Hà Nội 360

Hướng đi mới của làng gốm Bát Tràng

Triệu Sơn 17/12/2023 14:03

Không cần phải đến tận làng nghề truyền thống Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm), giờ đây, người tiêu dùng chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên điện thoại/ máy tính là đã có thể sở hữu các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng.

Có thể khẳng định, việc đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok... đã mang lại “đời sống mới” cho sản phẩm, đưa thương hiệu Bát Tràng đến mọi miền đất nước và cả thị trường quốc tế.

Chuyển đổi số, chuyển đổi tư duy

bat-trang-1.jpg
Nhiều người dân làng nghề Bát Tràng đã bắt đầu bán hàng theo hình thức livestream.

Về Bát Tràng vào những ngày cuối năm này mới thấy, bộ mặt làng nghề đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Cửa hàng, cửa hiệu mọc lên san sát, chợ làng nghề tấp nập người ra vào mua bán, giao thông thông thoáng, thuận tiện. Những năm gần đây, các hộ sản xuất lắp thêm lò ga, thay lò hộp nung than khiến du khách có chung cảm nhận rằng làng nghề Bát Tràng khói bụi xưa nay đã “xanh” hóa. Đặc biệt, có một sự thay đổi mới mẻ đến từ làn gió “công nghệ số”. Đi khắp 2 thôn Bát Tràng, Giang Cao của xã Bát Tràng, đâu đâu cũng thấy sản phẩm gốm sứ được các công ty, hộ kinh doanh, sản xuất vừa và nhỏ quảng bá và tiếp thị trên các ứng dụng điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội...

Ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 500 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ, trong đó có trên 50% số hộ dân đã biết quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Để người mua có thêm sự tin cậy, có nhiều lựa chọn, các hộ dân đã tiến hành livestream trên trang Facebook cá nhân. “Người dân ứng dụng công nghệ vào bán hàng khiến việc mua hàng trở nên dễ dàng hơn so với cách bán hàng truyền thống. Hiện nay, huyện Gia Lâm đã xây dựng sàn thương mại điện tử của các làng nghề trên địa bàn huyện. Tới đây chúng tôi sẽ nghiên cứu xây dựng sàn thương mại điện tử của xã, do chính quyền xã quản lý, thông qua đó quản lý được chất lượng hàng hóa, nâng cao thương hiệu cho sản phẩm” - ông Khôi chia sẻ.

Trong mảng dịch vụ du lịch cũng vậy, Bát Tràng đang hướng tới cung cấp thông tin cho khách du lịch thông qua QR Code - “Du lịch thông minh”. Theo ông Đặng Đình Túc, Trưởng ban đại diện Làng nghề gốm sứ Giang Cao, hiện khách du lịch có thể dễ dàng sử dụng điện thoại để thực hiện những thao tác cần thiết như trả tiền taxi, đặt chỗ nhà hàng, nhà nghỉ và tìm kiếm thông tin về các gian hàng, sản phẩm OCOP, lựa chọn điểm tham quan tiếp theo thông qua mã QR được cung cấp. “Về lâu dài, chúng tôi muốn xây dựng Điểm du lịch làng gốm cổ Bát Tràng và làng nghề gốm sứ Giang Cao trở thành “địa chỉ đỏ” để du khách có thể tham quan, trải nghiệm, mua sắm...” - ông Túc thông tin.

Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa - du lịch, bà Phùng Thị Hoài Hương, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Gia Lâm cho biết, huyện sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu số các di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng; phát triển du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ thuyết minh tự động, số hóa các điểm đến du lịch bằng giao diện ảnh 360, Flycam, phim 3D; quảng bá, kết nối điểm du lịch với du khách qua các nền tảng trực tuyến. Trong thời gian tới, huyện sẽ hình thành bản đồ số du lịch Gia Lâm với thông tin về các điểm đến, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn để du khách có thể tìm kiếm một cách nhanh chóng và thuận tiện, tạo hình ảnh tốt đẹp về Gia Lâm - Điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”.

bat-trang.jpg
Du khách chọn mua sản phẩm gốm Bát Tràng. Ảnh: Linh Tâm

Để chuyển đổi số lan tỏa mạnh mẽ hơn

Là thế hệ thứ 15 của một gia đình có nghề gốm gia truyền lâu đời tại Bát Tràng, bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội cho biết, nhờ áp dụng công nghệ thông tin mà sản phẩm làng gốm Bát Tràng đã vươn tới các thị trường xa trong cả nước và quốc tế. Bát Tràng là xã đi đầu trong việc ứng dụng chuyển đổi số và kết quả đã được chính quyền Thành phố ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, trình độ nhận thức và triển khai tuyên truyền, tổ chức việc bán hàng online ở Bát Tràng còn hạn chế. Đa số người dân bán hàng tự phát, chưa có chiến lược kinh doanh bài bản. Do vậy, việc cần thiết lúc này là đào tạo chuyên sâu cho các nghệ nhân, thợ làm nghề, giúp họ thấy được tầm quan trọng của chuyển đổi số, hiểu rõ cách quảng bá sản phẩm trên môi trường mạng.

“Người dân tại làng nghề Bát Tràng đang thiếu các lớp học để nâng cao kiến thức, học cách quảng bá sản phẩm làng nghề. Cần tạo niềm tin cho khách hàng online để người mua hàng một lần sẽ còn quay lại lần sau, nhất là trên môi trường mạng người mua và người bán không giao dịch trực tiếp với nhau” - bà Vinh nhấn mạnh.

Chia sẻ về giải pháp đẩy mạnh việc đưa sản phẩm gốm Bát Tràng xâm nhập thị trường online, ông Đặng Đình Túc chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn thành lập Hiệp hội Làng nghề của 2 làng Bát Tràng và Giang Cao, hình thành ban chuyên nghiên cứu về thị trường, ban tuyên truyền và tổ chức các giải pháp bán hàng qua kênh online; lắp đặt wifi chất lượng cao. Cũng cần thường xuyên tổ chức tập huấn để đội ngũ bán hàng qua kênh online, chủ doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh không chỉ giỏi ứng dụng công nghệ mà còn giỏi về giao tiếp, thành thạo về ngoại ngữ” - ông Túc đề xuất.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tòng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng mỹ thuật sản phẩm làng nghề Việt Nam khẳng định, để việc ứng dụng công nghệ số lan tỏa mạnh mẽ tại các làng nghề không chỉ riêng Bát Tràng, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh trực tuyến, đặc biệt là kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội. Nhà nước cần ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến kinh doanh trực tuyến và tổ chức tuyên truyền, phổ cập pháp luật cho những cá nhân, tổ chức tham gia kinh doanh trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội. Các cơ quan lập pháp cần bổ sung để hoàn thiện quy định về kinh doanh thương mại điện tử.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng đi mới của làng gốm Bát Tràng