Lagos là thủ đô của Nigeria từ năm 1967 đến năm 1991 (thủ đô mới là thành phố Abuja). Lagos có diện tích nội thị là 8,7km2, dân số nội thị gần 14 triệu người, toàn vùng đô thị là hơn 22 triệu người. Tốc độ tăng dân số là một trong những điểm đáng chú ý nhất ở thành phố này với khoảng 900 cư dân mới mỗi ngày, khiến cho Lagos từ một thành phố 1 triệu dân năm 1967 lọt vào top 10 thành phố đông dân nhất thế giới chỉ sau nửa thế kỷ.
Theo các nhà quan sát, có nhiều điều cần tìm hiểu để thấy rõ hơn nỗ lực đưa Lagos từ nhóm thành phố có chất lượng sống kém nhất thế giới thành thành phố phát triển nhanh thứ 2 ở châu Phi và thứ 7 trên thế giới. Một trong những người góp công đầu để thay đổi diện mạo Lagos là chuyên gia xây dựng và quản lý đô thị Ayo Assaf, người được đào tạo trong thực tiễn ở đại đô thị New York (Mỹ). Theo yêu cầu của chính quyền trung ương và thành phố, ông đã bỏ ra 7 năm để khảo sát từng ngóc ngách của Lagos, nơi mà mật độ dân số vùng lõi đô thị lên đến hơn 16.000 người/km2, từ đó đưa ra đề xuất: Trong một thị trường sôi động thu hút cả chục triệu người như Lagos, cần chính thức hóa thương mại tự phát. Khi tiểu thương và mọi người không bị mất đi khả năng hòa nhập sinh tồn thì sẽ tránh được nguy cơ hỗn loạn.
Việc cải thiện đời sống phải căn cứ vào lý do an ninh và vệ sinh, cùng với đó, phải xây dựng nhà ở cho người nghèo, phát triển mạng lưới giao thông công cộng hiện đại để chấm dứt cảnh tắc nghẽn mọi lúc mọi nơi... Nhờ vậy, chỉ sau mấy chục năm, Lagos đã có hệ thống giao thông cầu đường kết nối tất cả các quận, giữa vùng lõi và ngoại ô. Cảng Lagos được mở rộng, là một trong những cảng lớn nhất và bận rộn nhất châu Phi, xử lý 70% tổng giao dịch đường biển của Nigeria, mang lại 14% GDP và 90% tổng nguồn thu ngoại tệ của cả nước. Lagos có sân bay quốc tế Murtala Muhammed kết nối với hàng nghìn thành phố trên thế giới và hàng trăm hãng hàng không.
Lagos là “thủ đô thương mại” của Nigeria, trải qua thời kỳ phát triển nhanh trong thập niên 1960 và được ví như “quả bom kinh tế” của Nigeria. Sau nội chiến, đến năm 1999, Lagos càng phát huy được vai trò trung tâm tài chính, ngân hàng, công nghiệp, thương mại, hóa chất, đầu tư chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm... Về khoa học, công nghệ, Lagos thu hút nhiều nhà đầu tư vào viễn thông và mảng di động, nhờ đó đã xây dựng được hệ thống thông tin liên lạc phát triển nhanh nhất thế giới. Trung tâm công nghệ Co-Creation thuộc vùng ngoại ô Thung lũng Yabacon hiện nằm trong top 7 “kinh đô” sáng tạo công nghệ của thế giới (bao gồm Thung lũng Silicon của Mỹ). Ngoài ra, Lagos còn được xem là trung tâm sáng tạo, thời trang, điện ảnh (Nollywood - kinh đô điện ảnh của Nigeria).
Những năm gần đây, lãnh đạo thành phố còn chú trọng phát triển kinh tế du lịch, đưa Lagos trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch châu Phi. Lợi thế của ngành Du lịch Nigeria là có nhiều bãi biển tuyệt đẹp, khu bảo tồn thiên nhiên lớn với cảnh quan rất ấn tượng; có bảo tàng lịch sử với những hiện vật giá trị; có nhiều hoạt động văn hóa đa sắc màu và người Lagos luôn yêu đời, rất thân thiện; có nhiều món ẩm thực độc đáo... Tất cả đã làm cho Lagos trở thành nơi có tiêu chuẩn sống hàng đầu châu Phi. Lagos góp phần lớn nhất toàn quốc trong việc đưa Nigeria lọt vào top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (năm 2015).
Với những bước đi vững chắc, Lagos đã từng bước giải được bài toán mà ông Guillaume Josse, chuyên gia Văn phòng Groupe Huit, người chuyên nghiên cứu các vấn đề phát triển đô thị, từng bi quan đúc kết rằng “không sao giải quyết được” bởi hàng loạt vấn đề như đô thị hóa, bạo lực, quản lý đất đai, ô nhiễm môi trường... Hiện nay, Lagos đang hướng tới mục tiêu tiếp tục đóng góp để đưa Cộng hòa Liên bang Nigeria trở thành nền kinh tế lớn nhất “lục địa đen” vào năm 2023 và được thừa nhận một cách chính thức.
Tuy hiện tại Lagos mới chỉ được xếp hạng thành phố toàn cầu hạng Beta+ (thành phố có sự kết nối trung bình với kinh tế thế giới) nhưng theo các chuyên gia, Lagos sẽ thăng tiến mạnh mẽ nhờ chiến lược phát triển đúng đắn. Lagos nằm trong số những thành phố được coi là “tương lai của thế giới”. Trang National Geographic đánh giá Lagos đang tận hưởng sự thịnh vượng, giàu có nhanh nhờ toàn cầu hóa và sự phát triển của kinh tế, khoa học công nghệ; giả sử Lagos là một quốc gia riêng biệt, nền kinh tế này sẽ đứng thứ năm châu Phi.
Theo dự báo, Lagos sẽ là thành phố lớn nhất, đông dân nhất thế giới vào năm 2100 với 88,3 triệu người. Lagos không chỉ là hình ảnh sôi động, thành công của một quốc gia mà còn là “nhịp tim của châu Phi” đang vươn lên mạnh mẽ. Hệ sinh thái khởi nghiệp đa dạng cùng lối sống sôi động và nền văn hóa đặc sắc là những lợi thế để Lagos tiếp tục vững bước đi lên.