Độc đáo Miêu quyền

Hà Nhật, Ảnh: Việt Trần| 21/01/2023 19:50

(HNMO) - Kho tàng võ cổ truyền Việt Nam lâu nay luôn có phần không thể thiếu của võ mèo (hay còn được gọi là Miêu quyền). Dịp Tết Quý Mão, Miêu quyền lại được nhiều người nhắc đến với sự thích thú, tự hào để từ đó càng cho thấy sự phong phú của võ cổ truyền Việt Nam.

Các võ sinh của Đông Đô Việt võ phái tập luyện bài Miêu trảo.

Cảm hứng về quyền thuật

Có lần, chia sẻ về Miêu quyền, võ sư Trần Việt, Chánh Văn phòng Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam, Chưởng môn Đông Đô Việt võ phái (phát triển mạnh ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc), cũng là người nhiều năm nghiên cứu về võ cổ truyền, nói rằng: “Từ sự thân thiết, gần gũi giữa con người với con mèo - vốn là động vật hoang dã được thuần hóa, từ sự quan sát con mèo khi nó vận động, nghịch, nô đùa, hoặc lúc chiến đấu với chuột, rắn… nên các võ sư Việt Nam đã có cảm hứng để đúc kết ra những kỹ thuật chiến đấu. Từ đó, hình thành nên võ mèo. Trong võ cổ truyền, khi xây dựng các bài võ liên quan đến loài vật, ban đầu chỉ có ngũ hình gồm long (rồng), hổ, hạc, báo, xà (rắn). Sau đó, khi mở rộng lên thập hình thì có mèo bên cạnh kê (gà), hầu (khỉ), mã (ngựa), quy (rùa)”.

Cũng phải kể thêm, không chỉ tại Việt Nam, trên thế giới cũng có nhiều dòng phái võ thuật ở Nhật Bản, Trung Quốc… có Miêu quyền. 

Cũng theo võ sư Trần Việt, những động tác của Miêu quyền được xây dựng dựa trên hình thái vận động của con mèo, trong đó, mô phỏng bước di chuyển nhẹ nhàng, không tiếng động nhưng vọt đi rất nhanh; khi vồ, chộp thì móng vuốt rất lợi hại, ghê gớm. Trong những bài Miêu quyền thường có động tác bước dài chân, trườn thấp xuống rồi vọt lên. Điều này bắt nguồn từ động tác mèo nằm phơi nắng rồi giãn người để giãn gân, giãn cơ. 

Còn các đòn tay của Miêu quyền đánh ở cự ly gần, vuốt, nhả như động tác tấn công của mèo. Trong tấn công, nếu không quan sát kỹ, người ngoài khó phân biệt động tác giữa võ hổ và võ mèo ở động tác trảo. Con hổ có móng vuốt nhô ra trước còn móng vuốt mèo quặp lại một chút. Thế nên “Hổ trảo” thiên về dùng lực chộp, xé, tát bằng lực các đầu ngón tay. Còn “Miêu trảo” thiên về kỹ thuật, trong đó ngón tay không phải vươn về trước mà quặp vào trong rồi kéo, vả, xé, chộp vào yếu huyệt hay chộp vào xương quai xanh đối thủ rồi liên tiếp ra đòn. Cũng vì vậy, bộ tay trong “Miêu quyền” còn chiến đấu bằng đốt xương ngón tay. “Tóm lại, bộ tay trong Miêu quyền khi sử dụng mang tính xảo thuật rất cao, rất nhẹ nhàng nhưng hiểm hóc” - võ sư Trần Việt nói.

Hay ngay động tác mèo trèo cây cũng được các dòng võ cổ truyền ứng dụng với các động tác ra đòn liên hoàn làm đối phương không kịp rút tay, tay bị dính lại. Võ sư Trần Việt dẫn giải thêm: “Lấy ví dụ như sau khi tránh né đòn đá thì người tập luyện Miêu quyền phản đòn bằng cách lấy tay trước chộp hạ bộ đối phương còn tay sau đã đánh lên hầu rồi tay trước đó lại đánh lên mắt… Hoặc khi đối phương tấn công bằng đòn tay thì tay trảo thứ nhất chộp vào cổ tay đối phương và ngay sau đó, tay trảo thứ hai đánh vào huyệt ở khủy tay, rồi tay trảo thứ nhất lại chộp vào bả vai trong khi tay trảo thứ hai lại đánh vào mặt…”.

Sự kết hợp đa dạng 

Cũng phải kể thêm, mèo có động tác rất thú vị là vào buổi sáng thường rửa mặt, lấy tay dụi mắt. Các võ sư cũng nhìn thấy động tác quen thuộc này và đúc kết ra kỹ thuật chiến đấu bằng tay mô phỏng động tác tay con mèo rửa mặt, còn gọi là “Miêu tẩy diện”, trong đó dùng tay gạt đòn đánh đối thủ rồi phản đòn vào các yếu huyệt. Đặc biệt, các dòng võ ở Bình Định còn phát triển động tác “Miêu tẩy diện” thành bài võ. Rõ nhất và nổi tiếng nhất là võ đường “Lý gia” của võ sư Lý Xuân Hỷ có bài “Miêu tẩy diện”, được rất nhiều người tập luyện, tham khảo. Ngoài ra, vài môn phái khác ở Bình Định có bài “Miêu tẩy diện”. 

Hay các động tác khác của mèo cũng được các võ phái khác xây dựng thành bài võ. Trong số này, bài Miêu trảo của Đông Đô Việt võ phái gồm 16 bộ mô phỏng các thế tấn, thế đánh của mèo. Trong đó, chủ yếu kết hợp các thế tấn nhỏ, như tấn trung bình, tấn trảo mã hay là miêu tấn (kết hợp tấn trảo mã, trung bình tấn) và chủ yếu dùng tay chộp như của mèo. Ví dụ khi tấn công thì chộp vào các yếu huyệt trên mặt như hốc mắt, hai bên quai hàm, dưới cổ họng, hầu và xương quai xanh, 2 hốc nách. Hoặc khi đối phương đá thì có thể chộp vào hạ bộ, hốc bẹn. Từ 16 bộ miêu trảo mô phỏng các thế tấn kết hợp có thể biến hóa thành nhiều bài khác nhau. 

Cũng còn nhiều dòng phái khác có bài liên quan đến mô phỏng động tác của mèo như “Linh miêu mai phục” (mèo rình mồi), “Linh miêu giảo trụ” (mèo trèo cột), “Linh miêu thám trảo” (mèo dùng trảo vồ), Linh miêu hí thử (mèo vờn chuột), Linh miêu vọng nguyệt (mèo nghịch trăng)…

Thực tế, như dẫn giải của võ sư Trần Việt, đôi khi các võ sư còn kết hợp các đòn thế giữa mèo và con vật khác. Như võ phái Nam Hồng Sơn có bài Miêu Xà quyền (được hình thành khi quan sát con mèo đánh nhau với con rắn). Có một số môn phải có thế tấn lai giữa trung bình tấn và trảo mã tấn thì gọi là Miêu tấn. 

Tập luyện công phu 

Với môn võ đặc thù như vậy nên “Miêu quyền” phù hợp với những người có thể hình không cao lớn, gọn, nhỏ để phù hợp với kỹ thuật luồn, tránh, đánh cận chiến. Yêu cầu với người tập miêu quyền là phải có bước chân thoăn thoắt, nhẹ nhàng như mèo; phải tập cho ra được bước chân của mèo bước đi như lá rơi, áp sát di chuyển nhẹ nhàng để tiếp cận đối thủ hay khi rút về phòng thủ. 

Cũng bởi lẽ đó, phải có bài tập phù hợp với “Miêu quyền” như các bài chạy, nhảy buộc túi cát vào chân; đứng chân và di chuyển thành thạo trên các chiếc bát úp đòi hỏi không để bị lật bát, vỡ bát. Như thế, đòi hỏi trọng tâm cơ thể phải đặt chuẩn để bảo đảm thăng bằng. Nếu bước mạnh, hấp tấp thì bát có thể vỡ. 

Hoặc với động tác miêu trảo, trước đây các thầy dạy võ cho học trò dùng tay vồ vào tập giấy bản đóng vào tường cho mỏng dần, đến hết tập giấy bản thì thay tập khác. Rồi khi tập sức mạnh cho ngón tay, các thầy lấy sợi dây thừng to, thắt nút rồi ngâm nước cho nở chặt hơn. Sau đó, họ cho học trò gỡ bằng đầu ngón tay. Quá trình tập luyện thế này giúp đầu ngón tay đủ lực, đủ khỏe, đồng thời rèn sự kiên trì để đánh đòn trảo mạnh. 

Nhắc về chuyện này, võ sư Trần Việt cười: “Giờ áp dụng phương pháp ấy thì ít người theo tập. Thế nên, chúng tôi linh hoạt trong hình thức tập luyện, như thay vì dẫm lên bát thì người tập dẫm lên nửa viên gạch để có sự thăng bằng khi tiến, lui…”.

Với sự quan sát của những người trong nghề, một võ sinh sau khi để đạt mức có căn bản tốt cũng mất khoảng 3 năm. Sau đó, cũng mất hơn 1 năm để tập thuần thục, đánh ra nét con mèo gồm cả động tác cũng như hình thái, trong đó có ánh mắt (lúc lim dim, lúc hung dữ như khi bắt chuột, ánh mắt rất khác; rồi lúc con mèo thu mình lại rồi phóng người ra…). Như lời của võ sinh Dương Thanh Bình (môn phái Đông Đô Việt võ phái) thì càng tập càng thấy những nét tinh túy của bài Miêu trảo và để thẩm thấu hết có lẽ không chỉ dừng lại ở vài năm tập luyện.

Động tác đặc thù trong bài Miêu trảo.

Lưu giữ cho muôn đời sau

Thực tế, dù trước đây hay hiện nay thì các võ sư vẫn luôn tìm những võ sinh đủ tố chất để truyền dạy bài võ của mình. Nhưng thay vì chỉ một cách đó, nhiều người đã tìm các cách khác để lưu giữ bài võ, không để thất truyền. Ở Bình Định, những người có trách nhiệm đã và đang nỗ lực lưu giữ bài “Miêu tẩy diện” thông qua ghi hình hoặc chủ động truyền dạy cho thật nhiều võ sinh để nhân rộng bài võ. 

Còn Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam cũng coi việc lưu trữ, rồi số hóa các bài võ cổ truyền, trong đó có các bài liên quan đến mèo, là kế hoạch dài hơi. Võ cổ truyền là di sản văn hóa phi vật thể với tinh thần, hệ thống bài quyền, kỹ thuật được ông cha ta đúc kết trong cả nghìn năm. Thế nên, không thể để mất đi, cần chú ý việc nhân rộng người tập, lưu trữ bằng nhiều hình thức. Trước đây, nhiều thầy võ mất đi cũng mang theo cả những bài võ độc đáo do không tìm được học trò ưng ý, đủ tin tưởng để truyền dạy. Nhưng đến lúc này, phải có hành động thiết thực nhằm bảo tồn, bảo lưu, nhân rộng những di sản văn hóa võ thuật để việc này không phải là câu hỏi hóc búa cho các thế hệ sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo Miêu quyền