Sáng 4-11, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số huyện Đan Phượng đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả xây dựng mô hình "Thôn thông minh" trên địa bàn xã Song Phượng làm cơ sở nhân rộng ra các địa phương khác.
"Thôn thông minh" – xu thế tất yếu
Thôn Tháp Thượng nằm ở trung tâm xã Song Phượng với 328 hộ dân. Theo Trưởng thôn Tháp Thượng Bùi Văn Trường, toàn thôn có gần 900 điện thoại thông minh đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của người dân; hơn 180 hộ có sử dụng ứng dụng điện tử trên điện thoại thông minh; gần 300 hộ lắp đặt internet tốc độ cao... rất thuận lợi khi địa phương triển khai xây dựng mô hình "Thôn thông minh".
Để mô hình lan tỏa, thực sự đi vào cuộc sống, Tổ hỗ trợ công nghệ số cộng đồng của thôn đã tuyên truyền hướng dẫn người dân Tháp Thượng tiếp cận, cài đặt sử dụng các dịch vụ số trên điện thoại thông minh phục vụ nhu cầu thiết yếu; rất nhiều tiện ích lần đầu được nhắc đến, nhiều vướng mắc được giải đáp, hỗ trợ... người dân trong thôn rất phấn khởi.
Theo Chủ tịch UBND xã Song Phượng Bùi Văn Tùng, Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu có ít nhất một mô hình "Thôn thông minh". Nhận thức đây là mô hình hay, phù hợp xu thế tất yếu của thời đại 4.0, xã Song Phượng đã triển khai thực hiện xây dựng mô hình đến đồng loạt 4/4 thôn trên địa bàn, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả điều hành của cấp ủy, chính quyền, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chỉ trong 15 ngày triển khai (từ ngày 5 đến 19-10), xã Song Phượng đã triển khai xây dựng mô hình "Thôn thông minh" trên nền tảng là các "Tổ tự quản thông minh" và những "Công dân số" đến 4 thôn và 36 tổ tự quản trên địa bàn. Xã đã thành lập 1 Tổ Công nghệ số cộng đồng xã; 4 Tổ hỗ trợ công nghệ số cộng đồng ở 4 thôn phối hợp với các Tổ trưởng tổ Đảng, Tổ trưởng tổ tự quản "đi từng ngõ, gõ từng nhà" vừa khảo sát, vừa hướng dẫn 100% hộ dân trên địa bàn tham gia tìm hiểu chuyển đổi số, phổ cập kiến thức chuyển đổi số cộng đồng, các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt tài khoản thanh toán điện tử, hướng dẫn người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng phương thức thanh toán điện tử, giao dịch thương mại điện tử... Mô hình nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia tích cực của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã.
Nhiều kết quả tích cực
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Song Phượng Tạ Thị Kim Chung dẫn chứng: "Mới đây, Hội tổ chức cuộc thi "Xuân sắc quê tôi", nhờ ứng dụng công nghệ số, chỉ trong 4 ngày, UBND xã và Hội đã lên ý tưởng, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện thành công cuộc thi. Các video clip với nội dung quảng bá hình ảnh, con người, hưởng ứng cuộc thi "thôn, xóm sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - văn minh", tuyên truyền xây dựng mô hình "Thôn thông minh", "Tổ tự quản thông minh", đã có sức lan tỏa rộng qua những lời bình luận, lượt yêu thích, chia sẻ", chị Chung cho biết.
Theo Chủ tịch UBND xã Song Phượng Bùi Văn Tùng, mô hình thôn thông minh đã mang lại hiệu quả trên nhiều phương diện. Ví như, với thực hiện giao tiếp thông minh, xã đã hướng dẫn các thôn thành lập 4 nhóm Zalo của thôn, do Trưởng thôn làm trưởng nhóm, thành viên là các Tổ trưởng Tổ tự quản; thành lập 36 nhóm Zalo Tổ tự quản, do Tổ trưởng Tổ tự quản là trưởng nhóm, thành viên là đại diện của các hộ gia đình trong tổ tự quản, mỗi gia đình cử đại diện 1 người tham gia nhóm. Từ khi các nhóm Zalo được thành lập, hệ thống quản lý, trao đổi, tuyên truyền thông tin không chỉ dừng lại giữa cấp ủy, chính quyền và các thôn, mà mọi hoạt động của xã, thôn đều được truyền đạt đến 100% hộ gia đình. Từ đó, các hộ dân được tiếp cận với thông tin của xã, thôn một cách nhanh chóng, chính xác, thuận tiện hơn trước.
Hay như với việc thực hiện một số dịch vụ xã hội thông minh, môi trường thông minh, thương mại điện tử, UBND xã đã thành lập nhóm zalo "Hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính tư pháp - hộ tịch" có trách nhiệm tiếp nhận, trả lời, hướng dẫn người dân về thành phần hồ sơ, quy trình giải quyết và có thể hẹn trước thời gian hoặc gửi trước thành phần hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính để công chức xã hướng dẫn, từ đó người dân không phải chờ đợi lâu, giảm thời gian đi lại khi không mang đầy đủ giấy tờ như trước...; lập mã QR hướng dẫn 5 thủ tục hành chính: Khai sinh, khai tử, kết hôn, chứng thực, xác nhận tình trạng hôn nhân, lắp đặt 20 bảng tại nhà văn hóa, điểm công cộng và đầu một số xóm, ngõ chính trên địa bàn xã để người dân dễ dàng tiếp cận.
Tổ Công nghệ số cộng đồng của xã đã hướng dẫn Hợp tác xã Nông nghiệp xã thành lập trang Facebook: Nông sản sạch Song Phượng do Chủ tịch Hội Nông dân và Giám đốc HTX nông nghiệp Song Phượng làm người đại diện để giới thiệu và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương như: Kẹo lạc, nấm ăn, bưởi Diễn... với gần 100 thành viên là hội viên nông dân trên địa bàn xã tham gia; hướng dẫn các hộ gia đình áp dụng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập. Đến nay, trung bình mỗi thôn trên địa bàn xã có khoảng 20 cá nhân (toàn xã có trên 80 cá nhân) sử dụng mạng xã hội và sàn giao dịch điện tử để phục vụ kinh doanh các mặt hàng đa dạng từ nông sản cho tới tạp hóa, điện tử... mang lại tổng doanh thu khoảng trên 30 tỷ đồng/năm.
Bí thư Đảng ủy xã Song Phượng Nguyễn Thị Quỳnh Lâm cho biết, trong giai đoạn 2023-2025, xã Song Phượng tiếp tục tổ chức thực hiện duy trì và nâng cao các tiêu chí của "Thôn thông minh", xây dựng mô hình "Xã thông minh", hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, quyết tâm xây dựng xã thành phường và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Phát biểu tại hội nghị đánh giá kết quả xây dựng mô hình "Thôn thông minh" trên địa bàn xã Song Phượng, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết: Những kết quả xã Song Phượng đã đạt được góp phần thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy Đan Phượng về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Thời gian tới, UBND huyện, các ngành, các xã, thị trấn cần có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo được sự thay đổi về phương thức quản lý, vận hành và quản trị xã hội. Trong đó, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực để chuyển đổi số.