Xưa và nay

Tìm về nơi có điệu múa rồng cầu may

Giang Nam 22/01/2024 - 06:37

Trong những vùng đất có nghề truyền thống, làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) là nơi có nét đặc biệt riêng. Với kỹ nghệ làm nghề điêu luyện, vùng đất này từng có những chiếc nón được dùng làm cống phẩm dâng lên hoàng hậu, công chúa.

Không chỉ vậy, làng Chuông còn là nơi lưu giữ lễ hội xuân với điệu múa rồng cầu may, tích thổi cơm thi độc đáo. Chẳng thế mà cứ cách 5 mùa xuân là hội Chuông lại rộn rã xa gần với dòng người nô nức nối nhau theo các đoàn rước dài cả vài cây số.

638398757790613189-34365776.jpg
Hội làng Chuông với màn trình diễn múa rồng cầu may.

Lưu truyền giá trị ngàn năm

Từ trung tâm thành phố Hà Nội, xuôi đường 21B, tôi tìm về làng Chuông. Cũng thực lạ, nhắc đến làng Chuông thì ai cũng biết, tận tình chỉ dẫn. Điều đó cho thấy “nón Chuông”, “làng Chuông” đã vang danh khắp xa gần.

Ông Phạm Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Trung hồ hởi đưa tôi dạo quanh làng. Ông bảo, muốn biết làng xã phát triển ra sao thì phải đi một vòng để hiểu và cảm nhận. Quả vậy, có đến nơi mới thấy, làng nghề giờ đã có những con đường mới thênh thang. Ven các xóm là những bức bích họa vui mắt, sạch sẽ. Hình ảnh chiếc nón có thể thấy ở mọi nơi. Nghe nói, xã Phương Trung hiện cơ bản đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao và nghề truyền thống làm nón lá cũng góp phần tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế ở nơi này.

Thấy tôi ngắm nhìn những hình ảnh đẹp của lễ hội làng được treo trang trọng nơi góc đình, ông Phạm Ngọc Bảo chia sẻ, hội làng là dịp để những người con xa xứ tìm về, nhà nhà đoàn tụ, là dịp để người với người gần nhau hơn.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phương Trung, hội làng Chuông được mở từ ngày 9 đến 11-3 âm lịch. Hội phát tích như thế nào, từ năm nào thì ngay cả những cụ cao niên trong làng cũng không rõ cụ thể. Chỉ biết rằng người làng Chuông sinh ra là đã thấy có hội rồi. Ông Phạm Ngọc Bảo cũng vậy, từ lúc lẫm chẫm đã được mẹ, được bà dắt đi xem hội. Đến nay, là một cán bộ xã và được giao phụ trách công tác bảo tồn di tích nhưng để truy tận cùng đáp án hội làng có từ khi nào, thật sự với ông Bảo đó vẫn là câu hỏi khó.

Tuy nhiên, có một điểm không thể phủ nhận là suốt cả trăm năm nay Phương Trung là tên gọi của một xã lớn nhưng chỉ có duy nhất một làng Chuông. Nói nôm na là ở vùng đất Việt cổ Đồng bằng sông Hồng, không nhiều ngôi làng trở thành đơn vị hành chính cấp xã như làng Chuông. Định danh “nhất làng nhất xã” cũng vì thế trở thành nét độc đáo riêng có của người dân nơi đây. Chẳng thế mà đến nay, người Phương Trung vẫn thích được gọi bằng cái tên thân thương - “người làng Chuông”.

Cả xã là người cùng làng, bởi vậy, sự gắn kết cộng đồng để tổ chức hội làng cũng thuận lợi hơn các địa phương khác. Từ khâu kêu gọi người dân tham gia đến việc phân công nhiệm vụ để hội Chuông được tổ chức thành công đều diễn ra trơn tru. Ai nấy chỉ sợ mình không được góp tên, góp sức cho làng. Ông Bảo vẫn nhớ như in những ngày làng mở hội, đường phố như hẹp lại với đoàn rước kéo dài 2 - 3 cây số. Người xem hội nối nhau chật cứng. Tiếng reo hò, cổ vũ không ngừng nghỉ...

“Mồng mười đi chợ Chuông chơi”

Theo lời các cao niên trong vùng thì làng Chuông thờ “Lục vị Thành hoàng”, gồm hai vị thiên thần (Địa kỳ và Thổ kỳ), bốn vị nhân thần là đức Phùng Hưng, đức Đỗ Huệ, thánh mẫu Tiên Dung và đức Nguyễn Xí. Đây đều là những vị có công với làng, được nhân dân suy tôn, và hội Chuông cũng nhằm tưởng nhớ những người có công mở đất, giữ làng.

Ông Phạm Ngọc Bảo chia sẻ, xác định mục tiêu giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống là cấp bách và quan trọng hàng đầu nên từ cấp ủy, chính quyền đến nhân dân địa phương đều nhận thức rõ rằng tục cũ, nếp xưa liên quan tới lễ hội cần được giữ gìn ở mức cao nhất.

Trong thực tế, các nghi thức tế lễ và di tích trên địa bàn đều được gìn giữ kỹ lưỡng. Điểm thay đổi, có chăng là ở thời gian mở hội. Chẳng là thuở xưa tiền nhân có quy định rằng, hội xuân thì năm nào cũng mở nhưng phải là năm có tháng nhuận thì làng Chuông mới mở hội lớn. Qua thời gian, người làng thống nhất 5 năm sẽ rước hội lớn một lần.

638398757797789879-34397333.jpg

Nhắc đến nét độc đáo của lễ hội làng Chuông, chị Nguyễn Thị Khánh Linh - công chức Văn hóa xã hội xã Phương Trung - cho biết, hội Chuông đã đi vào thơ ca dân gian, đến nay người trong làng ngoài xã vẫn bảo nhau rằng: “Mồng mười đi chợ Chuông chơi/ Xem đánh cờ người, xem thổi cơm thi”.

Cũng theo chị Nguyễn Thị Khánh Linh, hội làng Chuông luôn có ba tiết mục thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trong vùng, đó là màn trình diễn múa rồng, đấu cờ người và thổi cơm thi. Người dân làng Chuông đều cho rằng, rồng là linh vật tượng trưng cho sự cao quý, mang lại mưa thuận gió hòa, đời sống ấm no. Bởi vậy, việc có những màn trình diễn múa rồng giúp cho lễ hội được trọn vẹn. Những chàng trai làng Chuông cũng thông qua lễ hội, qua đội múa rồng mà phô diễn được sự dẻo dai, khỏe khoắn trước thiếu nữ trong làng.

Mùa hội lớn của làng Chuông ở kỳ tổ chức mới nhất là sự kiện chưa từng có khi quy tụ được 12 đội múa rồng về biểu diễn. Trước khi biểu diễn, các đội múa rồng tụ về đình làng để tế bái, sau đó mới biểu diễn quanh làng Chuông.

Chính những màn múa rồng hoành tráng với động tác tạo hình biến hóa sinh động như rồng chào, rồng phục, rồng chầu, rồng cuộn, rồng lượn, rồng đuổi ngọc, ngậm ngọc... cùng âm thanh vang dội của dàn trống hội đã tạo nên sức hút kỳ lạ đối với người xem...

Rời làng Chuông, tạm biệt các bà, các chị ngồi khâu nón trước hiên nhà với nụ cười tươi rói, tôi chợt nhớ tới câu chuyện về tương lai của nghề khi trò chuyện với ông Phạm Ngọc Bảo. Vị Phó Chủ tịch UBND xã Phương Trung nói rằng ông đang xin ý kiến cấp ủy và nhân dân, nếu nhận được sự đồng thuận thì lễ hội làng Chuông kỳ tiếp theo sẽ được tổ chức với quy mô lớn vào năm 2025. Đó sẽ là dấu mốc đáng nhớ về sự phát triển của làng, của nghề làm nón Chuông vang danh xa gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm về nơi có điệu múa rồng cầu may