Xưa và nay

Đình Tương Mai

Quỳnh Ngọc 28/10/2024 - 06:13

Đình Tương Mai là ngôi đình cổ nằm tại địa chỉ số 13 phố Nguyễn Đức Cảnh (phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

dinh-tuong-mai.jpg

Đình được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XV, là nơi phụng thờ vị tướng tài Trần Khát Chân (1370 - 1399), người đã tiêu diệt Chế Bồng Nga trong trận đánh trên sông Luộc (Hải Triều) vào năm 1390, buộc quân Chiêm phải rút lui hoàn toàn. Khi ấy, ngài vừa tròn 20 tuổi. Sau khi lập công, ngài được vua Trần Thuận Tông ban cho vùng đất Kẻ Mơ.

Năm 1399, trong hội thề ở núi Đốn, Trần Khát Chân cùng em trai Trần Hãng và một số tôn thất, tướng lĩnh mưu sát thái sư Hồ Quý Ly. Việc bại lộ, anh em ngài cùng tướng Phạm Ngưu Tất và 400 người khác tử trận ngày 24 tháng Tư. Triều Trần chấm dứt từ đây.

Ghi nhớ công ơn của anh em Trần Khát Chân, từ triều Lê cho đến các triều đại sau này đều ban sắc phong cho hai ngài là Thượng đẳng phúc thần. Nhân dân các làng xã ở Thanh Hóa và vùng Kẻ Mơ (Thăng Long) đều lập đền thờ ngài.

Vào thời Mạc, năm 1530, làng Tương Mai (tên nôm là làng Mơ Cơm) được tách ra từ làng Hoàng Mai thuộc hương Cổ Mai (Kẻ Mơ). Trước kia, làng Tương Mai có hai ngôi đình gồm đình Trong ở giữa làng và đình Ngoài ở xóm Nam. Năm 1947, cả hai đã bị phá hủy để tiêu thổ kháng chiến nhưng còn sót lại hậu cung và tượng thánh ở đình Ngoài. Năm 1992, dân làng đã trùng tu đại đình và hậu cung.

Tam quan đình nằm sát đường Nguyễn Đức Cảnh, được xây kiểu trụ biểu. Tiếp đó là một khoảng sân rộng, hai bên là nhà tả, hữu vu, hai đôi voi đá và sấu đá. Trên nóc nhà tiền tế đắp hình hổ phù, dưới có một tấm biển gỗ đề bốn chữ Hán: “Trần thượng tướng từ”. Bên trong tiền tế và hậu cung có nhiều bệ thờ. Bên trong cùng hậu cung đặt tượng Trần Khát Chân, bên cạnh là tượng Phạm Ngưu Tất được tạc bằng đá xanh.

Trong đình Tương Mai hiện còn lưu giữ tấm bia "Cổ Mai bi ký" ghi lại truyền thuyết về danh tướng Trần Khát Chân. Bên cạnh đó là 10 đạo sắc phong được các triều vua ban cho hai anh em ngài và 2 đạo sắc phong ban cho Phạm Ngưu Tất. Đạo cổ nhất đề Cảnh Hưng nguyên niên (1740), đạo cuối cùng ghi năm Khải Định thứ 9 (1924). Ngoài ra còn có 1 quả chuông đồng ghi niên hiệu Thành Thái 10 (1898); đôi câu đối bằng chữ Hán treo trong hậu cung...

Đình Tương Mai đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp thành phố năm 1984.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đình Tương Mai