Di sản

Linh Thông tự - ngôi chùa cổ trên núi

Thủy Hương 23/11/2023 - 17:31

Chùa Linh Thông (tên chữ: Linh Thông tự) nằm trên đỉnh núi Phượng Hoàng hay núi Ninh, vì thế còn được biết đến với tên khác là chùa Cao Ninh, thuộc địa bàn thôn Ninh Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).

chua-co.jpg

Theo tư liệu lịch sử, chùa Linh Thông được khởi dựng vào khoảng cuối thế kỷ XI, ban đầu chỉ là một am tranh nhỏ - nơi thiền sư Ngộ Ấn, đời thứ 8 của thiền phái Vô Ngôn Thông tu hành. Vào năm thứ 23 niên hiệu Cảnh Thịnh triều đại Hậu Lê (1763), do chùa bị xuống cấp trầm trọng, nhân dân địa phương đã thỉnh thiền sư Tính Tuệ (trụ trì chùa Ngũ Phúc) về Linh Thông tự trụ trì và trùng tu lại ngôi chùa trên nền kiến trúc cũ. Đến năm thứ 24 thời vua Tự Đức triều Nguyễn (1824), thiền sư Tâm Huy làm bậc thang bằng đá từ dưới chân núi dẫn lên chùa để việc đi lại dễ dàng hơn. Trải qua nhiều thế kỷ, đến nay, chùa Linh Thông đã được trùng tu khang trang, rộng rãi hơn.

Chùa Linh Thông nằm trên đỉnh núi Phượng Hoàng, được bao bọc bởi nhiều cây cối xanh mát. Từ trên đỉnh núi nhìn xuống là toàn bộ thị trấn Chúc Sơn và những cánh đồng trải rộng. Phong thủy chùa mang nhiều yếu tố linh thiêng, với thanh long là dòng sông Đáy ở bên trái, bạch hổ là dãy núi So Sở nằm bên phải, phía trước có minh đường là núi Hỏa Tinh, đằng sau có hậu chẩm là núi Tử Trầm làm chỗ dựa.

Để lên được chùa Linh Thông, du khách phải leo hàng trăm bậc đá mới tới hai phương đình và tượng Quan Thế âm Bồ tát bằng đá đứng trên bục cao. Sau đó là một khoảng sân rộng dẫn đến thềm rồng đá của tiền đường. Hai bên là vườn tháp mộ. Linh Thông tự mang lối kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc”, gồm các công trình chính được dựng bằng gỗ lim, tường xây bằng gạch Bát Tràng. Nằm ở vị trí trung tâm là Đại Hùng Bảo điện có diện tích lớn nhất; phía trước là tòa tam bảo hai tầng tám mái, gồm tiền đường rộng 5 gian, thiêu hương 3 gian và hậu cung 3 gian. Đây là nơi thờ tam thế Phật, đức Thánh Hiền, Thập Bát Long thần và Đức thánh Văn Xương Đế Quân.

Tiếp đó là một khoảng sân nhỏ dẫn đến pho tượng Quan Thế âm Bồ tát đứng trên hiên nhà tổ. Chạy dọc theo hai bên tam bảo là hai dãy nhà khách. Phía sau nhà tổ rộng 7 gian 2 dĩ là khu thờ Mẫu và nhà tăng. Trải qua hơn mười thế kỷ, đến nay, chùa Linh Thông không còn nhiều hiện vật cổ ngoài một quả chuông nặng 1,5 tấn.

Mặc dù sở hữu nhiều giá trị văn hóa, lịch sử nhưng chùa Linh Thông hiện vẫn chưa được xếp hạng. Việc sớm xếp hạng để bảo vệ di tích theo quy định là điều mong mỏi của nhà chùa, người dân địa phương và các Phật tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Linh Thông tự - ngôi chùa cổ trên núi