Kiêu Kỵ phát triển làng nghề truyền thống
Xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm) là làng nghề duy nhất trong cả nước làm vàng quỳ, bạc quỳ để tạo nguyên liệu cung cấp, sử dụng trong xây dựng, trang trí các đình, đền, chùa, nhà thờ, trong nghệ thuật điêu khắc, hội họa.
Việc giữ gìn và phát huy nghề truyền thống đã giúp mang lại việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động và tăng nguồn thu cho ngân sách của xã.
Nghề quỳ vàng bạc xuất hiện ở xã Kiêu Kỵ cách đây hơn 300 năm, từ thời Hậu Lê (1740-1786), do ông Nguyễn Quý Trị, người làng Hội Xuyên, xã Liễu Trai (tỉnh Hải Dương) học được trong một lần đi sứ ở Trung Quốc và trở về truyền lại nghề cho dân làng Kiêu Kỵ. Tưởng nhớ tới công ơn của ông, dân làng Kiêu Kỵ đã suy tôn ông là Tổ nghề quỳ vàng bạc; lấy ngày 17-8 âm lịch, khi ông rời khỏi làng, để làm ngày cúng giỗ hằng năm.
Theo Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Chung (xã Kiêu Kỵ), hiện làng nghề có Hợp tác xã Công nghiệp quỳ vàng Kiêu Kỵ và 13 tổ hợp tác với 60 hộ cá thể tham gia. Từ những thỏi vàng, bạc được đập cho dài và mỏng (gọi là đập diệp), sau đó cắt thành những hình vuông nhỏ 1cm2 rồi đặt vào lá quỳ. Lá quỳ có cạnh dài 4cm, được kén từ loại giấy dó (giấy làm tranh Đông Hồ) mỏng và dai, được "lướt" nhiều lần bằng mực tự chế làm bằng loại bồ hóng đặc biệt, trộn với keo da trâu, tạo cho giấy quỳ bền chắc. Mỗi quỳ 500 lá, trên mỗi lá đặt một mảnh vàng nhỏ 1cm2, dùng vải dường bâu Nam Định gói lại, đặt lên đe bằng đá, dùng loại búa chuyên dụng đập lên tập lá quỳ, sao cho mảnh vàng mỏng và tràn bằng lá quỳ... Người thợ giỏi có thể đập một chỉ vàng dàn mỏng thành tấm lá vàng có diện tích hơn 1m2. Khi sử dụng, người thợ dùng chiếc bay rất mỏng bằng xương hoặc mảng tre vát mỏng để dát vàng lên các sản phẩm, họa sĩ dùng bút vẽ với dầu sơn chấm vào vàng quỳ để vẽ lên tranh sơn mài.
Cũng theo ông Lê Bá Chung, nghề làm vàng quỳ rất tinh xảo, đòi hỏi người thợ phải kiên trì, tỉ mỉ. Bởi, 1 chỉ vàng đập mỏng thành 980 lá, có tổng diện tích hơn 1m2, thì chưa có ngành công nghiệp nào làm được. Quỳ vàng bạc được sử dụng trong trang trí ở các di sản văn hóa, kiến trúc được UNESCO công nhận, như: Kinh đô Huế, Hội An, Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đáng chú ý, gần đây, các họa sĩ trang trí những công trình kiến trúc lớn cũng đã tìm đến vàng quỳ Kiêu Kỵ dùng cho việc trang trí nội thất của Nhà hát Lớn thành phố, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Lăng Bác và nhiều khách sạn lớn trong toàn quốc. Đặc biệt, năm 2023, nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hội tụ được những thợ giỏi, xã Kiêu Kỵ có nhiều người được công nhận là nghệ nhân. Tiêu biểu như chị Hoàng Thị Anh, một trong số những người trẻ đi theo nghề của cha ông truyền lại. Với lòng nhiệt huyết và niềm đam mê, cuối năm 2021, chị đã được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội về Dát vàng, bạc quỳ và sơn thếp vàng mỹ nghệ. Tham gia Hợp tác xã Công nghiệp quỳ vàng Kiêu Kỵ, chị đã tạo ra những sản phẩm ý nghĩa, được làm bằng đồng và dát vàng 24k, giúp tăng thêm giá trị.
Đáng chú ý, từ năm 2020 đến 2023, Hợp tác xã Công nghiệp quỳ vàng Kiêu Kỵ đăng ký 9 sản phẩm dát vàng tiêu biểu tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Nhờ đó, hợp tác xã đã có sản phẩm Điếu cày dát vàng đạt OCOP 3 sao và 8 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, như: Tượng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, bát sen, trống đồng, chậu lan dát vàng…
Để bảo tồn và phát triển nghề quỳ vàng bạc, người làm nghề ở Kiêu Kỵ còn tìm ra hướng đi mới, đó là kết hợp dát vàng với những sản phẩm của các làng nghề khác, như: Gốm Bát Tràng, sơn mài Hạ Thái, tạc tượng Vũ Lăng... Những sản phẩm quỳ vàng, quỳ bạc của Kiêu Kỵ đã và đang góp phần làm đẹp cho đời qua những pho tượng, bức tranh, chậu hoa do người thợ quỳ vàng bạc tài năng, khéo léo của làng nghề làm ra.
Bên cạnh đó, Kiêu Kỵ còn nổi tiếng với nghề làm đồ dùng bằng da và giả da, du nhập vào làng nghề từ năm 1970. Khác với nghề làm vàng, bạc quỳ, nghề may da phát triển khá nhanh. Đến nay, Kiêu Kỵ có khoảng 80 chủ hộ, tạo việc làm cho hơn 4.500 lao động với thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu từ nghề may và kinh doanh các phụ kiện khác ở Kiêu Kỵ đạt 60-65% tổng thu nhập của toàn xã. Sản phẩm đồ da của làng nghề không chỉ tiêu thụ trong nước, mà còn xuất khẩu.
Tâm huyết với việc giữ gìn, phát triển làng nghề truyền thống, những nghệ nhân, những người thợ làm nghề quỳ vàng bạc, sản xuất đồ bằng da, giả da ở Kiêu Kỵ đã và đang góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, từng bước khẳng định thương hiệu của làng nghề.