Hà Nội văn

Ba người mẹ

Truyện ngắn của Lê Quang Trạng 26/04/2025 - 09:57

Khi đất trời vừa rũ bỏ làn sương lạnh lẽo cuối cùng của mùa xuân, những chồi non xanh mướt bắt đầu nhú từ kẽ lá, thì cũng là lúc ba má tôi lại lục đục chuẩn bị cho một chuyến đi về phương Nam, nơi chiến trường ác liệt một thời, nơi bom đạn ngày xưa đã vùi lấp biết bao máu xương và nước mắt.

Tôi từng thắc mắc không hiểu vì sao năm nào ba má cũng trở về nơi ấy, như một cuộc hành hương lặng lẽ. Mỗi lần đi, ba má chẳng nói nhiều, chỉ bảo: “Về thăm lại chỗ cũ, coi thay đổi ra sao”. Tôi ậm ừ, lòng dấy lên một nỗi tò mò lặng lẽ.

Tôi từng nghĩ, có lẽ đó chỉ là hoài niệm của người già. Sau một đời dãi dầu mưa nắng, lòng người thường quay về với cội nguồn gian khó như một cách để tìm lại chính mình. Mãi đến năm tôi bắt đầu ở tuổi trung niên, vợ con đủ đầy, tưởng chừng đã hiểu hết mọi ngóc ngách cuộc đời, thì một buổi chiều êm ả, ba tôi ngồi bên hiên nhà, nhìn đàn cháu nhỏ chơi đùa trên sân rồi mới lặng lẽ kể. Câu chuyện ông mang theo suốt mấy chục năm bỗng được gợi lên bằng một nỗi rung động trầm sâu, như tiếng đàn ngân giữa những tầng mây ký ức.

***

Câu chuyện ba kể bắt đầu từ một buổi trưa cháy nắng ở Đồng Côi - mảnh đất mà suốt tuổi thơ tôi chỉ nghe nhắc tên như một địa danh, chẳng ngờ lại là nơi khởi đầu cho cả một cuộc đời.

Trưa hôm ấy, đất còn đỏ quạch máu tươi và những tán rừng xung quanh vẫn khét lẹt mùi bom đạn. Sau nhiều giờ đồng hồ giao tranh ác liệt, sau một trận mưa bom pháo từ đối phương như muốn xóa sạch mọi sự sống ở nơi đây, tiểu đoàn của ba tôi đã làm chủ được ngôi đồn. Khói chưa kịp tan, nắng đã phả xuống từng lớp bụi đất như chiếc khăn tang khổng lồ phủ lên mảnh đất rách toạc vì chiến tranh. Khi bước vào dọn dẹp, kiểm tra từng dãy nhà, từng căn hầm, từng mảng vách sụp đổ, họ không chỉ nhìn thấy xác kẻ thù mà còn tìm được những mảnh vỡ nhân sinh bị cuốn theo cơn lốc chiến trận. Và trong một căn phòng lợp tôn móp méo vì bom pháo, giữa đống đổ nát hoang tàn, má tôi nghe thấy một âm thanh khiến người bà run lên - một tiếng khóc ré, nhức nhối như một mũi dao nhọn đâm vào tim gan.

Tiếng khóc không lớn nhưng đủ để xuyên qua những lớp bụi mù, vượt khỏi cả tiếng rên rỉ của những người bị thương, tiếng bước chân khẩn trương của bộ đội, mà tìm đến trái tim một người phụ nữ. Má lao theo âm thanh ấy, như bị cuốn theo một tiếng gọi vô hình. Trong căn phòng tối lờ mờ, một người đàn bà nằm nghiêng bất động, máu trào ra từ vết thương do mảnh đạn pháo nơi ngực, thấm đỏ vạt áo, loang đỏ cả nền xi măng bên dưới. Vòng tay bà vẫn ôm chặt một đứa bé còn vương hơi sữa đang khóc đến khản giọng. Kỳ lạ thay, mặc dù người mẹ đã chết, nhưng đôi tay vẫn ôm ghì lấy đứa nhỏ như muốn dùng chính thân xác đã lạnh đi ấy để che chở đứa con khỏi mọi hiểm nguy.

minh-2.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Má tôi đứng chết lặng. Một khoảnh khắc nào đó trong lòng bà như nổ tung, rồi dịu lại, rồi tan ra như mưa sau bão. Má cúi xuống, nhẹ nhàng vuốt mắt người đàn bà. Đôi mắt ấy khẽ khép lại như một lời tạ ơn, như thể đang giao phó đứa con cho một bàn tay khác, một trái tim khác. Má bế đứa nhỏ lên, là tôi. Thân hình tôi lúc đó chỉ vừa lọt thỏm trong hai bàn tay người lớn, môi tím tái vì khóc lâu, da đỏ ửng vì kiến cắn. Tôi quẫy đạp yếu ớt, miệng mút bậy vào khoảng không như đang tìm vú mẹ, tìm chút hơi ấm của sự sống.

Ba tôi đến sau, đứng lặng một lúc rồi gật đầu, giọng nghẹn ngào: “Nuôi nó đi, mình à. Mình mà bỏ nó lại... thì khác gì bỏ mình giữa chiến trường”.

Lúc đó, họ đã là vợ chồng hơn mười năm, chưa có lấy một mụn con. Họ sống giữa chiến tranh, lặng lẽ chịu đựng cái mất mát không tên của những người không thể sinh nở. Nhưng hôm đó, giữa đống hoang tàn, giữa xác người ngổn ngang, một sinh linh nhỏ bé hiện ra như phép màu, như lời an ủi âm thầm của định mệnh. Thế là từ hôm ấy tôi trở thành con của ba má. Không khai sinh trong bệnh viện, không khóc chào đời trước bàn tay y tá, mà sinh ra trong lòng chiến trận, trong vòng tay một người mẹ không sinh thành ra tôi bằng máu thịt, mà bằng tình thương vượt qua ranh giới sự sống và cái chết.

Ba má nuôi tôi lớn lên, chưa từng một lần hé lộ thân phận thật. Cái im lặng của họ không phải là che giấu, mà để giữ cho tôi một tuổi thơ trọn vẹn, không bị đè nặng bởi sự mất mát từ thuở chưa biết gọi tên. Trong sự im lặng dịu dàng ấy, tình yêu vẫn âm thầm chảy giữa ba người: Mẹ - người đã sinh ra tôi rồi ra đi không kịp trăn trối một lời, và ba má - những người đã nhặt tôi giữa tro tàn, nuôi nấng tôi bằng những điều đẹp đẽ còn lại sau chiến tranh: Tình người. Và đó là câu chuyện đã ngủ yên suốt hơn bốn mươi năm trời, chỉ được đánh thức khi tôi đã đủ trưởng thành để hiểu rằng mình đến từ đâu và được yêu thương như thế nào.

***

Lớn lên trong vòng tay ba má, tôi chưa từng thấy mình khác biệt với bất kỳ đứa trẻ nào. Tôi có mái nhà để về, có những bữa cơm chiều thơm mùi canh chua cá lóc, có bàn tay ba sần sùi dắt đi học những ngày trời mưa, có giọng má khe khẽ hát ru những đêm mất điện. Tuổi thơ tôi đầy ắp tiếng cười và những giấc mơ bình yên. Tôi chưa từng thắc mắc vì sao ba má, mỗi độ xuân về, lại khăn gói trở về miền đất đầy bụi đỏ và hoài niệm. Tôi ngây thơ tin rằng đó chỉ là nơi họ từng chiến đấu, nơi đồng đội họ yên nghỉ, nơi họ gửi gắm chút ký ức cũ mèm, như người ta giữ lại một tấm hình đã ngả màu trong ví.

Nhưng sự thật lại không dịu dàng đến thế. Tận sâu trong từng chuyến đi ấy là một cuộc kiếm tìm dai dẳng suốt bao năm, một hành trình lặng thầm của ba má với hy vọng mong manh, rằng một ngày nào đó, sẽ có ai đó còn nhớ, còn biết chút dấu vết của người đàn bà đã chết ôm con bên đống đổ nát của căn đồn. Họ không nói ra, nhưng từng nén nhang thắp vội bên đường, từng cái nhìn lặng thinh hướng về rừng sâu, từng lời hỏi thăm người dân địa phương trong sự dè dặt của người mang một nỗi niềm không dám gợi, tất cả là chỉ dấu cho một tình yêu âm thầm - không phải chỉ với tôi, mà còn với người sinh ra tôi.

***

Năm nay, khi vừa ra giêng, sắp đến mùa thanh minh, ba bảo tôi: “Con nghỉ vài hôm, về Đồng Côi với ba nghen”.

Chuyến xe về miền Tây chạy qua những cánh đồng mạ non, gió lùa vào cửa kính mằn mặn. Ba tôi im lặng suốt chặng đường dài, đến khi xe dừng nghỉ bên quán ven đường, ông mới lấy ra một mảnh bản đồ cũ kỹ, giấy đã úa vàng theo năm tháng. Ngón tay ông run run chỉ vào một ô vuông nhỏ ven con rạch ngoằn ngoèo, giọng lạc đi: “Chỗ này... ba má mới mua. Mảnh vườn nhỏ thôi, đủ ba cái mộ nằm cạnh nhau. Sau này... mẹ con, rồi tới ba má... cũng sẽ nằm ở đó. Nhưng mà... trước tiên, mình phải đón mẹ ruột con về đã”.

Tôi chết lặng.

Lời nói ấy như luồng gió lạnh quét ngang qua tim. Bao nhiêu năm sống trong đủ đầy, tôi chưa từng nghĩ mình lại mang trong người một quá khứ bi thương đến thế. Người mẹ tôi chưa từng biết mặt, chưa từng nghe gọi một tiếng má, lại đang nằm đâu đó giữa đất trời này, cô đơn trong ngôi mộ không bia, không tên, chỉ có gió và cỏ dại trò chuyện mỗi ngày.

Chúng tôi về lại Đồng Côi. Mảnh đất năm xưa giờ đã khoác lên lớp áo mới. Vết thương chiến tranh mờ dần trong nhịp sống thanh bình. Nhưng dưới một gốc gòn già sần sùi có một nấm mộ nhỏ đơn sơ, chính là nơi mẹ tôi yên nghỉ. Tôi quỳ xuống, chạm tay vào lớp đất mát lạnh mà như chạm vào chính cội nguồn của mình. Ba má kể, họ đã cùng người dân địa phương năm ấy chôn cất mẹ tôi ở ven đồn, lấy đá làm mốc, đánh dấu bằng một thân cây gòn nhỏ. Hơn bốn mươi năm qua, cây đã lớn thành cổ thụ, rễ ôm trọn nấm mộ, như thể trời đất cũng cúi mình che chở cho linh hồn mẹ tôi.

Chúng tôi mang mẹ về. Dọc đường, lũ sẻ rộn ràng bay qua bầu trời xanh, ríu rít trên những dây điện căng mình dưới nắng như ngân nga một khúc ru mùa xuân. Trẻ con tan học, áo trắng tung bay, miệng hát vang bài ca học trò. Tôi ngồi sau xe, ôm chiếc hũ sành đựng hài cốt mẹ, lòng chao nghiêng trong một thứ cảm xúc không thể gọi tên. Vừa mất mát, vừa đoàn tụ, vừa đau, vừa ấm.

Tôi xây cho mẹ nấm mộ nhỏ, giữa khu vườn có bóng mát của cây mận đỏ, nơi sau này ba má tôi khi trăm tuổi cũng sẽ nằm bên. Tôi thắp nhang, cúi đầu thì thầm: “Má ơi, con đã nên người rồi. Con đã lớn lên trong vòng tay của những người thương con như ba má ruột thịt. Con không biết má tên gì, quê quán ở đâu, chỉ biết má yêu con đến giây phút cuối cùng...”.

Tôi không khóc. Nhưng tim tôi mềm ra như đất mới sau cơn mưa. Hôm ấy, nắng trải dài như lụa, dịu dàng rơi xuống từng kẽ lá, từng lối mòn quanh vườn, như một sự chúc phúc âm thầm từ trời cao. Trong ánh nắng ấy, tôi bỗng thấy như có ba người mẹ đang ngồi bên nhau, lặng lẽ nhìn tôi, mỉm cười. Một người đã sinh ra tôi trong máu và nước mắt. Một người đã nuôi tôi bằng tất cả những gì đời bà có. Và người còn lại là đất nước - hiền lành, lặng thầm, bao dung tất cả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba người mẹ