Độc lạ

Thêm điểm nhấn cho “bản đồ nghệ thuật” phố cổ

Nguyễn Kim 20/04/2024 - 18:52

Từ câu chuyện Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung thời nhà Mạc mang nghề đóng giày từ Trung Quốc về dạy lại cho dân làng Trúc Lâm (nay thuộc quận Hoàn Kiếm), nhóm họa sĩ trẻ quyết định kể câu chuyện thú vị này bằng tác phẩm hội họa qua triển lãm "Chuyện đình trong phố: Câu chuyện da giầy".

Mỗi họa sĩ có cách tiếp cận lịch sử khác nhau nhưng tựu trung đều muốn tôn vinh những giá trị thuở xưa ở nơi đình thiêng cổ kính.

pho-1.jpg
Khai mạc triển lãm "Chuyện đình trong phố: Câu chuyện da giầy".

Ứng tác với câu chuyện lịch sử

Từ trước đến nay, phố cổ luôn là không gian nhộn nhịp. Tuy nhiên, đó không chỉ là nơi tập trung mua bán mà còn là không gian giàu bản sắc văn hóa. Chính vì thế, vừa qua, việc tổ chức triển lãm tại đình Phả Trúc Lâm đã gây sự chú ý của nhiều người. Triển lãm giúp người xem hiểu thêm về giá trị lịch sử của khu phố cổ cũng như trách nhiệm nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của mỗi người.

Triển lãm "Chuyện đình trong phố: Câu chuyện da giầy" quy tụ các tác phẩm mới nhất của nhiều họa sĩ với chất liệu đa dạng. Trong đó, đáng chú ý là các tác phẩm mỹ thuật màu nước trên giấy dó truyền thống kết hợp với đèn led hiện đại, gợi lại ký ức xa xưa khi cách làm những đôi hài, đôi hia bằng da bắt đầu được truyền dạy cho dân làng Trúc Lâm. Các tác phẩm đều thể hiện sự hài hòa với không gian đình, mang tới vẻ tươi mới, thú vị cho địa điểm văn hóa này.

Tại triển lãm, người xem chú ý nhiều đến những đôi hài được cách điệu trong các tác phẩm của họa sĩ Vũ Xuân Đông và Phạm Hùng Anh. Chúng như thể hòa quyện, đối thoại với nhau trong không gian ngôi đình, góp phần tô điểm cho ngôi đình cổ, cất lời ngợi ca công đức của những người thầy đã mang lại cho dân chúng một nghề quý giá, góp phần tạo nên sức sống cho làng nghề, phố nghề Thăng Long.

Bên tác phẩm “Dạo bước nhân gian” của mình, họa sĩ Nguyễn Cẩm Nhung cho biết, tác phẩm họa những đôi hài, đôi giày của người Việt từ nhiều thế kỷ trước. Tuy giờ đây những đôi hài ấy không còn xuất hiện trong đời sống thường nhật nhưng theo chị, tất cả vẫn đóng một vai trò vô cùng quan trọng làm nên vẻ giàu có của văn hóa dân tộc mà các thế hệ tiếp nối phải có trách nhiệm gìn giữ.

Họa sĩ Phương Linh mang đến triển lãm 2 tác phẩm bằng phấn trên giấy điệp, họa đôi hài nữ với cảm hứng từ đôi hài mũi nhọn mà các bà, các mẹ ngày xưa thường dùng khi ra chợ.

“Hình tượng khơi gợi sự thân thương, gần gũi vì giày dép luôn là vật dụng thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày. Đôi giày trong xã hội phong kiến còn phản ánh cấp bậc, vị trí của một người. Với các tác phẩm của mình, tôi muốn đưa công chúng về với thời xa xưa, với nét văn hóa hết sức độc đáo của người phụ nữ Việt Nam. Thông điệp là, dù xã hội có phát triển đến đâu thì bản sắc văn hóa truyền thống vẫn cần được gìn giữ, phát huy” - nữ họa sĩ cho biết.

Đặc sắc và lôi cuốn, họa sĩ Vũ Xuân Đông mang đến bộ 5 tranh giấy dó với cảm xúc về những công đoạn làm giày, hài của người xưa. Tác phẩm khơi gợi ký ức về các công đoạn làm nghề, từ khâu chọn vải, đóng đế, ép khuôn, thêu hoa văn... đến cảnh thôn nữ, vương phi... ướm thử đôi hài mới để dự hội. Ngoài ra, bộ 2 tác phẩm khác của anh mô phỏng dáng hình của những chiếc hài cổ, có cách điệu nhằm tôn vinh vẻ đẹp sáng tạo của những nghệ nhân làm giày, hài xưa kia.

Là người tâm huyết với dự án tôn vinh di sản tại phố cổ Hà Nội, đồng thời là giám tuyển của triển lãm, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn khẳng định, tại triển lãm này, nhóm họa sĩ trẻ đã đối thoại và ứng tác với không gian và câu chuyện lịch sử của ngôi đình theo một cách độc đáo. Từ những đôi hài, đôi hia bằng da học từ quy trình đóng giày cho các quan võ ở Trung Quốc, kỹ thuật thuộc da, đóng giày được tiếp thu bởi các nghệ nhân Việt đã dần hoàn thiện và đi vào đời sống, đặc biệt nở rộ trong quá trình giao thoa với văn hóa phương Tây vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

pho-2.jpg
Triển lãm “Chuyện đình trong phố: Câu chuyện da giầy" thu hút nhiều khách tham quan.

Vẻ đẹp truyền thống trong đô thị hiện đại

Triển lãm "Chuyện đình trong phố: Câu chuyện da giầy" thể hiện một sắc thái riêng, độc đáo trong chiều dài dự án “Đình làng trong phố” do quận Hoàn Kiếm và giám tuyển Nguyễn Thế Sơn khởi xướng, triển khai suốt mấy năm qua. Trong một không gian tâm linh cổ kính, các tác phẩm thể hiện sự tương tác nhuần nhuyễn với không gian ấy, gợi cảm hứng về vẻ đẹp từ sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Có thể thấy ở triển lãm này là sự phong phú về mảng miếng, chất liệu, có tranh lụa, giấy dó, sơn dầu, sơn mài, có phù điêu gò đồng, tranh khắc đồ họa truyền thống, ảnh nghệ thuật và tác phẩm sắp đặt với các loại đèn nghệ thuật.

Theo Tiến sĩ, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế (Đại học Quốc gia Hà Nội), tại triển lãm này, các họa sĩ trẻ đã mang đến câu chuyện da giày - một vật dụng rất quen thuộc và gần gũi với người Việt Nam.

“Phố cổ Hà Nội có bề dày văn hóa lịch sử. Thông qua da giày, các họa sĩ đã mang đến một câu chuyện sinh động, có hình ảnh, dễ mường tượng để đưa công chúng về với ký ức xa xưa. Qua đó, chúng ta một lần nữa có dịp được tri ân các bậc tổ tiên đã truyền nghề để các thế hệ hôm nay tiếp tục gìn giữ, phát huy. Câu chuyện da giày khép lại nhưng đã mở ra những không gian văn hóa khác, thú vị, độc đáo không kém. Có thể nói, đây là triển lãm mở đầu, khơi nguồn cho những ý tưởng sáng tạo mới mẻ của nhóm họa sĩ trẻ cũng như các họa sĩ khác” - Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế nhấn mạnh.

Vui mừng với lượng khán giả đông đảo tham gia triển lãm "Chuyện đình trong phố: Câu chuyện da giầy", giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cho rằng, triển lãm là cơ hội tốt để quảng bá những điểm đến văn hóa lịch sử của Thủ đô, làm sinh động hơn các hoạt động tham quan du lịch tại Hà Nội. Đồng thời, đây là một dịp giới thiệu tới đông đảo người dân về lịch sử của đình Phả Trúc Lâm: - nơi thờ các vị tổ của nghề da giày: Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung và ba vị khác là Phạm Thuần Chánh, Phạm Đức Chính và Nguyễn Sĩ Bân. Rồi đây, cùng với đình Hà Vỹ, đình Tú Thị, đình Trung Yên, đình Yên Thái, đình Nam Hương quen thuộc, đình Phả Trúc Lâm sẽ góp thêm vào “bản đồ nghệ thuật” phố cổ, gắn kết với những không gian văn hóa nghệ thuật nổi tiếng trước đó như Hội quán Quảng Đông, Không gian nghệ thuật công cộng Phùng Hưng, Không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân hay sắp tới là Hội quán Phúc Kiến để góp phần phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống đô thị hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm điểm nhấn cho “bản đồ nghệ thuật” phố cổ