Xưa và nay

Chùa Dục Khánh và điện Huy Văn

Quỳnh Ngọc 30/09/2024 - 13:34

Được khởi dựng từ thế kỷ XV, chùa Dục Khánh (hay chùa Huy Văn) nằm trên đất làng Huy Văn thuộc tổng Hữu Nghiêm (huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên xưa).

Ngày nay, chùa nằm giữa ngõ Huy Văn và ngõ Văn Chương (phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội).

chua-1.jpg

Ban đầu, chùa có tên Hoa Văn do nằm bên bến đò Hoa của sông Kim Ngưu và hồ Văn Chương. Tên chùa được ghép lại thành “Hoa Văn” và đọc chệch thành “Huy Văn”. Sau này, chùa được vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) đổi tên là “Dục Khánh” để ghi nhớ nơi ngài sinh ra và lớn lên.

Tương truyền, do khủng hoảng thế sự trong kinh thành, bà Tiệp dư Ngô Ngọc Dao - phi tần của vua Lê Thái Tông, phải rời cung ra ở chùa Huy Văn. Lúc này, bà đã mang thai Lê Tư Thành (tên húy của vua Lê Thánh Tông). Năm 1460, sau khi phế truất Lê Nghi Dân, triều đình đón Lê Tư Thành về và lập làm vua.

Vua Lê Thánh Tông trị vì đất nước từ năm 1460 đến 1497, được ca ngợi là vị vua có tài thao lược cả về chính trị, quân sự, kinh tế lẫn nông nghiệp, văn học nghệ thuật... Triều đại Lê Thánh Tông là triều đại cực thịnh, đất nước ổn định, kỷ cương nhất trong chế độ phong kiến Việt Nam.

Quần thể chùa Dục Khánh bao gồm chùa Dục Khánh và điện Huy Văn, lối kiến trúc kiểu “tiền Thần, hậu Phật”. Điện Huy Văn nằm ở phía trước, gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung nối liền tạo thành hình chữ “Nhị”. Bên trong hậu cung có ban thờ lớn, chính giữa là tượng vua Lê Thánh Tông ngồi trên ngai rồng đặt trong khám lớn, bên phải là khám thờ và tượng Quang Thục hoàng thái hậu, bên trái là khám và tượng hoàng hậu - vợ vua Lê Thánh Tông.

Tòa tam bảo chùa Dục Khánh nằm phía sau điện Huy Văn được xây theo kiểu chuôi vồ, có bố cục mặt bằng hình chữ “Đinh”, gồm 5 gian tiền đường và 3 gian thượng điện. Ngoài hiên chùa có treo bức hoành phi đề “Dục Khánh thiền tự”.

Bên trong Phật điện bài trí nhiều lớp tượng Phật xen kẽ với tượng vua Lê Thái Tông và Quang Thục hoàng thái hậu (thân phụ và thân mẫu của vua Lê Thánh Tông), tứ trụ triều đình, tượng Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ - 2 người đã có công phò trợ mẹ con vua Lê Thánh Tông thuở hàn vi… Ngoài ra, trong khuôn viên chùa Dục Khánh còn có khu nhà Tổ 3 gian, vườn tháp và nhà giảng kinh.

Hiện trong khuôn viên cụm di tích chùa Dục Khánh - điện Huy Văn còn lưu giữ 2 pho tượng cổ là tượng Quang Thục hoàng thái hậu và vua Lê Thánh Tông; tấm bia “Dục Khánh tự bi ký” (1679) và “Trùng tu Huy Văn điện bi ký” (1823); các bức đại tự đề chữ “Hợp đức thần nguyên” và “Hoàng đức lưu phương” ca ngợi Quang Thục hoàng thái hậu và hoàng hậu vợ vua cùng nhiều hiện vật quý khác.

Năm 1996, chùa Huy Văn được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chùa Dục Khánh và điện Huy Văn