Chương trình diễn ra với nhiều hoạt động thú vị, hấp dẫn, được đông đảo nhân dân và du khách hưởng ứng; đồng thời là dịp giới thiệu đến các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan, tổ chức quốc tế, người nước ngoài đang sống và làm việc tại Hà Nội một điểm đến đặc sắc ở ngoại thành Hà Nội.
Đầm ấm không gian Tết xưa
Ngay khi đặt chân đến cổng làng Mông Phụ, du khách đã trầm trồ trước những vườn hoa cúc vàng, những cành đào rực rỡ sắc xuân được trang trí trên khắp đường làng và những con ngõ nhỏ quanh co sau những nếp nhà làm bằng đá ong. Làng cổ Đường Lâm dường như được khoác thêm tấm áo mới. Không khí xuân, không khí Tết đã thực sự về với ngôi làng cổ hơn 400 tuổi này.
Ngôi nhà cổ của gia đình ông Nguyễn Văn Vững luôn là điểm đến đầu tiên của du khách khi đến với Làng cổ Đường Lâm. Nơi đây hấp dẫn du khách bởi nét kiến trúc cổ còn được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Từ hai tuần nay, bà Phan Thị Tâm đã dọn dẹp sân vườn, trang trí lại ngôi nhà, treo đôi câu đối trên hàng cột gỗ trước thềm và mua những khóm cúc chi, cành đào, thược dược… về trồng để chuẩn bị cho chương trình Happy Tết 2022.
Ngồi trước thềm nhà, vừa hướng dẫn du khách cách gói bánh chưng, bà Tâm vừa chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở làng Đường Lâm, từ nhỏ đã được chứng kiến khung cảnh Tết truyền thống ở làng mình. Tôi vẫn nhớ như in cảnh những ngôi nhà ngập tràn sắc hoa, trẻ con diện quần áo mới chạy tung tăng, cả nhà cùng chuẩn bị lá dong, gạo nếp, thịt mỡ để gói bánh chưng trước thềm nhà. Được Ban quản lý Làng cổ Đường Lâm thông báo sắp có chương trình Happy Tết 2022, gia đình tôi cũng cố gắng chuẩn bị một cách tốt nhất nhằm tái hiện lại khung cảnh Tết truyền thống để đón tiếp khách tham quan. Chúng tôi mong sẽ mang lại cho du khách những cảm nhận chân thực nhất về Tết Việt và đặc biệt là Tết xứ Đoài”.
Tại Đường Lâm Homestay (xóm Hè, thôn Mông Phụ), chủ nhà - vốn là người khá có tiếng trong làng du lịch - ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng Giám đốc Công ty AZA Travel, đã chuẩn bị sẵn bối cảnh của một ngôi nhà cổ trong dịp Tết Nguyên đán truyền thống với chiếc chõng tre giản dị bày bánh chưng, bánh tét, gấc cùng những đặc sản nổi tiếng của Đường Lâm như kẹo lạc, chè lam để đón khách. Nhanh nhạy nắm bắt xu hướng mới, ông Đạt đã kết hợp với một số nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp để mở dịch vụ photo tour (tour chụp ảnh) dành cho du khách.
Ông Đạt cho biết: “Thông qua bối cảnh chính là những ngôi nhà cổ, giếng làng, ao làng, cổng làng, cùng các đạo cụ, trang phục cần thiết…, du khách sẽ có những bộ ảnh có tính thẩm mỹ cao, qua đó góp phần quảng bá những giá trị đặc sắc để thu hút du khách đến Làng cổ Đường Lâm ngày một nhiều hơn”.
Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống
Trong khuôn khổ chương trình Happy Tết 2022, ngày 22-1, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội đã tổ chức chương trình khảo sát dành cho các doanh nghiệp lữ hành nhằm tăng cường quảng bá, liên kết xây dựng sản phẩm, thu hút khách đến Đường Lâm trong thời gian tới.
Theo ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội, việc đưa vào các trải nghiệm mới như tái hiện không gian Tết xứ Đoài, tham quan cánh đồng hoa, dịch vụ photo tour… mới được đưa vào gần đây sẽ mang đến nhiều “chất liệu” mới cho các sản phẩm của các doanh nghiệp lữ hành.
“Xu hướng du lịch đã thay đổi nhiều sau dịch Covid-19, vì thế, việc xây dựng các tour, tuyến, sản phẩm mới trong giai đoạn này sẽ phải hướng tới đối tượng khách du lịch đến từ Hà Nội trước tiên, sau đó là khách nội địa. Chương trình Happy Tết 2022 là một gợi ý thú vị, có thể giúp các doanh nghiệp cùng liên kết để xây dựng những bộ sản phẩm hấp dẫn du khách nội địa và hướng tới khách quốc tế khi được phép mở cửa trở lại”.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, ngày 23-1, nhiều hoạt động hấp dẫn sẽ diễn ra tại Làng cổ Đường Lâm như: Ông đồ viết thư pháp, trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật truyền thống; trình diễn, trải nghiệm làm bánh chưng, bánh tẻ, các loại kẹo; trưng bày giới thiệu một số trang phục truyền thống của Làng cổ Đường Lâm; thưởng thức ẩm thực đặc sắc của xứ Đoài dịp Tết… Tham dự loạt sự kiện này có 32 đại sứ và đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, đại diện từ các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. Theo ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm: “Đây là dịp để bạn bè quốc tế hiểu hơn về những phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa của Việt Nam. Những vị khách đặc biệt này sẽ là “cầu nối” đưa văn hóa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế”.