Chuyên gia hướng dẫn cách ướp trà hoa bưởi của người Hà Nội

Nguồn: Xuân Mai (Vietnam+)| 03/03/2021 07:47

Trà hoa bưởi là thức uống rất quen thuộc trong các gia đình Hà Nội. Đặc biệt, sau Tết, cuối mùa xuân, mưa lây phây, thời tiết nồm ẩm là lúc hoa bưởi nở rộ, thơm ngào ngạt, rất thích hợp để ướp trà.

Hoa bưởi là loại hoa thân thuộc với người Việt Nam, được sử dụng nhiều trong cuộc sống hằng ngày, nhất là trong các món ăn thức uống quen thuộc như: Trà ướp hoa bưởi, hương liệu trong món bánh trôi, hương liệu làm bột sắn dây, tinh dầu bưởi… Trong đó, tinh tế nhất vẫn là sử dụng hoa bưởi để ướp trà. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Sau Tết, cuối mùa xuân, khi trời mưa lây phây, thời tiết nồm ẩm là lúc hoa bưởi nở rộ thơm ngạt ngào. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Hương hoa bưởi thơm quý, xao xuyến lòng người, chẳng thế mà đã trở thành đề tài cho bao áng thi ca nổi tiếng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Nguyên liệu quan trọng nhất trong ướp trà hoa bưởi không chỉ là chọn được loại trà ngon (người Hà Nội thường chọn trà Tân Cương đã ủ qua mùa cho bớt hăng), mà còn là những bông hoa tươi, có hương thơm ngát. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Ngày nay, để có được ấm trà ướp hoa sạch, cố gắng tìm nguồn hoa không bị phun thuốc. Những bông hoa dùng để ướp phải hái trong ngày, mới hé nở, có màu trắng trong để đảm bảo đủ độ tươi, căng, tròn. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Công đoạn sơ chế hoa rất quan trọng. Chuyên gia trà Việt - một trong số ít nghệ nhân còn "chung thủy" với lối sản xuất trà thủ công truyền thống - ông Nguyễn Việt Hùng cho biết, tốt nhất chỉ nên dùng cánh hoa để ướp trà. Vì phần nhụy chứa nhiều nước, nếu ướp lẫn dễ làm trà thối nhũn, pha ra bị đỏ nước và có vị đắng, ôi ủng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Chính vì thế, sau khi lấy hoa từ vườn về, để đảm bảo giữ được hương vị tươi ngon nhất của hoa, tốt nhất nên tách cánh hoa ngay để ướp trà trong ngày. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Hoa bưởi là loại hoa rất đậm hương, nên chọn chỗ ngồi thoáng mát để sơ chế cánh hoa. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Những cánh hoa tươi, thơm ngọt ngào sau khi sơ chế sẽ dùng ướp luôn trong ngày. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Phần nhụy hoa không nên vứt bỏ vì nó chứa lượng lớn tinh dầu. Hãy tận dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên này cho việc làm đẹp, bằng cách cho vào nồi, đổ sâm sấp nước rồi đun sôi khoảng 5 phút, chắt lấy nước cốt dùng pha nước tắm, vừa thơm, vừa tốt cho sức khỏe cả gia đình. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Để ướp trà, có thể dùng hộp giấy carton, nồi hoặc thạp gốm, sứ... Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý công đoạn đảo trà (thông hoa), cho trà bay bớt hơi ẩm. Quá trình đảo trà thực hiện khoảng 2 tiếng mỗi lần trong cả thời gian ướp trà khoảng 2 ngày. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Mỗi một lớp trà là một lớp cánh hoa. Sau khi đủ thời gian ướp trà, ta tiến hành sàng hoa, nhặt hoa khỏi trà và bắt đầu sấy trà. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Bước cuối cùng là sấy khô trà hoa. Có thể sấy bằng chảo gang trên than hồng (không sấy lửa lớn khiến trà bị cháy, nhiệt độ tốt nhất chỉ khoảng 90-100 độ C), bằng đèn hoặc thời nay đã có máy sấy trà chuyên dụng. Trà khô rải ra để nguội trước khi cất vào hũ dùng dần. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Thủ đô hôm nay đã hết những ngày hàng quán phải cửa đóng then cài. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Các thực khách Hà Nội thích thú thưởng thức trà hoa bưởi giữa mùa hoa đang ngát hương. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia hướng dẫn cách ướp trà hoa bưởi của người Hà Nội