Hà Nội văn

Câu chuyện tháng Năm

Phùng Phương Quý 12/05/2024 - 07:13

Tiếng chuông điện thoại vang lên lanh lảnh. Tôi giật mình choàng dậy. - A lô! Ai gọi đó?

- Có phải số điện thoại nhà kỹ sư Phạm Hùng không?

- Tôi đây! Có chuyện gì vậy?

- Hà hà! Hùng “hình nhân”!

Tôi nhận ra ngay giọng nói bên kia đầu dây.

- Anh Trung! Phải anh Trung “đau khổ” không? Anh đang ở đâu?

- Cám ơn ông! Lâu thế mà vẫn nhận ra. Mình đang ở ngoài quê. Tìm mãi mới có được số điện thoại nhà ông. Mình sắp vào Sài Gòn, sẽ đến chơi thăm ông, có việc rất quan trọng đấy. Bao nhiêu thằng cùng đơn vị mình chỉ tín nhiệm ông thôi.

Ông thủ trưởng đau khổ ơi! Bao năm nay ông về quê ẩn dật, giờ gọi đến tôi chắc có chuyện đây.

***

Những ngày tháng 5 năm 1975 ấy, không khí hòa bình, thống nhất tràn ngập các đường phố Sài Gòn. Cánh lính trẻ chúng tôi sống trong những ngày như trên mây trên gió. Lúc đó tôi tròn 19 tuổi đời, một tuổi quân, mới trải qua một vài trận chiến ác liệt thì chiến tranh kết thúc.

z5417431315624_aef1aec6c39d1723aa607cf64d6455b8.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Buổi gác chiều hôm ấy, tôi đang giương mắt nhìn theo những tà áo dài đủ màu sắc thì trước cổng gác xuất hiện một bà già, tay cầm một tờ giấy ố vàng. Chỉ có phụ nữ miền Bắc mới mặc quần thâm, vấn tóc và ăn trầu bỏm bẻm thế kia. Mới giải phóng, sao bà lặn lội vào Sài Gòn nhanh thế nhỉ? Tôi nhìn bà và bỗng nhớ tới mẹ.

- Bà đi đâu?

- Chú có biết đơn vị bộ đội hòm thư 18385... ở đâu không?

Tôi nhao ra khỏi vọng gác.

- Đó là hòm thư đơn vị này. Cụ hỏi ai?

- Tôi hỏi thượng sĩ Thiều Quang Trung, người làng Mộc, phủ Lâm Thao.

- Ôi trời! Thủ trưởng của con đấy.

Tôi mời bà già ngồi chờ rồi nhờ người gọi anh Trung. Bà già thở hí hóp, chiếc áo màu nõn chuối run rẩy trên bộ ngực lép, bàn chân bụi bặm liên tục ngọ nguậy trong đôi dép nhựa rách. Khi anh Trung bước ra, bà trố mắt nhìn, bàn tay đập lên đùi, kêu lên. “Lạy giời phật! Khéo tôi tìm thấy con thật rồi”.

Anh Trung cũng ngạc nhiên

không kém:

- Bác hỏi cháu ạ?

Đôi môi ăn trầu lập bập mãi mới thành tiếng. “Thưa... tôi có... tờ giấy”. Bà chìa ra tờ giấy nhàu nát, anh Trung nhận ra ngay nét chữ của vợ mình. Trong thư có ghi số hòm thư đơn vị. Thấy Trung ngẩn người, bà già bảo:

- Nếu quý anh đây đúng là Thiều Quang Trung, con trai ông Thiều Quang Phục và bà Phạm Thị Nhỡ thì cho phép tôi nhận con. Tôi là vợ ông Phục, năm thằng Trung lên hai tuổi chúng tôi giao nó cho bà ngoại trông nom rồi vào Nam. Hồi mới biết đi, thằng Trung ngồi ị, hai con chó tranh nhau ăn bẩn cắn rách cả một bên bìu dái.

Anh Trung tái mặt, tay cầm tờ giấy run rẩy như lên cơn sốt rét. Anh hỏi bà già ở đâu? Bà nói đang ngụ ở ngôi nhà ba tầng phía sau nhà thờ Vĩnh Nghiêm.

- Chúng con đang bận họp, bác cứ về nghỉ ở nhà đừng đi đâu cả, chủ nhật chúng con tới thăm.

Bà cụ chùi nước mắt, quay ra dặn với:

- Cứ tới nhà thờ, hỏi bà Hai Bắc Kỳ ai cũng biết.

Trung ngồi thừ suy nghĩ, rồi vẫy tôi lại:

- Đừng nói chuyện này với ai, để tao điều tra xem đã. Trong lý lịch khai mẹ đã chết, giờ tự nhiên mọc ra một bà mẹ. Mà ngày bé tao bị chó cắn rách bìu dái thật. Giờ vẫn còn cái sẹo to tướng.

Chiều chủ nhật, chẳng cần phải hỏi thăm hai anh em cũng dễ dàng tìm thấy nhà thờ Vĩnh Nghiêm. Ngôi nhà ba tầng nằm ngay phía sau, tường sơn màu da cam nóng bức. Các cửa đều khóa, một chị bán thuốc lá ngoài cổng chỉ chỗ cho chúng tôi.

- Bà Hai Bắc Kỳ ở cuối hành lang, cạnh cầu thang lên lầu.

Dưới gầm cầu thang có chiếc chiếu nilon cũ đã quăn mép. Phía trong cùng là chiếc vỏ bao cát của Mỹ dùng để đựng quần áo. Lỉnh kỉnh mấy chiếc chén nhựa, lon sữa Guigoz đựng nước. Một lát sau bà già trở về, trên tay là ổ bánh mì gói giấy báo. Cuống quýt phủi qua chiếc chiếu, bà mời chúng tôi ngồi.

- Nhà mẹ có vậy thôi! Trước kia làm công cho một tiệm ăn, họ cho ở trong nhà, từ hồi giải phóng họ dẹp tiệm nên phải ra đây ở tạm.

***

Câu chuyện của bà Hai Bắc Kỳ đưa chúng tôi về một thời xa xôi. Dòng họ Phạm Chí đến đời bà thì tuyệt tự, không có con trai. Sau khi cha mất, mẹ già, cô Nhỡ nối nghiệp mẹ chèo đò chở khách qua bến sông Lời. Khách qua sông ai cũng có cảm tình với cô lái đò mười sáu tuổi nết na, xinh đẹp. Nhưng Nhỡ chỉ mến một anh đứng tuổi đi buôn giấy vụn hay qua lại bến sông. Anh hơn Nhỡ mười tám tuổi, lại chững chạc, trầm tính.

Năm mười tám tuổi cô Nhỡ mang thai, hai người kéo nhau về lạy lục bà mẹ, xin bà cho phép thành vợ chồng. Họ sinh được thằng cu và đặt tên là Trung, ở nhà gọi là cu Cún. Quê anh Thiều Quang Phục tận Sơn Tây, nên hai mẹ con ở bên ngoại. Khi thằng Cún đầy tuổi thì gặp năm đói Ất Dậu. Chẳng mấy người đi đò, còn gánh hàng giấy của anh Phục cũng ế ẩm, nhưng anh vẫn luôn vắng nhà. Cô Nhỡ linh cảm chồng mình đang làm việc gì đó quan trọng lắm nhưng không dám hỏi. Sang năm Bính Tuất, có đoàn người rủ nhau vào Nam làm đồn điền. Anh Phục cũng theo họ vào Nam nên dặn vợ ở nhà chịu khó nuôi con, khi nào có tiền anh sẽ về nhà. Cô Nhỡ không chịu. Cuối cùng anh Phục phải để vợ cùng đi, họ gửi con cho bà ngoại rồi lên tàu vào Nam.

Xuống ga Sài Gòn, anh Phục bảo vợ ngồi nghỉ trong ga để mình đi mua bánh mì và nước uống. Mệt quá, cô Nhỡ nằm ngủ thiếp đi, lúc tỉnh dậy thì trời đã tối, không thấy chồng đâu. Cô tất tả chân đất, khăn đen vắt vai vừa đi, vừa khóc, vừa gọi chồng. Cô thức suốt đêm ngồi chờ trong ga, đến sáng cũng không thấy tăm hơi anh Phục
đâu cả.

Có người thương tình nhận cô làm phụ bếp trong tiệm ăn cạnh ga để chờ chồng quay lại. Chờ mãi. Chờ mãi, tám năm không thấy bóng chim tăm cá. Cô tính chuyện về quê nuôi con. Gom góp được món tiền định mua vé tàu ra Bắc thì đúng năm ấy Hiệp định Genève được ký kết, hai miền bị chia cắt ở sông Bến Hải. Bà Nhỡ hết đường về Bắc.

***

Mấy hôm sau lại có người đến đơn vị tìm anh Trung. Lần này là hai phụ nữ ăn mặc lịch sự. Họ cũng xưng là người nhà anh Trung, thậm chí đọc vanh vách ngày sinh tháng đẻ, quê quán của anh. Nghe tôi báo tin, Trung lo lắng chụp mũ lên đầu, lẩm bẩm:

- Không biết có chuyện gì nữa đây?

Lại một lá thư nữa, vẫn nét chữ của chị Thơm, vợ anh.

- Thưa... tôi là Phạm Lệ Mỹ, vợ ông Thiều Quang Phục. Nhỏ đây là Thiều Phạm Lệ Xuân con gái lớn của ổng, con gái nhỏ là Thiều Phạm Lệ Lan, bữa nay mắc công chuyện, theo bạn bè sinh viên tham gia giữ trật tự đường phố.

Đọc xong lá thư, mặt Trung đỏ lựng như say rượu. Một thủ trưởng đơn vị như anh, trong vòng mấy ngày bị bao vây tình cảm bởi những người thân sống trong chế độ cũ, không hoang mang, lo lắng sao được? Anh rót nước mời hai mẹ con.

- Thế ông Phục bây giờ ở đâu ạ?

- Dà! Ông mất cách đây bốn năm rồi!

- Bà và cô có giấy tờ gì liên quan đến ông Phục không?

- Dạ có chớ! Di chúc ổng để lại có liên quan đến người con trai cả là Thiều Quang Trung, chúng tôi cũng mới biết địa chỉ của quý anh sau khi viết thư về quê vợ cả ông Phục.

Anh Trung sốt ruột rủ tôi đi ngay sáng chủ nhật sau đó, dặn tôi tuyệt đối giữ bí mật. Tòa biệt thự nằm sâu trong khuôn viên rộng, kín đáo dưới giàn hoa giấy hồng nhạt.

Sự gượng gạo ban đầu mất dần, thay vào đó là nỗi xúc động của những con người có liên hệ máu mủ với nhau. Bà chủ đưa ra bản di chúc và giấy tờ chồng để lại. Tờ di chúc ghi rõ tài sản của ông một nửa giao cho con trai trưởng Thiều Quang Trung và vợ cả là Phạm Thị Nhỡ, quê ở Lâm Thao.

- Thế cha tôi làm gì trong bấy nhiêu năm?

- Hồi mới cưới tôi, ổng là trung úy! Ba tôi là chủ doanh nghiệp có hai chục xe tải chở hàng từ Sài Gòn đi Huế, Đà Nẵng. Sau này ông Phục là trung tá, chỉ huy trung đoàn biệt động quân.

Bà Lệ Mỹ thanh minh cho chồng:

- Năm bảy mốt trung đoàn ông đi càn quét vùng Củ Chi, ông Phục vấp mìn, bị cụt một chân, đưa vào bệnh viện được ít bữa thì không qua khỏi. Sở dĩ ba mẹ con tôi không di tản ra nước ngoài vì ráng ở lại làm tròn lời ủy thác của ông. Giờ gặp anh rồi, xin giao lại giấy tờ, tài sản mà ông Phục dành cho mẹ con anh.

Anh đứng dậy dứt khoát.

- Tôi cầm súng vào đến đây không phải để nhận những thứ này. Bà và hai cô thông cảm. Chỉ xin cho tôi biết phần mộ ông Phục hiện
ở đâu.

***

Một ngày đầu tháng Năm, anh Trung tìm đến Tây Ninh với tôi như đã hẹn. Chúng tôi giờ đã là hai lão già đầu bạc trắng. Khi có chút rượu vào, tôi mới dám hỏi vì sao anh ẩn dật bấy nhiêu năm trời không liên lạc với anh em đồng đội? Anh cười buồn:

- Ông tính một thằng như mình, cả đời mới tìm thấy cha mẹ, thì người đi bới rác, người đi theo giặc, còn mặt mũi nào mà gặp anh em. Nhưng giờ có tin vui rồi! Người ta bảo ông cụ ngày trước hoạt động tình báo. Bà già hồi còn sống cũng khẳng định, ngày chưa lấy nhau đã từng cứu ông khỏi tay bọn mật thám Pháp. Chuyện vào Nam là do tổ chức phân công. Rồi ông bỏ bà cả đi lấy vợ hai cũng là do trên sắp đặt để tạo vỏ bọc. Mình đã đi tìm và có giấy xác nhận của hai cụ lão thành cách mạng. Chuyến này vào Sài Gòn để xác minh lại, tiện thể thăm bà hai và các cô thế nào. Vậy mới thỉnh đến ông trước. Nếu bố trí được thì về đó với mình một chuyến.

Tôi hứa sẽ thu xếp công việc để về Sài Gòn ngay với anh. Hai ly rượu thuốc chạm đánh chát vào nhau, văng ra mấy hạt nước thơm màu hổ phách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện tháng Năm