Xưa và nay

Chùa Cầu Đông

Thủy Hương 16/03/2024 - 16:36

Chùa Cầu Đông (Đông Môn tự) tọa lạc tại số 38B phố Hàng Đường (phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), xưa thuộc đất làng Đông Hoa Môn, thuộc tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương, thành Thăng Long.

Tương truyền, chùa được khởi dựng vào thời Lý và đã trải qua nhiều lần trùng tu từ thế kỷ XVII - XIX.

cau-dong.jpg

Sở dĩ chùa có tên Cầu Đông là bởi nhiều thế kỷ trước, gần khu vực này có một cây cầu bằng đá bắc qua sông Tô Lịch nối Hà Khẩu với các con phố và cửa phía đông của thành Thăng Long. Đồng thời, gần đó cũng có một khu chợ tên là chợ Cầu Đông. Vì thế, chùa được đặt tên là Cầu Đông.

Chùa Cầu Đông xưa có khuôn viên rộng rãi. Trong tấm văn bia “Đông Môn tự” khắc năm Dương Hòa thứ 5 (1639) có đoạn miêu tả như sau: “Chùa Đông Môn đẹp như cảnh tiên, dải sông Nhị phô bày trước mắt...”. Đến thế kỷ XIX, khuôn viên chùa bị thu hẹp do thực dân Pháp lấp sông, mở đường; chùa được xây dựng lại theo phong cách đặc trưng của kiến trúc thời Nguyễn.

Tam quan chùa khá đồ sộ, gồm 2 tầng 8 mái, bên trên là gác chuông. Tòa tam bảo được thiết kế theo hình chữ “Công”, gồm 5 gian tiền đường và 3 gian ống muống nối với thượng điện thờ Phật rộng 3 gian. Phía sau là sân rồi đến nhà Mẫu, nhà Tổ, nhà tăng. Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có đình Đức Môn - nơi thờ vị tướng Ngô Văn Long thời Văn Lang, và một đài tưởng niệm liệt sĩ.

Trong chùa Cầu Đông hiện còn nhiều di vật có giá trị: Quả chuông đồng - “Đông Môn tự chung” đúc năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) thời Tây Sơn; 60 pho tượng tròn, trong đó có 3 pho tượng Tam thế được tạo tác vào thế kỷ XVIII, cùng nhiều mảng chạm trang trí có giá trị nghệ thuật cao.

Đặc biệt, trong hậu cung có 2 pho tượng thờ là tượng Thái sư Trần Thủ Độ và phu nhân Trần Thị Dung - người được phong là Linh Từ Quốc mẫu. Họ là những người có công lớn với triều Trần, và bà Trần Thị Dung là người đã đứng ra tu sửa chùa Cầu Đông. Hai pho tượng được chạm khắc trong tư thế tọa sen, thể hiện thái độ quy Phật. Chùa Cầu Đông là nơi duy nhất tại Hà Nội thờ Thái sư Trần Thủ Độ và Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung.

Bên cạnh những giá trị về văn hóa - lịch sử, chùa Cầu Đông còn là một di tích cách mạng. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đây là nơi che giấu cán bộ Việt Minh. Hiện nay, dưới ban thờ Mẫu của chùa vẫn còn dấu tích cửa hầm bí mật. Với những giá trị đó, năm 1989, chùa Cầu Đông và đình Đức Môn đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chùa Cầu Đông