* Tại xã Phù Đổng, địa phương chọn thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên lĩnh vực du lịch và văn hóa. Sau thời gian tập trung đầu tư, địa phương đã đáp ứng đủ các tiêu chí đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Theo Bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng Phùng Xuân Việt, xã đã có điểm du lịch được UBND thành phố Hà Nội công nhận năm 2021.
Hiện, Phù Đổng có di tích lịch sử đền Phù Đổng đã được công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại". Bên cạnh đó, xã có hàng chục hộ gia đình, doanh nghiệp xây dựng vườn trại kết hợp du lịch trải nghiệm nghề trồng hoa giấy, cây cảnh như: Công ty cổ phần Phù Đổng Green Park, nhà vườn Ngọc Thu, nhà vườn Huy Trang, mô hình trưng bày của làng nghề hoa giấy, cây cảnh Phù Đổng...
"Xã Phù Đổng định hướng xây dựng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Xã cũng tuyên truyền, vận động để mỗi người dân Phù Đổng thân thiện, mến khách, hấp dẫn khách tham quan", ông Việt cho biết.
Kiểm tra thực tế và đối chiếu hồ sơ minh chứng cho các tiêu chí, Đoàn thẩm định của thành phố thống nhất Phù Đổng đủ điều kiện đề nghị Hội đồng thẩm định thành phố xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.
* Tại xã Dương Hà, thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân. Với giao thông, đến nay, địa phương đã có 100% tuyến đường trục xã, liên xã, đường ngõ xóm được bê tông, nhựa hóa ô tô đi lại thuận tiện.
Đối với tiêu chí giáo dục, xã có trường học 3 cấp đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó có Trường Tiểu học Dương Hà đã được phê duyệt dự án đầu tư kinh phí hơn 33 tỷ đồng thời gian tới sẽ triển khai để đạt chuẩn mức độ 2...
Đối với nâng cao chất lượng đời sống người dân, Dương Hà có tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,8%; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Năm 2022, Công an xã phối hợp với các đơn vị lắp đặt được 38 camera an ninh để phòng chống tội phạm...
* Tại xã Ninh Hiệp, bên cạnh các tiêu chí hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, Ninh Hiệp còn là một "đầu tàu" phát triển kinh tế của huyện Gia Lâm. Trên địa bàn xã hiện có 2 nghề rất phát triển đó là nghề: Thuốc Nam, thuốc Bắc và nghề buôn bán vải, quần áo. Đến nay, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 82,4 triệu đồng/người/năm, là địa phương có thu nhập bình quân đầu người "tốp" đầu khu vực nông thôn Hà Nội.
Đối chiếu với các tiêu chí của Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, Ninh Hiệp đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thành phố xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.
Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn thông tin thêm, đến nay, thành phố Hà Nội đã có 100% xã được công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với các xã đăng ký phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu năm 2022, mặc dù Bộ tiêu chí đánh giá, công nhận của trung ương và thành phố ban hành muộn nhưng các địa phương đã nỗ lực rất lớn, đạt kết quả cao. Hiện, Đoàn công tác của thành phố đang tập trung đánh giá tại các địa phương làm cơ sở trình Hội đồng thẩm định thành phố xét công nhận danh hiệu năm 2022.