Xưa và nay

Chuyện dòng Tích Giang

Giang Bùi 11/02/2024 10:06

Nói sông Tích là dòng sử thi, thật không sai. Bởi hai bên bờ sông, từ Ba Vì xuống, có những địa chỉ đã thành biểu tượng văn hóa du lịch của xứ Đoài.

Mỗi lần nghe câu ca “Sông Tích, sông Đáy lượn quanh/ Con sông tắm mát đời ta...” của nhạc sĩ Đoàn Bổng là lòng lại thổn thức. Một dòng truyền thuyết về Sơn Tinh trị thủy, khai sáng văn minh, mở mang bờ cõi, chảy đến đâu sử thi theo đến đó; một dòng văn hiến chảy đến đâu nhân kiệt của Thăng Long - Hà Nội sinh ra ở đó. Hai con sông nằm giữa lòng Hà Nội được đắp bồi qua lớp lớp thời gian đều là những di sản văn hóa, nhuốm màu huyền thoại.

hat-do.jpg
Bà Nguyễn Thị Lan (ngoài cùng bên phải) và các ca nương trẻ của CLB hát Dô Liệp Tuyết.

Ngợp trong sử thi huyền thoại

Trong những câu chuyện dân gian còn sót lại ở vùng núi Ba Vì và cả xứ Đoài hầu như đều gắn với truyền thuyết về người anh hùng trị thủy và cuộc chiến Sơn Tinh - Thủy Tinh, chế ngự thiên tai của cha ông từ thuở hồng hoang. Nếu ai từng đi du lịch Ba Vì cũng sẽ không xa lạ với những điểm đến như Đá Chông, Khoang Xanh, Ao Vua, ghềnh Bợ... quanh chân núi Tản Viên. Những địa danh đó cũng đều được lý giải bởi những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn: Chuyện Sơn Tinh quảy núi ngăn lũ lụt, cắm chông trà ở bãi Đá Chông, thả rào chăng lưới ở vùng suối Cái, rắc hạt mây để thành rừng U Bò ở Tản Lĩnh; chuyện Thánh Tản hóa thành lão nông kéo vó bên sông Tích, ăn gỏi cá ở đầm Bằng Tạ rồi cùng ông già ở làng Cẩm Đái (xã Cẩm Lĩnh, Ba Vì) đi săn muông thú... Chỉ nghe thôi đã muốn đến tận nơi.

Chảy ngầm từ lòng núi Tản Viên - núi Tổ của trời Nam, sông Tích là con sông truyền thuyết, mang sử thi từ Ba Vì, xuôi Sơn Tây, qua Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, trải khắp vùng đất bao la của xứ Đoài. Đó là con đường in dấu chân của quân Sơn Tinh đuổi Thủy Tinh mà thành. Hai bên đường sông, người dân - trong tâm thức của mình luôn hàm ơn Sơn Tinh - người anh hùng trị thủy dạy dân trồng lúa, trồng đay, dệt lụa, hát ví hát dô, hưởng thụ cuộc sống thái bình.

Hằng năm, lễ hội làng Me, xã Tích Giang (Phúc Thọ) và trò thi đánh cá thờ tưởng nhớ thần Tản Viên diễn ra tưng bừng. Đôi bờ sông Tích rực rỡ cờ hoa, rộn ràng trống mở, tiếng cười đầy ắp dòng sông; nhà nào cũng có tiệc cá - lộc của đức Thánh Tản - vị thần đứng đầu “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt. Xuôi về phủ Quốc, bên dòng Tích Giang có một địa chỉ văn nghệ dân gian là hát Dô xã Liệp Tuyết. Hát Dô - hát thờ đức Thánh Tản gắn với một tục hèm tưởng chừng không thể vượt qua.

Dân gian lưu truyền rằng, một hôm Ngài chu du dọc sông Tích, thấy ruộng đất phì nhiêu bèn gọi dân làng đến dạy cách trồng lúa, hẹn ngày lúa chín thì về, nhưng chờ mỏi mắt không thấy ân nhân. 36 năm sau, Ngài mới trở lại. Thấy dân làng giàu có, cảnh đẹp hữu tình, trai gái đôi bờ sông hát đối, tiếng hát trong trẻo, thanh âm kỳ lạ, Ngài bèn dừng chân, dạy họ múa hát và cho xây dựng Xuân Ca cung, tức đền Khánh Xuân (xã Liệp Tuyết). Trước khi đi, Ngài và dân làng giao kết 36 năm mới mở hội hát Dô một lần; nếu ai vi phạm sẽ gặp chuyện chẳng lành.

Vậy là cứ 36 năm hội hát Dô mới được mở lại một lần; thậm chí vì sợ lời nguyền mà người dân dọc sông Tích, vùng Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa (Quốc Oai) không dám nhắc tới hát Dô. Hội Dô cuối cùng ở vùng Liệp Tuyết được tổ chức năm 1962 và mãi cho đến những năm 1990, hát Dô được khôi phục lại bởi một nghệ nhân vì tình yêu và niềm đam mê với điệu hát cổ mà đã vượt qua những điều cấm kỵ, quyết làm sống lại di sản độc đáo và đầy chất sử thi này.

Thanh âm vươn tầm di sản

Trước đây, nhiều lần tôi đã cùng bà Nguyễn Thị Lan - khi đó là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Liệp Tuyết đi lại thuyết phục Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hà Tây (cũ) và Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quốc Oai đồng ý cho mở lớp truyền dạy. Tôi cũng không ít lần cùng bà đến tận nhà các cụ cao niên trong xã sưu tầm, ghi chép lại từng điệu hát cổ và mời họ làm cái hát, dạy lại cho con cháu; rồi chứng kiến sự ra đời của Câu lạc bộ (CLB) hát Dô xã Liệp Tuyết trong niềm vui sướng khi điệu hát thờ đức Thánh Tản được hồi sinh. 36 làn điệu đã được bà Lan sưu tầm, biên soạn thành “giáo án” để truyền nghề. Không chỉ đơn thuần gây dựng một phong trào văn nghệ quần chúng, mà trên hết bà đã làm thay đổi tục hèm, giữ lấy một di sản văn hóa quý báu của dân tộc.

Năm 2003, hát Dô của Liệp Tuyết được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam công nhận là “Địa chỉ văn nghệ dân gian” và bà Nguyễn Thị Lan được công nhận là Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân. Năm 2017, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội biên soạn sách về hát Dô, hỗ trợ lớp truyền nghề và đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá di sản trong cộng đồng; cùng với đó lập hồ sơ đề nghị ghi danh hát Dô vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tháng 12-2022, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết Quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ nghệ nhân, câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, giúp CLB hát Dô có điều kiện phát huy giá trị di sản. Mừng hơn khi được biết, trong đợt ghi danh mới đây, Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Dô cùng 14 di sản khác trên cả nước đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ở tuổi gần bảy mươi, nghệ nhân Nguyễn Thị Lan vẫn đầy năng lượng và nhiệt huyết. Giọng hát của Chủ nhiệm CLB hát Dô vẫn sáng và khỏe. Bà hồ hởi khoe: “Ngày ngày, tôi vẫn truyền dạy cho lớp hơn 50 học viên, vui nhất là hát Dô giờ trở thành phong trào của cả địa phương rồi. Xã và CLB hát Dô đang chuẩn bị cho Lễ đón nhận Bằng công nhận hát Dô là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào đầu tháng Giêng năm Giáp Thìn. Sẽ hoành tráng lắm, vui lắm đấy!”.

Hát Dô tri ân thánh Tản giờ đây đang hồi sinh mạnh mẽ. Không phải chờ đến 36 năm mới được hát, hằng năm mỗi độ xuân về, đền Khánh Xuân lại tưng bừng hội diễn. Đó là thanh âm gắn kết, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân vùng ven sông Tích.

Thế nên, nói rằng sông Tích là dòng sử thi, thật không sai. Bởi hai bên bờ sông, từ Ba Vì xuống, có những địa chỉ đã thành biểu tượng văn hóa du lịch của xứ Đoài. Đầu nguồn là Khoang Xanh, Ao Vua; lưu vực sông Tích có hồ Xuân Khanh, hồ Đồng Mô - Ngải Sơn... Vùng hạ nguồn - ngay nơi hợp lưu với sông Bùi (phía tây nam huyện Chương Mỹ) là di tích lịch sử quán Bến, thờ Lê Ngân, Đỗ Bí, Lý Triện - những danh tướng của nghĩa quân Lam Sơn đã góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Tốt Động - Chúc Động năm 1426 trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống quân Minh xâm lược của dân tộc. Đó là chưa nói đến giá trị kinh tế mà con sông huyền thoại và sử thi này đem lại, tắm tưới cho đồng ruộng phì nhiêu, cư dân sinh sống yên bình bao đời nay...

Ước vọng hồi sinh

Nếu có thể làm một chuyến ngược từ hạ lưu lên thượng nguồn dưới chân núi Tản để hình dung Tích Giang của hiện tại, hẳn sẽ thấy ngậm ngùi và nuối tiếc. Qua bao năm tháng, sông Tích vẫn bền bỉ chảy, lặng lẽ làm chứng nhân của lịch sử, chứng kiến những biến cải của cả một vùng cư dân từ thuở hồng hoang lập xóm làng, cho đến thời hiện tại. Sông vẫn hiện hữu trong đời sống của con người, nhưng giờ đây hơn 90km sông Tích đã và đang hứng chịu ô nhiễm nặng bởi nguồn nước thải, rác thải. Có đoạn, lòng sông hẹp lại, chỉ như một con mương nhỏ mệt mỏi cựa mình trong ô nhiễm.

Với 7 huyện, thị xã phía Tây thành phố Hà Nội, sông Tích không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, cung cấp nước cho 16.000ha đất sản xuất nông nghiệp, nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất công nghiệp, đảm bảo tiêu thoát nước, phòng chống lũ, mà còn mang ý nghĩa một dòng nhân văn, di sản. Bởi vậy, cách đây hơn chục năm, khi biết sông Tích nằm trong nhóm công trình, cụm công trình trọng điểm của thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015 được thực hiện bởi Dự án “Tiếp nước cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì” với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, người dân khắp vùng xứ Đoài đã rất vui mừng và mong muốn dòng sông này sớm được “hồi sinh”. Nhưng đại dự án được kỳ vọng nhất lại ì ạch, kéo dài, gây lãng phí lớn nguồn ngân sách và để lại nhiều nhức nhối.

Được biết, thời gian tới, các dự án “treo” và các công trình gây lãng phí, trong đó có dự án tiếp nước, cải tạo sông Tích sẽ được Quốc hội thực hiện giám sát tối cao. Hy vọng các cấp, ngành chức năng sẽ sớm tìm ra nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ khó khăn. Để một ngày nào đó, sông Tích, sông Đáy chảy qua những mảnh đất “địa linh nhân kiệt” in đậm dấu ấn Thăng Long - Hà Nội sẽ trở lại hình ảnh thơ mộng, trên bến dưới thuyền.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện dòng Tích Giang