Xưa và nay

Kim Lan sông “vẽ” nên làng

Cao Hải Giang 20/07/2023 - 16:22

Nằm trong vùng châu thổ sông Hồng vốn sở hữu “bộ máy thủy lợi đê điều đồ sộ và hợp lý nhất” (Giáo sư Trần Quốc Vượng), làng Kim Lan (xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội) mang trong lòng nó một lịch sử đắp bồi gắn chặt với sông và công cuộc trị thủy không ngừng.

song-h-ng-la-khong-gian-sin.jpg
Sông Hồng là không gian sinh hoạt quen thuộc của người dân Kim Lan. Ảnh: Phí Đức Toàn

Những cuộc đổi dòng, trở mình của sông không chỉ tái xác lập diện mạo ngôi làng, mà hơn thế còn phát lộ cả một lịch sử 1.000 năm liên tục của nghề gốm sứ nơi đây. Hệ sinh thái sông, vì thế, có thể mở ra cho làng những trang phát triển mới nhiều triển vọng.

Lịch sử làng - lịch sử của sông

Đất Kim Lan hiện nay có diện tích 2,92km2, phía Tây giáp sông Hồng, chạy dài theo hướng từ phía Bắc giáp sông Bắc Hưng Hải đến phía Nam giáp bến đò Văn Đức khoảng 1.600m. Bên kia sông, đối diện Kim Lan là làng Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai.

Theo tài liệu của Tiến sĩ Ngô Thế Phong (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), khoảng 2000 năm trở lại đây, phù sa bồi đắp Kim Lan cao thêm 2m, thuận lợi cho phát triển hoa màu. Nhưng Kim Lan không chỉ nhận phù sa mà còn chịu những đợt đổi dòng của sông gây lũ lụt dữ dội. Các chứng tích còn lại đến ngày nay cho thấy, dấu tích bờ sông Hồng khi xưa từng vươn sâu sang vùng Lĩnh Nam hiện nay.

Đã ở tuổi ngoài 90, cụ Nguyễn Văn Nhung, lão thành cách mạng, cựu tù Côn Đảo, nguyên là thầy giáo địa lý, vẫn rành rẽ chuyện làng gắn với dòng sông. Từ chuyện hình thành xóm làng đến chuyện cụ tổ xưa chạy giặc qua sông, chuyện sông làm phát lộ lịch sử gốm sứ nghìn năm của làng... Theo chia sẻ của cụ Nhung, năm 1940, sông đổi dòng khiến vùng đất bãi Kim Lan có nguy cơ lở xuống nước. Bấy giờ, ở làng có ông Hàn Quýnh làm thầu, bỏ tiền ra mua đá xây kè chống lở. Nhưng, thiên địch không yên. Trận lũ lớn trong các năm 1969 và 1971 cuốn trôi hàng chục ngôi nhà. Những xóm Đình, Thượng, Và, Dụ, Bông Lau hình thành trong lịch sử cũng theo sông mà biến mất hoàn toàn.

Như bao làng mạc vùng châu thổ sông Hồng thực hiện “dẫn thủy nhập điền”, năm 1955, Kim Lan dành đất để đào sông Hưng - Thái - Ninh cung cấp nước cho cả Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh (khi ấy Kim Lan thuộc tỉnh Bắc Ninh). Cuộc trị thủy với sông Hưng - Thái - Ninh không thành công do vị trí đất nhiều cát, gây sạt lở chặn dòng chảy, đến nay còn để lại cho Kim Lan dấu tích là hồ Hưng - Thái - Ninh như một “con mắt xanh” giữa làng. Theo nhà nghiên cứu Trần Văn Mỹ: “Đến năm 1958, công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải được khởi công với phần đất và cống nằm hoàn toàn trên đất Kim Lan. Nhưng để chủ động việc bơm nước, khi công trình hoàn thành, cống chạy qua đê thuộc đất Kim Lan lại được đặt tên là cống Xuân Quan. Ty Thủy lợi Hưng Yên quản lý việc bơm nước vào đồng”.

Đáng nói, con sông đào nổi tiếng Bắc Hưng Hải ra đời cũng tạo bước ngoặt mới với làng Kim Lan. Địa hình bị chia cắt, một phần đất Kim Lan ở bờ Bắc của sông, xã viên ra đồng lại phải “làm một vòng” đến qua tận lối cống Xuân Quan mới đến được ruộng. Đất bên kia sông hoang hóa dần, về sau đất đó được đổi cho làng Bát Tràng (nằm kề ngay bên bờ sông Bắc Hưng Hải)... Không gian sinh sống, không gian kinh tế và cả không gian văn hóa của Kim Lan ít nhiều biến đổi sau dấu ấn trị thủy này.

Đặc biệt, lịch sử làng còn ghi nhận những cuộc chia cắt lớn và hội ngộ cảm động của người dân Kim Lan do những biến động của dòng sông.

Thời vua Lê Hiến Tông (1498 - 1505), đất Kim Lan lại sụt lở. Phò mã Lê Đạt Chiêu được triều đình cử trông nom đồn điền đã tâu vua cho xin chuyển hai dòng họ Đinh và Nguyễn của làng đến vùng đất mới trong đê, thành lập Kim Lan Sở. Về sau dân cư đông dần, triều đình lại cho di một phần dân sang bên kia sông Đuống lập làng Kim Quan Đông. Hai vùng đất ruột thịt này của Kim Lan giờ thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên và xã Yên Viên của Gia Lâm. Đến nay, sau nhiều thế kỷ, nhờ địa bạ làng còn lưu giữ, người làng Kim Lan rời đi khi xưa đã về nhận họ nhận làng và thường xuyên qua lại nơi đây.

Nghìn năm nghề gốm

Nhưng dấu ấn mạnh mẽ nhất mà dòng Nhị Hà thơ mộng mang đến cho Kim Lan chính là sau những cuộc đổi dòng, lở đất, lịch sử một làng gốm cổ với các hiện vật liên tục 1.000 năm được phát lộ.

Cụ Nguyễn Việt Hồng, người trực tiếp nhặt những mảnh gốm đầu tiên ở bờ sông từ khoảng đầu những năm 1990 đến nay vẫn lưu giữ một phần trong số hiện vật quý giá này, phần khác cụ đã gửi cho bảo tàng gốm sứ cộng đồng của xã Kim Lan. Tuổi gần 90, trí nhớ vẫn tốt, giọng nói vẫn sang sảng, những mảnh gốm làng trong tay cụ một lần nữa cất tiếng về lịch sử làng. Những năm ấy, vào những tháng khi nước sông Hồng rút, lộ ra các tầng hiện vật, cụ Hồng cần mẫn nhặt về rồi vợ, con cũng theo đó mà gom nhặt. Vốn là một quản đốc phân xưởng của gốm Bát Tràng, là người tự học chữ Hán, chịu đọc, cụ Hồng không chỉ nhận rõ giá trị hiện vật mà còn là người kiên định bảo vệ hiện vật, trở thành đầu mối kết nối các nhà khoa học làm rõ giá trị lịch sử làng nghề gốm sứ Kim Lan với tuổi đời từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVII, từng là một trung tâm gốm sứ của Thăng Long xưa.

Cuộc phát lộ này cùng với nỗ lực tái dựng lại lịch sử làng gốm của cụ Hồng, cụ Nhung cùng các bậc cao niên trong nhóm “Tìm về nguồn cội” (do cụ Hồng sáng lập) đã từng giành giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2013.

Câu chuyện bên dòng sông cũng mang đến cho Kim Lan người bạn quốc tế tuyệt vời là nhà khảo cổ học người Nhật Bản - Tiến sĩ Nishimura Masanari. Ông chính là người công bố những báo cáo quan trọng về lịch sử làng gốm Kim Lan và đứng ra kêu gọi xây dựng bảo tàng gốm sứ cộng đồng cho Kim Lan. Năm 2013, Tiến sĩ Nishimura Masanari bị tai nạn trên đường đi điền dã, người dân Kim Lan đã mở cánh cổng ngôi làng đón ông về, để ông nằm lại mãi mãi bên dòng sông Hồng - nơi ông đã đồng hành cùng bà con trong những tháng năm tìm lại lịch sử cho làng.

Hệ sinh thái sông - nguồn lực của làng

Nguyên Phó Chủ tịch xã Kim Lan, ông Nguyễn Đức Trí, người bạn gắn bó với Tiến sĩ Nishimura Masanari, là người nắm rõ những câu chuyện làng. Qua hồi ức của ông, sông Hồng hiện diện ở một chiều kích khác, là nơi diễn ra đời sống tinh thần làng xã. Đó là lễ hội rước nước diễn ra vào sáng mùng 9 tháng Giêng hằng năm với nghi thức xin nước từ sông Hồng rước về tế tại đình làng với mong ước một năm mưa thuận gió hòa, lúa ngô tốt tươi, nhà nhà no đủ. Một lễ hội truyền thống đặc sắc gắn liền với dòng sông, từng có quãng thời gian vắng bóng rồi được khôi phục từ cuối những năm 2000.

Nhịp thở sông Hồng cũng hiện diện trong sản vật, ẩm thực Kim Lan. Ngày đầu tháng 4-2023, bến sông gần đình Kim Lan chộn rộn từ 5h khi người dân vào mùa bắt vờ (loài côn trùng chỉ xuất hiện ở ven sông Hồng vào ít ngày độ cuối xuân) rồi bán ngay tại chợ làng. Từ thực phẩm bình dân, món quà của sông Hồng này đã dần trở thành một loại đặc sản và “săn” vờ cũng là một dấu ấn sinh hoạt riêng có của làng ven sông như Kim Lan.

Đặc biệt, từ những ngày cuối tháng 6 vừa qua, các chuyên gia khảo cổ học, chuyên gia văn hóa cùng người dân, nghệ nhân Kim Lan và vợ của Tiến sĩ Nishimura Masanari đã chuẩn bị cho việc mở cửa lại bảo tàng gốm sứ Kim Lan sau một thời gian đóng cửa vì nhiều lý do. Sự trở lại của không gian bảo tàng một lần nữa khơi dậy mong mỏi tạo dựng thương hiệu cho làng nghề gốm sứ Kim Lan.

Có thể nói, Kim Lan có cả một không gian văn hóa như đình, đền, chùa, miếu, lễ hội ven sông, có ẩm thực từ sông mang đến, có một ký ức, một câu chuyện lịch sử gắn liền với sông. Hệ sinh thái sông của Kim Lan đáng được xem là một nguồn di sản quý giá để phát triển môi trường văn hóa, đẩy mạnh du lịch làng nghề, nuôi dưỡng con người và tạo đà cho một giai đoạn phát triển mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kim Lan sông “vẽ” nên làng