Tại lớp tập huấn, các học viên được truyền đạt nội dung, kỹ thuật xử lý các loại rác hữu cơ trong chăn nuôi, trồng trọt… Với phương pháp giảng dạy tương tác, lấy nông dân làm trung tâm, các học viên được trao đổi, thảo luận và thực hành phương pháp xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường. Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” do Quỹ BRACE tài trợ.
Trong những năm qua, nhờ sự chung tay của chính quyền và người dân, môi trường nông thôn ở ngoại thành đã có sự thay đổi đáng kể. Nhiều mô hình phân loại rác tại nguồn, tái chế rác thải ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp đã được các cấp Hội Nông dân thực hiện hiệu quả.
Điển hình như tại huyện Sóc Sơn, để bảo vệ môi trường nông thôn, đặc biệt là tình trạng đốt rơm, rạ, sau khi thu hoạch, huyện đã hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật để xử lý rơm, rạ và chất thải, phế phẩm nông nghiệp bằng ứng dụng chế phẩm vi sinh. Từ đó, tránh lãng phí nguyên liệu hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp mà thân thiện với môi trường, góp phần cải tạo đất, tạo nguồn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất. Số rơm, rạ sau thu hoạch trên địa bàn huyện chủ yếu được xử lý làm thức ăn cho trâu, bò chiếm khoảng 11%; cày mục ủ hoai tại ruộng hoặc ủ thành phân trồng rau khoảng 85%; làm nấm, tiểu thủ công nghiệp khoảng 4%.
Còn tại huyện Đan Phượng, Hội Nông dân huyện Đan Phượng đã phối hợp với các đơn vị thực hiện mô hình phân loại và xử lý rác tại nguồn nhằm giảm rác thải sinh hoạt với sự tham gia của 200 hộ gia đình thuộc 4 xã. Theo đó, trong quá trình phân loại rác, những loại rác thải hữu cơ sẽ được người dân ủ làm phân bón cho cây trồng; các loại rác thải vô cơ sẽ được thu gom đúng nơi quy định.
Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa cho hay, sau khi tham dự lớp tập huấn, mỗi cán bộ, hội viên nông dân tiếp tục trở thành giảng viên, giúp tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hành, áp dụng mô hình vào đời sống hằng ngày, góp phần lan tỏa cuộc sống xanh, sạch đối với người dân, đồng thời, tạo thêm nguồn phân bón cho cây trồng, giảm chi phí sản xuất, xây dựng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn…