Hà Nội văn

Ngọn đồi có hai cây thị

Truyện ngắn của Hữu Vi 15/12/2024 - 08:16

Năm ngoái tôi đến làng Hương thấy hai cây thị lớn biết nhường nào. “Hương” tiếng Thái nghĩa là thị. Hai cây thị đứng cạnh nhau, sừng sững choán cả khoảng đồi rộng rãi. Mặt trời buổi sớm rắc bạc trên thảm lá. Gió vô hình lay nhẹ tán cây.

Tôi gọi Tin lại gần xem. Anh bạn trẻ lúi húi với chiếc máy ảnh và bấm liên hồi. Tôi chẳng ưa những bức ảnh cây cối chụp chân phương. Nom thật vô hồn. Tôi thích sờ lên chùm rễ cổ thụ bám sâu mạch đất gân guốc xù xì như khối đá hoặc đứng dưới tán cây râm mát mà hít thật sâu rồi thở ra chậm rãi. Cây cối đứng một chỗ nhưng không phải chúng im ắng đâu. Tiếng lá lay động. Tiếng chiếc mầm mới nhú mình khỏi vỏ cây, phải chú tâm lắm mới nghe thấy. Mùi lá mới dìu dịu, mùi rễ mục hăng hắc. Cây thị bé hơn đứng mé đồi phía trên, cây lớn phía dưới thành ra nom chúng cao bằng nhau. Cành lớn đan cài cành bé, cành nọ gác vào cành kia như thể đang dìu nhau bước lên dốc núi. Cuộc hành trình dễ chừng đã nhiều trăm năm.

Tin vẫn mải mê với chiếc máy ảnh. Anh nghĩ về bóng hình dáng cây hơn là chuyến đi của cây. Với tôi chuyến đi dài đằng đẵng của cây mới là điều quan trọng, thứ mà chẳng có chiếc máy hay tài năng nhiếp ảnh nào đủ kiên nhẫn theo đuổi. Con người chỉ sống cuộc đời ngắn ngủi so với một cái cây cổ thụ. Cây thì chỉ biết lớn lên rồi ra hoa kết trái, chẳng phải đóng nhiều vai trò, đeo những thứ mặt nạ khác nhau.

Tôi chìm sâu vào suy ngẫm, chỉ bừng tỉnh khi nhận ra một điều lạ. Bên gốc cây thị lớn phía mé đồi dưới có một cái hốc lớn đến độ dăm bảy người có thể ngồi thoải mái. Một hang động trong lòng thân cây. Quả là một phát hiện thú vị. Và ngạc nhiên làm sao khi tôi nhận thấy có một người ngồi trong cái hốc lớn đó. Một bà lão nhỏ bé, tóc bù xù mặc váy áo thổ cẩm. Cái hốc là căn nhà bà lão. Có mấy thứ đồ lặt vặt. Một chiếc chõng nhỏ đủ cho một người nằm kết bằng những thanh tre nhỏ. Vài cái túi con con và chăn chiếu. Có hẳn chiếc nồi để đun nấu cho thấy bà lão đã cư trú trong ngôi nhà hốc cây đã khá lâu.

minh-2.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Bà lão vẫn lặng lẽ thêu trên chiếc váy nhuộm chàm. Kỳ lạ làm sao, nắng vẫn tìm đến được đám hoa văn sặc sỡ đủ màu trên chiếc váy. Một đàn hươu đang thả bộ dưới tán rừng với những cái cây hình chóp nón màu vàng cam. Hươu mẹ màu tím và hươu con thì xanh lá.

“Hãy qua đây nào. Ở đây có một cái nhà”. Tôi gọi Tin. Nhưng người bạn dường như không nghe thấy. Bà lão ngừng tay ngước lên và tôi như bị thôi miên bởi ánh mắt sáng trong tựa cái vực nước sâu hun hút đầy rong rêu.

“Bà ở đây từ bao giờ?”, tôi hỏi. Bà lão không trả lời mà đưa cho tôi một trái thị bé xíu rồi cất tiếng hát: “Quê ta cây thị tỏa hương đầu làng/ Cây bứa bên suối lắm quả/ Người phương xa về thăm xóm nhỏ/ Cây thị là nhà gọi khách ghé chơi...”. Lời hát vui mà giọng điệu thì ủ ê, buồn sầu dội vào vòm cây tưởng như có thể khiến những chiếc lá già rụng xuống.

“Đi thôi”. Tin cất tiếng gọi. Chẳng còn biết làm sao, tôi đành chui vào xe. Phía sau là những lều bạt, túi ngủ và đồ nghề nhiếp ảnh. “Chà, hai cây thị thật là hoành tráng làm sao”. Tôi bắt đầu câu chuyện. Người bạn đường của tôi chỉ ậm ừ. Có lẽ anh đang chú tâm lái xe. Con đường phía trước mấp mô đá sỏi dẫn qua một quãng dốc đầy hoa lau trắng man mác. “Chẳng biết bà lão đã ở đó bao lâu nhỉ?”. Tin dường như không quan tâm đến câu hỏi của tôi, chỉ ừ à trong cuống họng.

***

Tưởng như tôi sẽ quên hai cây thị già và bà cụ bí ẩn. Nhưng rồi những ngày sau đó, hình bóng ngọn đồi có hai cái cây lớn và cụ bà ngồi thêu cứ xoắn xuýt trong tâm trí tôi. Đêm đến tôi lục túi lấy ra quả thị nhỏ xíu bà cụ cho và đặt nó lên chiếc đĩa sứ nơi chiếc bàn nhỏ tôi vẫn ngồi viết. Hương thị thoang thoảng kéo tôi vào giấc ngủ. Kỳ lạ làm sao bởi lâu nay tôi mất ngủ triền miên. Trái thị cứ ở đó cho đến khi khô quắt, đen sì nhưng tôi không muốn vứt đi. Cho đến một đêm tôi thức giấc bởi những âm thanh nho nhỏ nơi chiếc bàn viết. Tôi bật đèn. Ánh sáng lóe lên bất ngờ khiến kẻ đột nhập hoảng hốt nhảy khỏi bàn. Tôi nhận ra hai con chuột nhắt phóng qua cửa sổ rồi mất hút vào đêm tối. Trên đĩa sứ, quả thị đã khô quắt chẳng còn. Tôi khép cửa và trở lại giường ngủ. Hương thị vẫn phảng phất trong căn phòng nhỏ, nhưng tôi thì không thể ngủ tiếp được nữa. Bệnh mất ngủ trở lại hành hạ tôi suốt mùa thu ấy.

Rồi mùa đông đến. Cái lạnh khiến tôi dễ chịu hơn và cũng buồn hơn. Trong đêm vắng tôi vẫn không nguôi nhớ về ngọn đồi và hai cây thị ở làng Hương. Tôi lẩm nhẩm bài hát của bà lão sống trong hốc cây. Khi đợt gió bấc đầu tiên tràn về tôi đã có được một đêm dễ ngủ. Trong mơ tôi lạc đến ngọn đồi ở làng Hương đầy nắng. Trên đồi hai cây thị cao lớn chạm đến chòm mây. Từng chiếc lá xanh, lá vàng thả mình trong không trung và đậu trên tóc, trên vai tôi như lũ chim bé xíu. Bà cụ vẫn ngồi trong hốc cây như đợi tôi về. Bà trao cho tôi một chú hươu con màu xanh lá. Chú hươu xốp nhẹ như một bông mây bay lên từ bàn tay tôi rồi tan biến vào tán lá xanh mướt.

Giấc mơ kỳ lạ như một liều thuốc khiến từ đó tôi hết bệnh mất ngủ. Tôi cảm thấy tóc trên đầu mình như đen hơn và không còn thích giam mình trong căn phòng quạnh vắng nữa. Suốt mùa đông tôi phóng xe máy lang thang khắp các nẻo núi đến những ngôi làng trầm mặc mù sương. Tôi dần quên đi ngọn đồi và hai cây thị già.

***

Sang xuân, khi nụ đào đầu tiên nở bung thì chúng tôi đến làng Hom. Ngôi làng bên ngọn đồi hoang nom buồn và đẹp. Trên triền đồi trai gái đang vui hội tung còn. Những trái còn tua xanh đỏ tím vàng như mời gọi. Tin, người bạn đường của tôi vẫn lặng lẽ với khẩu độ, tốc độ... Có trái còn tua vàng tìm đến chỗ tôi, nhờ thế mà tôi gặp và quen được Liêng. Nàng có đôi mắt to tròn như vực nước sâu hun hút đầy rong rêu. Từ ánh nhìn đầu tiên đã khiến tôi chột dạ. Sau này, khi cùng Liêng tha thẩn trên ngọn đồi hoang vắng tôi chợt nhớ ra đôi mắt nàng cũng trong và thăm thẳm như mắt bà cụ trong hốc cây thị cổ thụ. Nhưng làng Hom chẳng có cây thị nào.

Mùa hè năm đó, mẹ nàng bảo tôi "mày phải về ở rể". Tôi phát hoảng bởi tập tục này từ lâu đã không còn, sao làng Hom vẫn giữ nếp cũ? Ánh nhìn của Liêng khiến tôi hiểu là không nên cãi lời mẹ. Tôi ở rể được ba tháng thì chú tôi mang trầu cau đến xin mẹ nàng cho cưới. Lúc này đã là mùa thu. Mùa này hẳn những trái thị trên ngọn đồi kia đã chín. Trước ngày cưới một tuần tôi rủ Liêng đi thăm ngọn đồi có hai cây thị ở làng Hương.

“Em cũng muốn gặp để nhìn xem đôi mắt bà lão”. Nàng nói, vẻ háo hức hiện rõ trên gò má ương bướng. Người bạn đồng hành quen thuộc của tôi cũng ngỏ ý muốn đi. Đồ nghề nhiếp ảnh chuyển về ghế trước. Ghế sau dành cho tôi và Liêng ngồi.

Ngôi làng năm ngoái đã ở trước mặt. Từng mái nhà sàn lợp mái cọ hiện lên trầm mặc dưới nắng thu vàng. Tôi nhìn về phía ngọn đồi cạnh làng và hoang mang làm sao. Hai cây thị chẳng còn ở đó nữa. Ai đã đốn chúng đi rồi sao? Tôi rảo bước trên khoảng đồi trống trơn, lác đác cỏ may như chưa từng có cây cổ thụ nào mọc ở đây. Người bạn đồng hành của tôi vẫn bận tâm với chiếc máy ảnh. Anh chụp ngôi làng và cả ngọn đồi trống huơ buồn thảm. “Nếu hai người tính chụp ảnh cưới ở đây thì chẳng thú vị chút nào”. Anh nói khi tôi đang dõi mắt theo một ông lão đang lùa đàn dê về làng.

“Ông ơi!”. Tôi gọi với theo. “Hai cây thị năm ngoái đâu rồi nhỉ?”. Ông lão chăn dê tròn mắt: “Ở đây từng có hai cây thị sao?”. Ông nói và toan bước đi. “Rõ ràng cháu đã thấy hai cây thị. Còn có một bà già ở trong hốc cây. Cháu vẫn nhớ bài hát đã nghe ngày nào. “Người phương xa về thăm xóm nhỏ/ Cây thị là nhà gọi khách ghé chơi...”. “Tôi ở đây hơn bảy chục năm rồi nhưng chẳng thấy cây thị nào cả”. Ông lão lại nhìn tôi vẻ ngạc nhiên. Nhưng lời bài hát khiến ông ngập ngừng, như nhớ lại một điều gì đó: “Tôi từng nghe có người hát”. Ông nói, “nhưng từ thời tóc còn để chỏm”.

Ông lão đi về phía ngôi làng. Ngọn đồi chỉ còn lại ba chúng tôi nhìn nhau ngơ ngác. Tin lẩm bẩm: “Năm ngoái mình đến đây và ngọn đồi vẫn vậy”. “Anh không còn nhớ hai cây thị cổ thụ nơi đây hay sao? Dưới gốc cây có một cái nhà...”. “Anh đã nhìn thấy thế sao?”. Người bạn đồng hành của tôi hỏi.

***

Đám cưới thật vui. Người làng đến chúc phúc vợ chồng tôi đông đủ. Tin mang theo chiếc máy ảnh tới dự cưới. Anh chụp những bức đẹp nhất đời mình. Đêm tân hôn, trong ánh sáng xanh mờ ảo của chiếc đèn ngủ đầu giường, tôi nhận ra đôi mắt Liêng sâu như một vực nước đầy những rong rêu. Xanh. U uẩn.

“Anh từng thấy hai cây thị trên ngọn đồi thật sao?”. Liêng hỏi tôi. Nàng chưa hết nghi hoặc.

Khi lần mở chiếc thắt lưng trên bộ váy của Liêng, tôi nhận ra đêm nay nàng mặc chiếc váy thêu đàn hươu đang thả bộ dưới tán rừng với những cái cây hình nón. Hươu mẹ màu tím còn lũ hươu con màu xanh lá.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngọn đồi có hai cây thị