Xưa và nay

Đình Nam Đồng

Khánh Vi 11/11/2024 - 06:04

Đình Nam Đồng (số 73 phố Nguyễn Lương Bằng, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội) là nơi thờ Thái úy Lý Thường Kiệt (1019 - 1105), vị anh hùng dân tộc ở thế kỷ XI.

nam-dong.jpg

Lý Thường Kiệt vào triều năm 23 tuổi và giữ nhiều trọng trách trong suốt 3 đời vua: Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông. Ông thường xuyên theo phò các vị vua trong những trận chiến dẹp giặc ngoại xâm như quân Chiêm Thành, quân Tống. Năm 1077, sau khi quân Tống bị đánh bại hoàn toàn, Lý Thường Kiệt được vua cho cai quản trại Nam Đồng. Tại đây, ông đã dạy dân khai khẩn đất đai canh tác, phát triển làng mạc. Năm 1105, khi ông qua đời, vua Lý Nhân Tông đã cho lập đền thờ Lý Thường Kiệt ở nhiều nơi. Người dân trại Nam Đồng cũng lập đền thờ và tôn ông là thành hoàng làng.

Theo các nguồn thư tịch cổ, đình Nam Đồng được khởi dựng vào thế kỷ XVII. Diện mạo kiến trúc đình hiện nay mang dấu ấn phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Xưa kia, trước cửa đình có một ao lớn, nhưng cuối thế kỷ XIX, người Pháp đã cho lấp ao để mở tuyến đường nối Hà Nội với Hà Đông.

Đình Nam Đồng quay về hướng đông bắc, nghi môn kiểu tứ trụ nằm sát với phố Nguyễn Lương Bằng. Bên trong là sân, giếng khơi và cây sanh cổ thụ. Các hạng mục công trình chính của đình gồm: Nghi môn, đại bái, hậu cung, tả - hữu mạc... Nghi môn đình gồm hai cột đồng trụ, trên đỉnh đắp đôi nghê chầu. Phía dưới là các ô lồng đèn trang trí tứ linh, tứ quý. Thân trụ đắp đôi câu đối chữ Hán.

Kiến trúc chính của đình có kết cấu dạng chữ “Đinh”, gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Tòa đại bái được xây kiểu tường hồi bít đốc, tay ngai, mái lợp ngói mũi hài cổ. Chính giữa bờ nóc đắp hình hổ phù đội mặt trời, hai đốc mái đắp đầu kìm cách điệu. Phía trước các gian mở cửa kiểu “thượng song hạ bản”, nền lát gạch Bát Tràng.
Hậu cung gồm 3 gian với các bộ vì đỡ mái kết cấu kiểu “thượng giá chiêng, hạ cốn”. Bên ngoài là hàng hiên rộng. Hai bên hồi hiên đắp tượng hai vị thần bảo hộ là Vũ Đinh, Thiên Ất. Tại các bức cốn hiên chạm trổ nhiều hoa mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Trong đình hiện còn lưu giữ nhiều di vật có niên đại từ thế kỷ XVII - XIX như 1 quả chuông đồng niên hiệu Chính Hòa thứ 11 (1690), 5 tấm bia đá có niên đại trải dài từ thế kỷ XVIII - XIX; 1 hương án, 1 bộ long ngai bài vị, 1 kiệu bát cống, 1 bộ kiệu long đình cùng nhiều đồ tế khí...

Đình Nam Đồng đã được xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1991.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đình Nam Đồng