Xưa và nay

Sẵn sàng cho Lễ hội làng Bát Tràng

Hoàng Lân 22/03/2024 - 16:43

Lễ hội làng Bát Tràng được tổ chức từ ngày 23 đến 25-3 (tức từ 14 đến 16 tháng Hai), là một trong những lễ hội truyền thống lớn của Hà Nội.

Ngày 22-3, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức đoàn kiểm tra để đôn đốc công tác chuẩn bị được chu đáo, trọn vẹn.

4(1).jpg
Các lễ vật cho lễ rước diễn ra ngày 23-3 đã được người dân chuẩn bị sẵn sàng.

Hội làng Bát Tràng xưa kéo dài 15 ngày trong tháng Hai, không chỉ để người dân tưởng nhớ Thành hoàng, giáo dục truyền thống, đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, mà còn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch. Ngày nay, hội làng chỉ tổ chức trong 3 ngày, 14 đến 16 tháng Hai.

1(1).jpg
Đoàn kiểm tra, giám sát của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội kiểm tra các điểm di tích trong làng Bát Tràng, chuẩn bị cho lễ hội.

Năm nay, Lễ hội làng Bát Tràng được tổ chức tại các di tích lịch sử đã được xếp hạng như: Kim Trúc tự, Đền Mẫu Bản Hương, Văn Từ, mà trọng tâm là Đình làng Bát Tràng.

Theo Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi, Lễ khai hội làng Bát Tràng sẽ diễn ra 9h sáng 23-3 với nhiều nghi lễ truyền thống, đó là dâng lễ Tam sinh (trâu, dê, lợn), sau đó hai đoàn rước thực hiện chương trình cấp thủy, rước nước và rước bộ. Đoàn cấp thủy thực hiện nghi thức lấy nước dòng Nhị Hà vào chóe cúng dâng vào đại đình, dùng để cúng tế cả năm. Đoàn rước bộ dâng hương tại Kim Trúc tự, nhà thờ Bác Hồ, Đền Mẫu Bản Hương.

Trong lễ khai hội, ngoài phần lễ truyền thống, Ban tổ chức còn thực hiện Lễ công bố và tiếp nhận quyết định của Sở Công Thương, ra mắt mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo, phát triển nghề gốm di sản quốc gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch xã Bát Tràng.

Trong hai ngày tiếp theo (24 và 25-3), người dân và du khách sẽ được tham gia các hoạt động dâng lễ, thả hoa đăng, đốt pháo bông trên dòng Nhị Hà. Nhiều hoạt động hội sôi nổi đã diễn ra từ trước lễ khai mạc như: Thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian, chương trình nghệ thuật quần chúng.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương thông tin, Phòng đang phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Lễ hội làng Bát Tràng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

2(1).jpg
Giải thi đấu cờ tướng nằm trong khuôn khổ Lễ hội làng Bát Tràng 2024 đã tranh tài ở khu vực đình làng Bát Tràng.

Theo ghi nhận của Đoàn kiểm tra, đến nay, công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội cơ bản diễn ra đúng kế hoạch, nội dung dự kiến. Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng đề nghị, chính quyền địa phương tăng cường công tác an ninh, trật tự, bố trí phân làn, khu vực để xe để tránh ùn tắc giao thông trong ngày khai hội (23-3). Bên cạnh đó, Ban tổ chức cần công khai số điện thoại đường dây nóng để kịp thời xử lý những tình huống phát sinh.

Ngoài ra, Ban tổ chức cần nghiêm túc thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống cháy nổ; tuyên truyền người dân thực hiện ứng xử văn minh...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sẵn sàng cho Lễ hội làng Bát Tràng