Rối nước Đào Thục: “Online” để thu hút khách

Hương Thủy| 28/02/2020 12:20

(HNMCT) - Là cái nôi của nghệ thuật múa rối nước xứ kinh kỳ, thế hệ nghệ nhân và người làng Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) ngày nay tích cực quảng bá nghệ thuật truyền thống qua mạng xã hội nhằm thu hút khách nhiều hơn.

Nhờ quảng bá online, phường rối nước Đào Thục ngày càng thu hút đông đảo du khách. Ảnh: Linh Tâm

Tiếp thị bằng công nghệ

Gõ từ khóa “múa rối Đào Thục” trên Facebook để tìm kiếm thông tin, bạn Phạm Phương Thanh, sinh viên Trường Đại học Hà Nội rất thích thú khi được xem những hình ảnh, video clip “cây nhà lá vườn” do chính người phường múa rối ghi lại để giới thiệu tới khán giả và du khách. Từ nét duyên mộc mạc của chú Tễu ra sân khấu: “Tễu tôi chào đến nhà nhà/ Từ nơi linh kiệt ông cha một thời/ Vẻ vang khí phách ai ơi/ Rối được sống lại tại nơi ra đời”, tới những tích trò nổi tiếng như: Trâu chui qua ống, Đánh vật, Múa tiên, Lên võng xuống nước, Ba khí giáo trò… được người làng duy trì suốt 300 năm qua.

Phương Thanh hào hứng cho biết, việc cung cấp thông tin thường xuyên trên mạng xã hội thu hút nhiều bạn trẻ tìm hiểu và biết về làng nghề truyền thống hơn. Việc chia sẻ những hình ảnh, video clip về hoạt động của phường múa rối là một cách quảng bá hiệu quả, gần gũi, sinh động hơn đối với người tiếp nhận thông tin. “Những hình ảnh chân thật giúp lan tỏa rộng rãi hình ảnh đẹp về văn hóa truyền thống của cha ông tới cộng đồng. Nhiều bạn bè của tôi đã sử dụng hình ảnh, tư liệu này để tham gia chương trình quảng bá văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế”, Phương Thanh nói.

“Rối nước Đào Thục” là một tài khoản trên mạng xã hội được những nghệ nhân trong phường múa rối sử dụng để tiếp thị, chia sẻ thông tin, cung cấp lịch biểu diễn cho khán giả. Những dòng thông báo ngắn: “14h mùng 1 Tết, chương trình biểu diễn rối nước phục vụ khách quốc tế. Kính mời bà con đến xem!”, hay những câu nói vần vè: “Ngày mai múa rối Cổ Loa/ Các bác đi hội thì ra xem trò”... thường xuyên được thông tin tới mọi người. Đúng ngày đúng giờ, hình ảnh về buổi biểu diễn đầu năm mới trong không khí đông vui, rộn rã của phường múa rối Đào Thục đã được cập nhật. Dòng chia sẻ thể hiện sự tự hào: “Chúng tôi có mặt ở đâu thì ở đó có biển người”.

Không chỉ thông báo các chương trình biểu diễn, trên trang Facebook của phường múa rối Đào Thục còn kịp thời cập nhật thông tin cần thiết để du khách và bà con xa gần có thể biết.

Không ngừng đổi mới

Áp dụng công nghệ để làng nghề thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quảng bá văn hóa truyền thống, phát triển du lịch là cách mà người Đào Thục đang thực hiện rất tốt. Chị Ngô Phương Thúy, một hướng dẫn viên du lịch chia sẻ, nhiều khách du lịch quốc tế đến Hà Nội theo nhóm nhỏ, có khi chỉ một, hai người. Họ thường không đặt tour mà chủ động lên lịch đi xem múa rối kết hợp thăm thú ngoại thành Hà Nội. “Họ đến công ty tôi để hỏi thông tin về xe buýt, về làng múa rối nước Đào Thục, lịch biểu diễn, giá vé... Tôi giúp họ cập nhật thông tin qua trang Facebook của phường rối nước Đào Thục để họ chủ động thu xếp lịch trình”, chị Thúy cho biết. 

Theo ông Nguyễn Thế Nghị, Trưởng phường múa rối nước Đào Thục, hơn mười năm về trước, giống như nhiều phường rối nước khác ở Việt Nam, các nghệ nhân trong làng cũng gặp nhiều khó khăn. Thông thường, một năm, phường chỉ diễn vài lần nhân dịp hội làng hoặc Tết Nguyên đán, chủ yếu phục vụ bà con trong thôn và các vùng lân cận tới dự hội. Nhưng từ năm 2007, phường múa rối nước Đào Thục đã có sự đổi mới, trẻ hóa đội ngũ, tiếp cận công nghệ thông tin để quảng bá hình ảnh của nghệ thuật múa rối nước. Chính sách kết hợp bảo tồn văn hóa gắn với du lịch tạo động lực cho thế hệ trẻ đồng hành cùng những nghệ nhân lớn tuổi trong việc giữ gìn di sản mà cha ông để lại.

Anh Đinh Thanh Tiên, người làng Đào Thục là một trong những thành viên tích cực tham gia vào quá trình xây dựng website cũng như quảng bá nghệ thuật múa rối trên mạng xã hội như Facebook, YouTube. Anh đánh giá, nhờ Internet mà du khách trong nước và quốc tế quan tâm đến phường rối nhiều hơn. Trong đó, rất nhiều khách du lịch tự tìm tới phường rối chứ không cần thông qua các công ty lữ hành.

Công nghệ đã bù đắp khoảng trống về quảng bá dịch vụ mà nhiều làng nghề truyền thống đang gặp khó khăn. Chị Giáp Thị Kim Huế (khu đô thị Coma, Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Làng Đào Thục cách trung tâm thành phố không xa, giao thông thuận tiện, không gian biểu diễn rộng rãi, đáp ứng nhu cầu đi du lịch của những gia đình có con nhỏ như chúng tôi. Cùng với các chương trình múa rối thú vị, du khách còn cảm nhận được sự hồn hậu, thân thiện của các nghệ nhân và những người nông dân cùng không khí làng quê trong lành” .

Có thể thấy hiệu quả thu hút khách ở làng múa rối Đào Thục thông qua lượng khách tăng trưởng đều theo từng năm. Theo thống kê của phường múa rối Đào Thục, từ năm 2009 đến nay, trung bình mỗi tháng phường rối này thực hiện từ 25 đến 30 buổi diễn. Cao điểm có khi lượng khách tới đây lên tới 1.000 lượt/tháng, phần đông trong số đó là du khách nước ngoài. Phường cũng đã cải tạo không gian biểu diễn, xây dựng thủy đình khang trang, đầu tư hệ thống âm thanh... để phục vụ du khách tốt hơn.

Không chỉ biểu diễn tại làng, phường múa rối cũng nhận được những hợp đồng lưu diễn khắp các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài. Vào những dịp đầu năm hay ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6), Trung thu..., các nghệ nhân phường múa rối nước Đào Thục thường tới biểu diễn tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.  

Sự nhạy bén trong việc quảng bá thông tin trên mạng xã hội, qua Internet để thu hút khán giả của phường rối nước Đào Thục thực sự là cách làm hiệu quả, xứng đáng để nhiều làng nghề khác học tập, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển tại các làng nghề trong cuộc sống hiện đại hôm nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Rối nước Đào Thục: “Online” để thu hút khách