“Sắc Son” - hơi thở đương đại trong di sản sơn ta
Một ngày giữa tháng 5 lịch sử, triển lãm “Sắc Son” được khai mạc tại đình Hà Vĩ (11 Hàng Hòm, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nơi thờ tổ nghề sơn Trần Lư.
Triển lãm nhanh chóng trở thành một điểm đến nghệ thuật đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025) và sẽ kéo dài đến hết ngày 16-8-2025. Không gian thiêng liêng, cổ kính của ngôi đình cộng hưởng với vẻ đẹp đặc sắc của sơn mài truyền thống Việt Nam đã tạo nên một cuộc trình diễn nghệ thuật đầy cảm hứng.

Giá trị truyền thống trong hình hài mới
Từ bao đời nay, sơn ta đã hiện diện như một di sản quý báu trong mỹ thuật truyền thống Việt Nam. Không chỉ gắn liền với các sản phẩm thủ công, tượng thờ hay những tác phẩm sơn thếp trong hoàng cung, sơn ta còn là chất liệu cốt lõi tạo nên bản sắc của hội họa sơn mài Việt. Giữa dòng chảy đổi mới của nghệ thuật đương đại, sơn ta vẫn tiếp tục được kế thừa, sáng tạo, và được các nghệ sĩ nhiều lứa tuổi, phong cách tìm về như một cách gắn kết với cội nguồn.
Triển lãm “Sắc Son” quy tụ 10 gương mặt nghệ sĩ, sinh viên mỹ thuật kể trên là một ví dụ thể hiện rõ nét tinh thần tìm tòi, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại trong đời sống nghệ thuật hôm nay. Đình Hà Vĩ cũng là không gian cộng hưởng đặc biệt khi nơi đây chính là nơi thờ ông tổ nghề sơn Trần Lư, gợi nhắc lịch sử hàng trăm năm khi người dân làng Hà Vĩ, Hà Tây lên Thăng Long lập nghiệp làm nghề đồ gỗ phủ sơn ta.
Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn nhấn mạnh: “Triển lãm “Sắc Son” lấy cảm hứng từ màu son đỏ trong sơn mài truyền thống của Việt Nam. Màu son đỏ cũng được chia ra làm 4 sắc thái là Trai, Tươi, Thắm, Nhì được sử dụng biến hóa khi kết hợp các sắc độ tạo nên một bảng màu đa sắc trong tranh sơn mài truyền thống Việt Nam”.
Hình thức thể hiện phong phú, từ tranh đến tượng, từ sắp đặt đến tĩnh vật, đã cho thấy một thế hệ nghệ sĩ mới dấn thân với sơn ta không chỉ bằng kỹ thuật mà bằng cả tinh thần đổi mới, sáng tạo trên nền tảng truyền thống.
Có thể dễ dàng nhận thấy màu son thắm trong các tác phẩm của họa sĩ Bùi Kim Hiền, Lại Minh Huyên... Bên cạnh đó, sắc son còn ẩn hiện trong những tác phẩm hội họa giàu tính thử nghiệm như sắp đặt ánh sáng của họa sĩ Vũ Xuân Đông với những đám mây đèn lồng tương tác cùng không gian đình Hà Vĩ, hay kết hợp màu son trong sơn mài truyền thống với chất liệu công nghiệp như inox của họa sĩ Lolo Zazar, rồi thử nghiệm nhiếp ảnh với sơn mài của họa sĩ giám tuyển Nguyễn Thế Sơn...
Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong triển lãm là tác phẩm tượng sơn ta “Bác Hồ ngồi đọc báo Nhân Dân” - một sáng tạo độc đáo, thu nhỏ từ nguyên mẫu tượng đồng nổi tiếng do nhóm nghệ sĩ Vũ Xuân Đông, nhà điêu khắc Vũ Công Thiện và Đinh Văn Trọng thực hiện trước đây tại Phòng truyền thống của Báo Nhân Dân. Phiên bản lần này được khoác lên “tấm áo mới” với chất liệu và kỹ thuật sơn ta truyền thống: Thếp vàng, thếp bạc và phủ son, tạo nên một cảm xúc đặc biệt - ấm áp, gần gũi mà vẫn tôn nghiêm. Tác phẩm được hoàn thiện trong vòng một tháng, kịp góp mặt vào dịp đặc biệt nhân sinh nhật lần thứ 135 của Người.
Quả thực, sơn mài không đóng khung trong khuôn mẫu, mà ngày càng tiệm cận với hơi thở đương đại, vừa kế thừa truyền thống vừa trẻ trung, đa dạng và gần gũi hơn với đời sống hiện nay.
Sáng tạo họa cụ - tôn vinh bàn tay lao động

Không chỉ dừng lại ở việc trưng bày tác phẩm, triển lãm “Sắc Son” năm nay còn dành một không gian đặc biệt để giới thiệu bộ đồ nghề truyền thống của nghề sơn ta. Tất cả được sắp đặt như một phần mở rộng của tác phẩm nghệ thuật, nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của lao động thủ công tỉ mỉ, bền bỉ trong hành trình sáng tạo.
Trưng bày trong triển lãm có 2 cây sơn ta được nghệ sĩ Ngô Thành Bắc trồng ngay tại sân đình cùng với hệ dụng cụ (đồ nghề chuyên dụng để vẽ tranh và làm đồ sơn mài) của họa sĩ Trương Hoàng Hải. Tất cả đã biến không gian triển lãm thành “bảo tàng” nghề sơn thu nhỏ giúp người xem phần nào hình dung toàn bộ quy trình của nghề sơn ta, cũng như thấy được khả năng ứng dụng phong phú của nghệ thuật sơn ta trong thực tế đời sống.
Trò chuyện với Hànộimới Cuối tuần, họa sĩ Trương Hoàng Hải cho biết, tại Việt Nam, lâu nay, các họa cụ, nguyên liệu sử dụng sơn ta trong sơn mài đều ở dạng thô, chưa đạt đến độ chuyên nghiệp. Nhiều khi nghệ sĩ phải đi rất xa mới mua được họa cụ, chưa kể còn phải xử lý thêm nhiều công đoạn mới có thể sử dụng. Nói riêng một việc đơn giản như sơn ta (nhựa cây sơn ta) thường chỉ được bán theo lạng dạng thô, để trong túi nilon, rất dễ hỏng nên phải bảo quản kỹ và không thể dùng lâu. Từ thực tế đó, Trương Hoàng Hải đã tìm hiểu, hoàn thiện một số nguyên liệu, họa cụ quan trọng, mở một cửa hàng họa cụ sơn mài dành cho các sinh viên, nghệ sĩ trẻ.
Họa sĩ Trương Hoàng Hải cũng chia sẻ thêm, chỉ nói riêng việc xử lý, đưa sơn ta vào từng tuýp nhôm theo 3 loại: Sơn sống (mủ nhựa sống), sơn chín gồm hai loại cánh gián (nâu), then (ngả đen), đã giúp cho nhiều người vận chuyển thuận tiện khi mang đi nước ngoài để sáng tác.
Quả thật, bộ họa cụ của Trương Hoàng Hải trưng bày tại triển lãm đã cho công chúng và người trong nghề một lần nữa tìm hiểu, nhìn lại tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo ngay trong hoạt động “bếp núc”, nhằm hướng tới chuyên nghiệp hóa sáng tác nghệ thuật. Dễ thấy những mo, thép, sơn, thếp vốn quen thuộc với người nghệ sĩ, nay được cung cấp một cách tiện dụng, thuận lợi, chất lượng, bao bì đẹp mắt cho sinh viên, nghệ sĩ trẻ - lực lượng quan trọng cho nghệ thuật sơn mài nói riêng thời gian tới.
Câu chuyện hoàn thiện họa cụ, xử lý nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sáng tạo cho thấy nghệ sĩ muốn đi theo ngành sơn mài không chỉ có kỹ năng sáng tác bình thường mà còn phải có thêm kỹ năng xử lý họa cụ. Quy trình làm nên một tác phẩm sơn ta là sự kết hợp giữa kỹ thuật nghiêm ngặt và cảm xúc nghệ sĩ. Không có sáng tạo nào với sơn ta là ngẫu hứng - tất cả đều được xây dựng từ quá trình kiểm soát vật liệu, thấu hiểu khí hậu và chăm chút sản phẩm bằng trực giác nghề nghiệp.
Các sản phẩm của Trương Hoàng Hải và cộng sự với thương hiệu “Họa phẩm sơn mài HD” được bán trên shopee, trên facebook đã mở ra hướng sáng tạo thiết thực trên con đường chuyên nghiệp hóa hoạt động nghệ thuật ở nước ta. Rõ ràng dư địa cho sáng tạo có thể nằm trong rất nhiều khâu của hoạt động nghệ thuật. Và quá trình khôi phục nghề thủ công truyền thống nhằm giúp giới trẻ hiểu hơn về nghề cổ cha ông, không chỉ ở việc trưng bày triển lãm các tác phẩm mà còn trong việc phổ biến về quy trình sản xuất, gìn giữ và phát huy di sản làm nghề quý giá của người đi trước.
Triển lãm “Sắc Son” với tác phẩm đa dạng của 10 nghệ sĩ nhiều lứa tuổi, nhiều phong cách không chỉ là dịp để công chúng thưởng lãm vẻ đẹp của sơn ta - một chất liệu gắn với lịch sử mỹ thuật Việt Nam - mà còn là nơi những người làm nghề nhắn gửi niềm tin vào tương lai của sơn mài truyền thống.