Hà Nội văn

Mùa hoa bồ kết

Nhất Mạt Hương 05/07/2025 - 06:23

Chị vẫn có thói quen gội đầu bồ kết dẫu bao năm xa quê và ở nơi này tìm mua loại quả dân dã ấy thật khó.

minh-hoa-2.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Ngày trước, cuối làng chị có một cây bồ kết cao vời vợi, xùm xòa cành lá và những cái gai dài nhọn hoắt quanh thân, quanh cành. Chẳng mấy ai dám bén mảng đến gốc cây này trừ khi những chùm quả đen già bắt đầu lủng lẳng như mời gọi, người ta mới mang những cái sào dài ra móc xuống. Quả bồ kết đen nhánh nhưng hoa bồ kết lại thơm, đẹp lạ lùng. Có lẽ chị cũng sẽ không chú ý đến loài hoa này nếu như nhà anh không ở ngay đó. Mùa hoa bồ kết năm đó, đứng dưới vòm cổng xao xác, chị ngơ ngác giữa mùi hương như xa như gần lại vô cùng huyễn hoặc. Chị hỏi: “Mùi hương hoa gì thế?”. Anh bảo: “Bí mật”. Và chị tự gọi nó là “hoa của trời”, vì từ trên cao rớt xuống, từng bông trắng ngà mềm mại như những cục bông. Chị nhặt mấy bông còn lành lặn về bày trên bàn học để nghe mùi hương thoang thoảng, anh cười ngất bảo, để anh ra hàng mua hoa hồng cho chị cắm, ai lại bày hoa đó. Kệ, hồng là hồng, “hoa của trời” lại mang vẻ đẹp khác.

Dạo đó, anh đang học đại học năm thứ nhất, chị mới vào cấp 3. Cuối tuần anh về quê và rủ chị sang nhà kèm học. Anh động viên chị, “chăm chỉ học, đỗ đại học rồi ra thủ đô vui lắm, tha hồ mà ngắm các loại hoa khoe sắc”. Chị nghe lời anh, ngày đêm ôn luyện. Nhưng không phải để được ra chốn phồn hoa đô hội mà chị mơ màng nghĩ đến cảnh được anh đưa dạo trên những con đường lãng mạn bốn mùa của Hà Nội, được ngồi bên bờ hồ Tây lộng gió, được ăn kem Tràng Tiền... Mùa hè thì nhâm nhi cốc nước sấu hay me dầm bên vỉa hè, ngó nhìn dòng người xuôi ngược. Anh bảo sẽ đưa chị thưởng thức đủ khí vị Hà thành. Mỗi tuần về anh lại mua quà cho chị. Khi gói cốm, lúc mấy cái bánh mì hay ít hoa quả đóng gói cẩn thận. Chị mong ngóng từ lúc anh lên xe đến mỗi cuối tuần.

Mùa hè năm ấy, anh được nghỉ sớm hơn chị. Cách mấy hôm chị lại sang nhà anh miệt mài học và làm đề. Bố mẹ hai nhà biết nhau, ngấm ngầm ủng hộ đôi trẻ. Chắc các cụ cũng mong đến ngày tình cảm này đơm hoa kết trái. Không có lý do gì để không ủng hộ vì anh vừa học giỏi vừa năng động, là một trong những sinh viên hiếm hoi của làng. Chị thì xinh xắn, ngoan ngoãn. Hai đứa dìu dắt, hỗ trợ nhau học để sau này cùng đỗ đạt thì tốt quá, còn mong gì hơn.

Không nói ra nhưng chị coi anh như điểm tựa, như cái cây vững vàng, ấm áp cho chị ngả vào để mở rộng tầm mắt và nghe gió hát trên cao.

Mùa hè năm đó như cổ tích. Chị quẩn quanh, đắm chìm trong sách vở, đề thi và những câu chuyện thú vị. Giọng anh ấm áp, tự tin, hài hước, cả khi giảng bài lẫn khi kể chuyện. Có một bầu trời nhỏ bừng lên làm mắt chị lấp lánh. Tối tối, tiễn chị ra đến cổng, cả hai đứng lại một lúc lâu, anh bảo tóc chị thơm quá. Thơm nồng nàn và mê mị, khác hẳn mùi thơm hào nhoáng công nghiệp đầy rẫy ngoài phố thị. Chị ngạc nhiên nhưng cũng tin vào điều đó. Vì nồi nước gội đầu của chị bao giờ cũng đủ đầy các loại lá thơm nức mũi và những quả bồ kết nướng, bẻ nhỏ. Chị yêu mái tóc suôn mềm óng mượt và càng yêu hơn khi anh hít hà và nâng niu nó. Anh bảo đợt này tóc chị vừa thơm vừa sóng sánh như suối hương. “Có phải vì được ướp thêm hương hoa của loài cây đang nở rộ? Sau này có ra thủ đô em cũng giữ mái tóc này và đừng gội bằng dầu gội nhé”. Chị khẽ gật đầu, mắt sáng lên kiên định. Anh vén một lọn tóc lòa xòa sang bên tai, đặt lên đó một nụ hôn nhẹ. Chị nghe ấm cả vành tai nhỏ và những dịu ngọt lan tỏa tận trong tim.

Vèo cái, mùa hè cổ tích trôi qua. Anh trở lại trường, chị cũng vào năm học mới. Guồng quay học hành, công việc dày lên. Anh còn đi làm thêm rồi thực tập, số lần về quê ít dần rồi vợi hẳn. Mỗi lần về, anh mang thêm sách và đề cho chị, bẹo má bảo cố gắng lên, chăm chỉ để đạt mục tiêu nhé. Những buổi kèm học cũng nhanh hơn và anh không nhìn mắt chị đăm đắm như ngày nào.

Mùa hè năm sau anh càng ở nhà ít hơn. Tóc chị vẫn thơm nhưng anh không còn hít hà hay vùi mặt vào dòng suối mát mềm, huyễn hoặc. Chị vẫn cần mẫn ôn luyện nhưng mắt thoáng buồn xao xác. Có cậu bạn cùng lớp học giỏi hay lóc cóc đạp xe theo chị mỗi buổi tan trường, không biết ngẩn ngơ trước mái tóc hay dáng vẻ kiều mị phía trước mà có lần lao cả xuống mương. Nhưng chị không để ý. Trong mắt chị chỉ có anh và những lời động viên, thúc giục.

Anh vẫn hẹn chị ngày ra thủ đô nhập học để anh đưa đi khắp các con đường đã ấp ủ ở trong lòng chị bấy lâu.

Những con chữ nhảy múa trước mắt chị cùng những chiếc lá me, lá sấu và sóng nước hồ Tây, tháp rùa nâu trầm cổ kính. Cả bóng dáng anh trầm ổn cuối con đường.

Thế rồi, ngày chị có kết quả đỗ đại học cũng là ngày anh có giấy báo trúng tuyển du học nước ngoài. Chị hồi hộp đợi quyết định của anh. Chiều hôm đó, anh đạp xe đưa chị ra thăm trường mới rồi vòng vèo những con đường mùa hạ rộn tiếng ve. Nắng tháng 7 bỏng rát như thế mà chị bỗng thấy lạnh và hẫng hụt khi anh thầm thì: “Đợi anh đi học nước ngoài mấy năm nhé. Rồi anh sẽ về và mình tha hồ tung tăng khắp nơi”. Chị nín lặng, mắt mờ đi, que kem cốm Tràng Tiền chảy thành những vệt dài đến khi tan hẳn. Anh ngồi bên chị đến chiều muộn, gió hồ Tây lồng lộng thổi tung mái tóc dài thành những vòng xoáy hỗn độn như lòng chị. Anh áp má vào những lọn tóc rối, thủ thỉ, “anh sẽ nhớ mùi hương và mái tóc này thật nhiều”, dù hôm đó tóc chị đã qua cả ngày dài gió bụi. Chị thẫn thờ, không biết anh có nhớ mùi hương “hoa của trời” quyện vào mái tóc. Cũng đang mùa hoa.

Buổi tối hôm liên hoan để anh đi du học, lúc về, anh đứng bên chị thật lâu dưới tán cây. Hơi thở anh thật gần, đượm mùi hương nao nức. Anh hỏi, em đã biết tên hoa chưa? Là hoa bồ kết đấy. Chị mở to mắt ngạc nhiên tự nhủ, hoa và quả đều thật hợp với tóc. “Gội đầu bồ kết và đợi anh về nhé”. Lời anh như gió thoảng nhưng chị đã ghi khắc trong tim. Trên vòm lá cao, có bông hoa nào vừa nứt, rụng xuống ngay bên chân chị như chứng kiến lời hẹn của hai người.

Bốn năm đại học, chị cần mẫn về quê mang bồ kết và lá ra ký túc xá đun nước gội đầu, mặc cho bạn cùng phòng kêu lích kích. Chị lao đầu vào học, ít đi chơi dù rất nhiều hội nhóm rủ. Chị đợi anh về để cùng đi. Anh viết thư, gửi e-mail, thỉnh thoảng gọi điện kể về nơi anh đang học tập, sinh sống. Một chân trời mới ngập tràn khoáng đạt. Chị lại thấy Hà Nội nhỏ bé, đơn sơ. Anh bảo, sau này nhất định sẽ đưa chị sang đây du lịch, sẽ dẫn chị đến những danh lam nổi tiếng, cả những trang trại vùng quê đẹp như cổ tích, để thấy các nước phát triển đáng sống như thế nào.

Những năm du học anh chỉ về nước một lần duy nhất vào dịp hè. Anh đưa chị đi chơi một ngày ở Hà Nội nhưng không có thời gian để lang thang những con đường rợp mát hay ngồi góc vỉa hè ngắm nắng gió lao xao. Mà là chạy sô với những cuộc gặp gỡ, những cuộc hẹn của công việc và kết nối. Anh cũng chỉ về quê chớp nhoáng rồi lại đi ngay.

Ngày ra trường, chị quyết định ở lại Hà Nội đợi anh. Anh lấn cấn giữa quyết định về nước và ở lại. Anh bảo cho anh thêm thời gian.

Lại là chuỗi ngày chờ đợi.

Một năm sau, anh lấy vợ và ở lại nước ngoài. Tin đó chị biết khi về quê. Mẹ chị kể, anh tổ chức ở bên đó, chỉ về quê báo hỷ thôi. Chị gọi điện cho anh. Đầu dây bên kia vẻn vẹn mấy từ: “Anh xin lỗi!”.

Chị đạp xe như điên ra bờ sông. Ráng chiều đỏ ối như chạy thi cùng chị. Gió thổi xốc những đám lá khô lạo xạo như đùa trêu, giễu cợt. Chị ngồi bên bờ đê đến khi bóng tối ôm trọn bờ vai gầy guộc như hóa đá. Mái tóc dài xổ tung phủ trọn tấm lưng. Sương xuống ngày một dày, có tiếng ai như tiếng mẹ gọi hòa trong gió. Chị đứng dậy ra về, qua nhà anh, bước chân bỗng khựng lại, mùi hương gì lan trong gió, quấn lấy chị, mơn man, vỗ về. Tim chị thắt lại. Là hương hoa bồ kết, lại đã đến mùa tự bao giờ.

Sau này chị ở lại Hà Nội, rồi lấy chồng, sinh con. Vẫn giữ thói quen gội đầu bồ kết nhưng chị chưa từng gặp lại anh và cũng chưa từng về quê vào mùa hoa ấy. Không biết cây bồ kết già có còn đứng ở góc cổng ngày nào, thả từng nắm bông tròn trong gió, rắc lên mặt đất những tia nắng lặng thầm, ngơ ngác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mùa hoa bồ kết