Xưa và nay

Về Bình Đà tìm những dấu xưa

Bài và ảnh: Nguyễn Minh Hoa 18/02/2024 - 14:32

Trải bao thăng trầm lịch sử, các thế hệ người dân Cổ Nõi xưa (nay là thôn Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội) vẫn kể cho con cháu nghe truyền thuyết mẹ Âu Cơ sau khi sinh 100 trứng nở ra 100 con đã dẫn 50 người lên núi, còn 50 người kia xuống biển theo cha, và Bình Đà là nơi Quốc tổ Lạc Long Quân cùng các con dừng chân để khai cơ lập nghiệp, mở mang dòng dõi tiên - rồng.

binh-da.jpg
Đền thờ Lạc Long Quân.

Một vùng địa linh

Các cụ cao niên làng Bình Đà kể: Hằng năm, cứ sắp đến hội đền Hùng mùng 10 tháng Ba thì ngày mùng 5, đại diện của đền Hùng lại xuống đình Nội Bình Đà đặt lễ, xin 5 chân nhang mang về trên ấy, sau đó mới sắm sửa lễ vật tổ chức lễ hội.

Nghe chuyện mà lòng thấy rưng rưng. Biết bao mùa xuân tiền nhân đã mòn đường trở lại chốn tổ để cúi xin chân hương về phụng thờ. Và cũng đã bao mùa xuân các lớp hậu sinh vẫn trọn vẹn đức tin cùng niềm tự hào con rồng, cháu tiên...

Cái tên Bình Đà mới có từ năm 1921, chứ danh xưa là Bảo Đà. Đất này không chỉ có phù sa Nhuệ Giang và sông Đáy bồi đắp, mà còn có Đỗ Động Giang, dòng sông chứa nhiều bí ẩn, linh thiêng chảy qua. Gò Ba Đống đồng Thượng, sách Tả Ao gọi là “gò Tam Thai”, dân gian gọi là “Ba Gò”, tương truyền là mộ phần Quốc tổ Lạc Long Quân. Quanh Ba Gò có 12 gò đồi rải rác, 6 mạch nước tựa như 6 con rồng chầu về, cùng 2 triền đất nổi như đôi phượng múa, tạo nên thế “Lục long chầu hội, lưỡng phượng giao phi”. Suốt 6 thế kỷ, 16 vị vua các triều đại đều về Bình Đà dâng lễ Quốc tổ. Hiện có 16 hiến sắc suy tôn Lạc Long Quân là “Khai quốc thần” được lưu giữ tại đình Nội và Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Đình Nội từng chịu nhiều biến cố của chiến tranh, sau đó được dân làng và người thập phương đóng góp trùng tu, tôn tạo. Năm 1985 đình được công nhận là Di tích lịch sử nghệ thuật cấp quốc gia; năm 1991 được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Cảnh quan được gìn giữ tôn nghiêm nhưng cũng là không gian mở để đón khách thập phương tìm về chốn tổ. Đặc biệt, ở hậu cung có bức phù điêu bằng gỗ sơn son thếp vàng có niên đại cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX tạc hình Quốc tổ Lạc Long Quân vận áo hoàng bào, đội mũ bình thiên cùng các Lạc hầu, Lạc tướng dự hội đua thuyền mà hậu sinh đồ rằng được tổ chức trên dòng Đỗ Động Giang. Đây là bức phù điêu độc bản, là di vật có giá trị nghệ thuật - tín ngưỡng độc đáo, năm 2015 được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Trong không gian thiêng, được chiêm ngưỡng bức phù điêu, được giải nghĩa những hoành phi, câu đối, lòng bỗng trào dâng cảm xúc về mạch nguồn lịch sử như lớp trầm tích quý báu được tạo dựng, vun đắp từ đức tin của muôn dân về dòng dõi tiên rồng, về ý nghĩa thiêng liêng của hai tiếng “đồng bào”.

Huyền bí tục thả bánh thánh

Hằng năm, làng Bình Đà chính hội vào mùng 6 tháng Ba âm lịch, nhưng cửa đình mở từ ngày 26 tháng Hai. Đây là lễ hội lớn trong vùng với những nghi thức rước mã, múa rồng và đặc biệt là tục làm bánh thánh, thả bánh thánh ở giếng ngọc cạnh đình. Năm 2014, Lễ hội Bình Đà được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Bánh thánh là một lễ vật đặc biệt hàm chứa trong đó sự huyền bí của tư duy, ý niệm, ước vọng của người dân địa phương. Cho đến giờ, những gì người dân được trao truyền như công thức, cách làm bánh, thả bánh trong lễ hội với các nhà nghiên cứu vẫn là một ẩn số. Xưa nay chỉ có trưởng họ Nguyễn ở thôn Chua (tên chữ là thôn Minh Châu) được làm bánh thánh. Ông Nguyễn Văn Nam, 77 tuổi, người đang đảm nhiệm việc này cho biết, nếu tính cả hồi trẻ phụ giúp cha rồi sau này tự tay làm thì ông đã có 42 năm làm bánh thánh. Vì sao phải tuân theo nguyên tắc bí truyền thì không rõ, “chỉ biết người trước làm sao người sau làm vậy”.

Ông Nam cho biết: “Chuẩn bị hội làng tháng Ba năm nay, tôi phải lo liệu mọi việc từ trong năm. Vật dụng làm bánh phải mới, sạch, tinh. Nguyên liệu phải là thứ gạo nếp ngon nhất, bột gạo trắng thơm, được giã, rây lọc kỹ càng. Nhân bánh tinh luyện từ thảo mộc, hoa trái, những vị nào thì tôi không được nói. Làm bánh thánh không dùng đấu, dùng bơ mà chỉ dùng tay đong đếm...”.

Ngày mùng 5 tháng Ba là ngày quan trọng. Theo nếp xưa, bánh được làm ngay tại tả mạc đình. Bạt quây kín, vải đỏ giăng. “Bánh làm xong đựng trong bát quý lấy từ hậu cung, đặt vào khay gỗ sơn son rồi dâng vào hậu cung. Phải có bánh này thì mới thực hành lễ tế được” - ông Nam chia sẻ.

Hôm sau là chính hội, nhằm giờ tốt bánh được rước ra giếng làng. Nghi thức thả bánh thánh huyền bí đến mức dù giữa thanh thiên bạch nhật mà người làng không ai được mục sở thị, trừ vị chủ tế. Chả riêng ông Nam mà các cụ trong ban khánh tiết cùng tất thảy mọi người có mặt ở lễ hội đều hồi hộp trông ngóng...

Cứ mỗi độ xuân về, cùng với các công việc chuẩn bị lễ hội, người dân 7 thôn của xã Bình Minh - gồm thôn Thượng (Trạch Thượng), Chằm (Trạch Hạ), Chợ (Cao Thị), Chua (Minh Châu), Quếch (Đường Quếch), Đìa (Phượng Trì), Dộc (Đường) - lại hăng say cấy trồng vụ mới trên cánh đồng vua Lý Thái Tông từng cày tịch điền, cũng là nơi Bác Hồ kính yêu đã về thăm vào tháng 10-1959. Nói về truyền thống quê hương, ông Nguyễn Ngọc Khoa (77 tuổi, nguyên Bí thư Huyện ủy Thanh Oai) hồ hởi cho biết: “Tôi thật tự hào khi được sinh ra, lớn lên ở vùng đất địa linh gắn với huyền thoại tiên rồng này, tự hào được chung tay xây dựng quê hương thêm giàu đẹp”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về Bình Đà tìm những dấu xưa