Ngọc Quán tự
Ngọc Quán tự (tên nôm là chùa Cót) tọa lạc tại số 188 phố Yên Hòa (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Tương truyền, chùa được xây dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVII, dưới thời vua Lê Thần Tông (1607 - 1662).
Dấu tích cổ xưa nhất còn lưu lại là tấm bia đá khắc năm Dương Hòa thứ 8 (1642), ghi chép việc trùng tu chùa và mua ruộng cúng hậu.

Cái tên “chùa Cót” gợi cho người ta nhớ đến làng Hạ Yên Quyết - nổi tiếng với nghề làm giấy truyền thống. Lịch sử hành chính của vùng đất này cũng phản ánh rõ nét sự mở rộng và phát triển của Thủ đô Hà Nội, từ phủ Quốc Oai thời Nguyễn đến huyện Từ Liêm và nay là phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy).
Ngọc Quán tự mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn, từng xuống cấp nghiêm trọng sau thời kỳ chiến tranh phá hoại miền Bắc. Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ XX, công cuộc trùng tu quy mô đã mang lại diện mạo khang trang cho công trình nhưng vẫn giữ được hồn cốt xưa với gần trăm gian nhà gỗ dựng theo lối truyền thống. Tổng thể kiến trúc bao gồm chùa chính theo kiểu “nội công ngoại quốc”, cùng tháp Phật nhiều tầng và ba hồ nước ở ba mặt, tạo nên cảnh quan thiên nhiên hài hòa giữa lòng đô thị.
Điểm đặc biệt của chùa là hệ thống hồ nước, bao gồm hồ tròn ở cổng phụ dưới tán cây cổ thụ, hồ vuông phía trước chùa nhìn ra cầu đá có đôi rồng chầu, và hồ vuông thứ ba nằm trước ngọn bảo tháp. Không gian nội tự được bố trí theo kiểu chữ “Nhị” và “chuôi vồ”, với tam quan đồ sộ có gác chuông, tiền đường 7 gian 2 dĩ nối liền nhà thiêu hương 5 gian, hành lang dài, tòa phương đình với bia đá lớn trên lưng rùa, hai tòa nhà trung đường và hậu cung xếp thành hình chữ “nhị”... tạo nên một quần thể kiến trúc cổ quy mô và hài hòa.
Chùa không chỉ thờ Phật mà còn thờ Mẫu, các vị Tổ và hậu Phật. Các pho tượng, khám thờ trong điện Mẫu cùng các hiện vật như hoành phi, câu đối, chuông đồng, khánh đồng, bia đá cổ... đều được bảo tồn và phục dựng cẩn trọng. Đặc biệt, tấm bia Dương Hòa 1642 và chuông đồng Cảnh Thịnh 1800 là những bảo vật quý, phản ánh sinh hoạt tín ngưỡng và mỹ thuật thời kỳ phong kiến.
Không chỉ là không gian văn hóa - tôn giáo, Ngọc Quán tự còn là một di tích cách mạng. Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, chùa là nơi diễn ra cuộc mít tinh chào mừng chính quyền mới. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa trở thành cơ sở hậu cần quan trọng phục vụ bộ đội ở tuyến Cầu Giấy - Kim Mã và từng bị địch đốt phá để trả thù. Đặc biệt, tháng 12-1972, Ngọc Quán tự được chọn làm Sở chỉ huy chiến dịch phòng không tiêu diệt B-52 trong trận "Điện Biên Phủ trên không".
Với những giá trị nổi bật, năm 1994, Ngọc Quán tự được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.