Xưa và nay

Ngôi chùa cổ lưu giữ căn hầm kháng chiến thời chống Pháp

Đỗ Minh 02/05/2024 - 20:00

Ngôi chùa cổ Bối Khê, ở thôn Song Khê, xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai), có căn hầm từ thời kháng chiến chống Pháp, lưu giữ nhiều chứng tích lịch sử hào hùng...

Thế liên hoàn dưới lòng đất

Những ngày nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua, rất đông du khách viếng thăm chùa Bối Khê ở thôn Song Khê, xã Tam Hưng. Du khách đến đây không chỉ lễ Phật mà còn chiêm ngưỡng ngôi chùa cổ với nhiều dấu tích lịch sử. Đặc biệt, ở phía sau chùa Bối Khê có căn hầm, cũng là địa đạo, từ thời kháng chiến chống Pháp, được xây từ tháng 1-1948.

Với 3 ngách chính, hầm - địa đạo vừa có tác dụng chuyển quân, vừa là tuyến phòng thủ vững chắc. Căn hầm - địa đạo "góp công" lớn cùng quân và dân làng Bối Khê đập tan 3 cuộc càn quét của giặc Pháp, tiêu diệt 372 tên địch.

ham-boi-khe.jpg
Lối xuống địa đạo trong chùa Bối Khê, xã Tam Hưng: Ảnh: Phòng VH-TT huyện Thanh Oai

Men theo địa đạo, chúng tôi được nghe Trưởng thôn Song Khê Kiều Văn Thùy kể chuyện: Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Bối Khê là cơ sở cách mạng. Hệ thống hầm kiểu mẫu được đào sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngày 19-12-1946. Ban đầu, hầm là nơi nuôi giấu cán bộ, cất trữ lương thực, sau trở thành "pháo đài" chặn đứng các cuộc càn quét của giặc.

Xuất phát từ bờ ao nhà ông Xuân Thành, đi qua khu vườn, hầm chạy qua gốc bàng, thông tới điện Phật, qua Nhà thờ Trạng nguyên Nguyễn Trực (gần chùa Bối Khê) và chạy vòng quanh làng Bối Khê. Hệ thống hầm dài 3km. Cửa chính thứ nhất nằm ở nhà ông Xuân Thành. Cửa thứ hai ở Nhà thờ Trạng nguyên Nguyễn Trực. Một cửa thông ra bờ ao vườn nhà bà Hai Khoác, thông với đường hầm nhà ông Xuân Thành, tạo thế liên hoàn dưới lòng đất.

cua-ham-boi-khe.jpg
Điểm xuống địa đạo tại hầm kháng chiến, chùa Bối Khê được huyện Thanh Oai khôi phục, bảo tồn. Ảnh: Phòng VH-TT huyện Thanh Oai

Người dân xã Tam Hưng nói riêng và huyện Thanh Oai nói chung luôn tự hào với chứng tích lịch sử này và coi đó là minh chứng cho tinh thần yêu nước của người dân. Theo Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi, từ căn hầm kiểu mẫu tại chùa Bối Khê, năm 1949, Huyện ủy Thanh Oai ra nghị quyết lấy mô hình làng kháng chiến Bối Khê làm làng kháng chiến kiểu mẫu. Tháng 12-1949, Tỉnh ủy Hà Đông ra nghị quyết phát động toàn tỉnh xây dựng làng kháng chiến kiểu mẫu như làng Bối Khê.

Phát triển tuyến du lịch tâm linh

Hiện nay, các hầm kháng chiến năm xưa ở Tam Hưng và xã lân cận đều dần phủ kín, khuất lấp theo thời gian, chỉ có hầm ở chùa Bối Khê vẫn còn giữ được một cửa và địa đạo dài khoảng 7m. Huyện Thanh Oai đã cải tạo, gìn giữ địa đạo này...

Không chỉ lưu giữ căn hầm kiểu mẫu từ thời chống Pháp, chùa Bối Khê còn là ngôi chùa cổ có kiến trúc độc đáo. Được xây dựng từ thời Trần, chùa Bối Khê được công nhận là Di tích văn hoá lịch sử cấp quốc gia năm 1979. Trong chùa hiện còn lưu giữ bệ sen đỡ tượng Quan Âm có chạm khắc hình chim thần Garuda, chịu ảnh hưởng của nghệ thuật chạm khắc Chăm-pa; bia “Bối động thánh tích bi ký” từ năm 1453 ghi lại sự tích Thánh Bối; hai quả chuông lớn đúc năm Thiệu Trị thứ 4 (1844); pho tượng Quan Âm 12 tay độc nhất vô nhị; một số bia từ thời Trần cùng 22 đạo sắc phong từ thời Lý đến thời Nguyễn; hai giếng ngọc bên hông chùa...

Đặc biệt, chùa có hệ thống tượng Phật cổ gồm 12 pho, từ Hộ pháp, Tam thế Phật, tòa Cửu Long, Thập điện Diêm vương, các tượng La Hán bằng đất nung…

chua-boi-khe.jpg
Chùa Bối Khê nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Minh Đỗ

Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, huyện xác định chùa Bối Khê có giá trị đặc biệt, là điểm du lịch văn hóa tâm linh nằm trong tuyến chùa Hương (huyện Mỹ Đức), đền Đức Thánh Cả (huyện Ứng Hòa). Mới đây, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hoà công bố tuyến du lịch "Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - điểm về nguồn cội". Đây là tuyến du lịch nằm trong kế hoạch phát triển hệ thống tuyến du lịch kết nối trung tâm Hà Nội với ngoại thành, xa hơn là kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô Hà Nội...

tien-duong-chua-boi-khe.jpg
Du khách đến chiêm bái, vãng cảnh chùa Bối Khê. Ảnh: Minh Đỗ

Trong khu vực phía Nam Thủ đô Hà Nội, với mật độ cao các làng nghề, di tích - văn hóa - lịch sử, kết nối trung tâm Hà Nội với 3 huyện Thanh Oai, Ứng Hòa và Mỹ Đức thông qua trục quốc lộ 21B, tạo những nét đầu tiên của bức tranh du lịch "Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội", di tích văn hoá lịch sử như chùa Bối Khê, Đền Nội… sẽ là điểm nhấn ấn tượng - ông Bùi Văn Sáng kỳ vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngôi chùa cổ lưu giữ căn hầm kháng chiến thời chống Pháp