Xu hướng

Phan Đình Phùng, phố “check-in” nổi tiếng Hà Nội

Nguyễn Ngọc Tiến 29/10/2023 07:08

Trào lưu “chơi” mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram ngày càng phổ biến ở mọi lứa tuổi. Ở Hà Nội, một số đoạn phố bỗng trở thành điểm check-in nổi tiếng như trước trụ sở Báo Hànộimới (phố Lê Thái Tổ), đoạn giữa phố Hoàng Diệu, đầu phố Thụy Khuê..., nhưng nhộn nhịp nhất phải kể đến phố Phan Đình Phùng.

pdp.jpg
Phố Phan Đình Phùng thu hút rất đông người đến “check-in”. Ảnh: Trung Hiển

Những vị trí thành điểm check-in của nhiều người thường có bối cảnh độc đáo, ví dụ như di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh... khi đưa lên Facebook mới thu hút được nhiều “like” (lượt thích) hay “comment” (bình luận) của bạn bè và những người theo dõi. Phố Phan Đình Phùng đáp ứng gần hết các tiêu chí đó nên thu hút rất đông người đến check-in.

Trước hết, Phan Đình Phùng là phố lịch sử. Cổng Bắc của thành Hà Nội ở mặt phố này. Trên cổng thành rêu phong vẫn còn những vết lõm do đạn đại bác của Pháp bắn từ sông Hồng vào năm 1882. Năm 1802, Nguyễn Ánh lập ra triều Nguyễn, chuyển kinh đô vào Huế đã sai phá thành thời Lê để xây thành mới vào năm 1805, mỗi chiều dài khoảng một cây số, có tường bao quanh. Con đường hiện nay chính là sông Tô Lịch. Sông nằm dưới chân tường thành là hào tự nhiên để bảo vệ thành. Năm 1873, thực dân Pháp đưa lính từ Nam ra đánh thành lần thứ nhất. Để bảo vệ thành, Tổng đốc tỉnh Hà Nội là Nguyễn Tri Phương đã chạy trên mặt tường thành đốc thúc quân sĩ chiến đấu chống quân Pháp. Dù quân tướng rất dũng cảm song do vũ khí lạc hậu, thành đã thất thủ. Nguyễn Tri Phương bị quân Pháp bắt giam. Để giữ trọn khí tiết “trung quân, ái quốc”, ông đã tuyệt thực và chết trong ngục.

Năm 1882, thực dân Pháp lại đưa quân từ Nam ra đánh thành Hà Nội lần thứ 2. Thời điểm này, triều đình nhà Nguyễn đã cầu hòa nhưng tổng đốc Hoàng Diệu quyết đánh. Dù được người dân Hà Nội trèo qua tường vào trong thành tiếp sức cùng chiến đấu nhưng với vũ khí hiện đại, quân Pháp tràn vào chiếm thành. Lần thứ hai thành Hà Nội thất thủ. Tổng đốc Hoàng Diệu đã tuẫn tiết ở góc phía đông bắc thành, tương ứng với bên trái đầu phố Phan Đình Phùng ngày nay.

Năm 1894, thực dân Pháp phá tường thành, lấy gạch đá vỡ lấp đoạn sông Tô Lịch. Năm 1901, họ lập phố đặt tên là Carnot. Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Tháng 9-1945, bác sĩ Trần Duy Hưng làm thị trưởng Hà Nội. Cái tên Phan Đình Phùng được chọn để đặt tên cho phố này thay cho tên cũ là Carnot. Phan Đình Phùng là một sĩ phu yêu nước đã hưởng ứng phong trào Cần Vương lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hương Khê (Hà Tình) chống thực dân Pháp trong gần 10 năm. Và thật không may, năm 1895, ông bị bệnh rồi mất tại bản doanh năm 1896. Năm 1949, chính quyền thực dân xóa bỏ tên Phan Đình Phùng, lấy lại tên Carnot, nhưng năm 1951 lại bỏ Carnot lấy lại tên Phan Đình Phùng và tên này giữ nguyên cho đến ngày nay.

Một điểm nữa khiến phố Phan Đình Phùng hấp dẫn giới trẻ bởi đây là một trong những tuyến phố đẹp nhất Hà Nội. Bên số chẵn có nhiều biệt thự mang phong cách kiến trúc Pháp. Bên số lẻ cuối phố ngày nay là Văn phòng Trung ương Đảng, xưa là Trường Trung học Albert Sarraut nổi tiếng xứ Đông Dương. Thời bao cấp, từ ngã ba Lý Nam Đế đến ngã ba phố Hoàng Diệu là tường. Thập niên 1980, các hộ tập thể đã dỡ tường, mở cửa ra mặt phố. Chỗ vườn hoa Hàng Đậu, đầu phố Phan Đình Phùng ngày nay, trong nửa đầu thế kỷ XX có chợ lao động, ai cần thì ra đây thuê. Trong phóng sự “Cơm thầy, cơm cô” của nhà văn Vũ Trọng Phụng xuất bản năm 1936 có viết về chị em ra chợ này chờ người tìm mua sữa cho người già. Họ mới sinh con, do hoàn cảnh cùng cực phải bỏ con ở nhà ra đây bán sữa.

Trong hai năm 1966 - 1967, không quân Mỹ đánh bom Hà Nội, thành phố chuyển chợ hoa Hàng Lược về tạm đầu phố này. Bên cạnh đó, Phan Đình Phùng còn là phố duy nhất ở Hà Nội mà hai bên vỉa hè có hai hàng sấu cổ thụ đan vào nhau tạo thành một vòm xanh râm mát. Đầu thế kỷ XX, chính quyền thành phố đã mua cây sấu giống từ Ba Vì, Sơn Tây mang về trồng ở nhiều phố Hà Nội, trong đó có phố Phan Đình Phùng. Đầu tháng 5, hoa sấu nở, rụng những bông trắng li ti, hè phố trông như một tấm thảm. Mùa đông, lá vàng rụng rắc, xao xuyến vô cùng.

Phố Phan Đình Phùng quanh năm có người check-in. Các bà mặc áo dài xếp hàng ngang tươi cười trước ống kính. Chị em trung niên thì diện váy áo đẹp với nhiều tư thế tạo dáng chụp ảnh vui mắt. Song đông đúc nhất là các thiếu nữ ăn mặc theo mốt "tinh khôi", váy trắng, áo trắng khoe bờ vai, nhí nhảnh tạo dáng bên các chị bán hoa nom thật đáng yêu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phan Đình Phùng, phố “check-in” nổi tiếng Hà Nội