọc Lượng do đồng chí Phạm Gia làm Bí thư; đi vào lịch sử với tên gọi Chi bộ Đông Phù - nơi kết nạp đồng chí Đỗ Mười (Cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam).

dong-my-1.jpg
Một góc quê hương Đông Mỹ. (Ảnh: Thanh Hồng).

Bên cạnh đó, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, hàng nghìn thanh niên Đông Mỹ đã lên đường bảo vệ Tổ quốc, nhiều người đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần xương máu tại chiến trường vì độc lập dân tộc. Xã có 83 liệt sĩ, 34 thương, bệnh binh và 5 bà mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Từ chi bộ đầu tiên được thành lập, đến nay, Đảng bộ xã Đông Mỹ có 536 đảng viên sinh hoạt tại 13 chi bộ. Xã gồm 5 thôn: Thôn 1, thôn 2, thôn 3, thôn 4, thôn 5. Đây là làng quê được hình thành cùng quá trình dựng nước thuở vua Hùng. Qua thăng trầm của lịch sử, các thế hệ cư dân nơi đây luôn chung lưng đấu cật, vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt, khai phá, cải tạo một trong những vùng trũng nhất của châu thổ sông Hồng để tạo lập những làng xóm mang truyền thống Kinh thành Thăng Long - Hà Nội, hiếu học, cách mạng...

diem-di-tich-tai-dong-my.jpg
Các điểm di tích tại Đông Mỹ. (Ảnh: Thanh Hồng)

Với những chiến công, thành tích đạt được qua các giai đoạn hào hùng, năm 2000, cán bộ và nhân dân xã Đông Mỹ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp”. Xã cũng được Chủ tịch nước phong tặng “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới” năm 2008.

... đến điểm du lịch hấp dẫn

Phát huy truyền thống lịch sử, cách mạng, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, từ vùng chiêm trũng, với sự hỗ trợ của Nhà nước, các hộ dân trên địa bàn tích cực đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây ăn quả, phát triển du lịch sinh thái...

Ông Nguyễn Văn Ngâm (một trong những hộ dân thành công với mô hình phát triển kinh tế trang trại gắn với du lịch) phấn khởi cho biết, với gần 3ha ao, hồ nuôi thủy sản kết hợp trồng cây ăn quả, nhiều năm nay, gia đình mở thêm dịch vụ du lịch sinh thái (người dân tới tham quan, câu cá) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

dong-my-du-lich.jpg
Đông Mỹ trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. (Ảnh: Thanh Hồng)

Là một trong những du khách trải nghiệm dịch vụ du lịch sinh thái trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, chị Lê Thị Thúy Hoài ở phường Văn Quán (quận Hà Đông) vui vẻ chia sẻ: "Tôi cùng gia đình chỉ mất khoảng 45 phút chạy xe từ Hà Đông xuống xã Đông Mỹ thăm các điểm du lịch đình, chùa, sau đó trải nghiệm không gian thanh bình tại khu sinh thái ở Đông Mỹ. Các con tôi được thưởng thức không khí trong lành của vùng quê nông thôn giữa Thủ đô, mọi người rất vui thích khi câu được những con cá to...".

Ngoài các điểm vui chơi, trải nghiệm, Đông Mỹ có 6 di tích (2 đình, 2 chùa, 1 đền, 1 nhà thờ dòng họ Nguyễn Duy), trong đó có 2 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia, 3 di tích xếp hạng cấp thành phố và 1 di tích chưa xếp hạng. Hiện, các sở, ngành thành phố, huyện hỗ trợ xã xây dựng hồ sơ “Lễ hội truyền thống Tổng Nam Phù” để đề nghị các cấp công nhận “Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia”…

truong-mam-non-dong-my.jpg
Trường mầm non tại xã Đông Mỹ. (Ảnh: Thanh Hồng)

Chia sẻ thêm về phát triển kinh tế, du lịch nông thôn trên địa bàn, Bí thư Đảng ủy xã Đông Mỹ Trần Quốc Oai thông tin, việc UBND thành phố Hà Nội công nhận Đông Mỹ là điểm du lịch đang tạo cơ hội cho người dân chung sức bảo tồn di tích lịch sử, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp… Có thể thấy rõ, chất lượng đời sống người dân Đông Mỹ ngày một tăng, đến nay, thu nhập bình quân đạt 74,9 triệu đồng/người/năm. Đông Mỹ đã được thành phố công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

"Để Đông Mỹ trở thành điểm du lịch hấp dẫn hơn nữa, xã tiếp tục phối hợp với các đơn vị của huyện tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các văn bản pháp lý liên quan cho người dân, doanh nghiệp kinh doanh du lịch; phối hợp chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường. Cùng với đó, đẩy mạnh du lịch nông nghiệp, du lịch tâm linh, quảng bá sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch... với mục tiêu xây dựng Đông Mỹ trở thành vùng quê ngày càng giàu đẹp, văn minh và trở thành phường trong tương lai rất gần", đồng chí Trần Quốc Oai nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vùng quê cách mạng Đông Mỹ - ngày ấy, bây giờ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.