Nâng cao hiệu quả quản lý di sản gắn với phát triển du lịch tại Thanh Oai
Chiều 16-5, HĐND huyện Thanh Oai tổ chức phiên giải trình về công tác quản lý di tích và hoạt động của các Ban quản lý di tích trên địa bàn.
Theo thống kê, toàn huyện Thanh Oai hiện có 266 di tích, trong đó, 146 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, 70 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, 76 di tích được xếp hạng cấp thành phố.
Từ năm 2021 đến nay, Thanh Oai đã có 6/33 dự án hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng (chùa Khê Tang - xã Cự Khê; đình Minh Kha, đền Bà, đình Sinh Liên - xã Bình Minh, đình Cao Mật Hạ - xã Thanh Cao, đền Hoàng Trung - xã Hồng Dương). Dự kiến, năm 2024, có 13 dự án di tích hoàn thiện, bàn giao đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, công tác quản lý di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch còn hạn chế cần điều chỉnh, hoàn thiện, để di sản văn hóa thực sự trở thành nhân tố quan trọng, phục vụ phát triển du lịch địa phương. Đáng lưu ý, trên địa bàn huyện vẫn còn không ít di tích xuống cấp, thiếu kinh phí, thiếu chuyên gia giỏi tư vấn trùng tu, bảo tồn.
Tại phiên giải trình, các đại biểu HĐND huyện đề nghị làm rõ một số nội dung gồm: Hiệu quả khai thác, phát huy giá trị các di tích; vấn đề quản lý, theo dõi nguồn thu, công đức bằng tiền và hiện vật tại các di tích… 4 lãnh đạo phòng, ban UBND huyện và 5 chủ tịch UBND xã đã giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm.
Phát biểu tại phiên giải trình, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng tiếp thu và làm rõ thêm các nội dung, đồng thời nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để giải quyết các tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch thời gian tới.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng yêu cầu, các địa phương, các cấp, các ngành tích cực, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch gắn với văn hóa truyền thống; tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực này. Ngoài ra, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiến hành các biện pháp bảo vệ di tích, chống xâm phạm đất đai, cảnh quan môi trường di tích; thường xuyên tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp, quá trình tu bổ cần tôn trọng tính nguyên gốc của di tích.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, địa phương cần tổ chức nghiên cứu và đánh giá nguồn tài nguyên du lịch về di sản văn hóa, xem xét các điều kiện về cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, từ đó đưa ra các giải pháp trước mắt cũng như kế hoạch lâu dài. Đặc biệt, cần đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên có kiến thức, am hiểu di sản văn hóa của huyện; lựa chọn một số làng cổ của địa phương để có định hướng bảo tồn. Đồng thời, hoàn chỉnh mạng lưới giao thông tới các di tích trong lịch trình, tạo điều kiện thuận lợi thu hút du khách.