“Nóc nhà” Hà Nội
Trên địa bàn Hà Nội, núi chủ yếu có ở các huyện Ba Vì, Mỹ Đức và Sóc Sơn. Ba Vì là núi nhỏ cuối cùng của dãy Hoàng Liên Sơn khi vượt qua sông Đà và dừng bước trước đồng bằng Bắc Bộ. Gần đến đỉnh, núi thắt lại rồi xòe ra như cái ô nên dân gian gọi là Tản Viên.
Núi Ba Vì với 3 ngọn nằm trên một khối, gồm: Đỉnh Vua cao 1.296m, đỉnh Tản Viên cao 1.281m và đỉnh Ngọc Hoa cao 1.120m. Vì là đỉnh núi cao nhất nên Ba Vì được ví như “nóc nhà” của Hà Nội.
Theo truyền thuyết, Sơn Tinh ở trên đỉnh của núi này nên còn gọi là Tản Viên Sơn thánh. Thế kỷ IX, Cao Biền là Tiết độ sứ của nhà Đường ở An Nam nhiều lần dùng mưu kế hòng triệt hạ Sơn Tinh nhưng đều thất bại. Cao Biền chỉ còn biết than: “Chỗ này thần linh rất thiêng, ta không trừ được, tất có ngày ta phải cuốn gói về nước”. Câu “núi sông sau trước” trong “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn có nói đến núi Tam Đảo và Tản Viên, theo phong thủy, hai núi này bảo vệ hai bên tả, hữu cho kinh thành để “kinh sư muôn đời bền vững”.
Trong tâm thức dân gian, Ba Vì là núi thiêng. “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Vào năm 1073, trời mưa lớn liên tục, vì vậy, hoàng đế Lý Nhân Tông đã cho rước tượng Phật từ chùa Pháp Vân về kinh đô để cầu mưa tạnh. Hoàng đế cũng cho cúng thần núi Tản Viên”. Ca dao xưa có câu: “Nhất cao là núi Tản Viên/ Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn”. Thực tế, Tản Viên thấp hơn núi Tam Đảo, song người xưa quan niệm, núi nào thiêng hơn là núi cao hơn.
Sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi viết: “Núi Tản Viên ấy là núi Chủ (Tổ) của nước Nam ta đó”. Vì là núi Tổ nên những gì xảy ra ở Tản Viên đều được ghi lại trong “Đại Việt sử ký toàn thư”. Đời vua Lê Kinh Tông, sách ghi núi bị lở. Thời nhà Nguyễn, vua Minh Mạng sai đúc Cửu Đỉnh làm biểu tượng cho uy thế, tượng trưng cho sự bền vững của vương triều. Cửu Đỉnh có khắc hình núi Tản Viên.
Về đền thờ trên đỉnh Tản Viên, “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi như sau: “Mùa thu, tháng 7 năm 1145, vua Lý Anh Tông sai dựng đền thờ thần núi Tản Viên”. Đền mà vua Lý Anh Tông sai dựng gọi là đền Thượng. “Thượng”, theo nghĩa Hán Việt là “cao”, là “trên hết”, là “quan trọng”. Năm 1850, tục thờ thánh Tản Viên được vua Tự Đức lưu vào điển lễ tế tự quốc gia.
Đầu năm 1902, khi mới nhận chức ở tỉnh Sơn Tây, công sứ Pháp là Muselier muốn khám phá núi Ba Vì. Giữa năm 1902, ông cùng tùy tùng leo núi thám hiểm. Sau mấy ngày vất vả, gian nan, đoàn thám hiểm đã lên được đỉnh Tản Viên. Trước mắt họ, đền Thượng chỉ còn là đống gạch vụn.
Sau chuyến khảo sát, Muselier cho xây ngôi đền nhỏ trên tàn tích cũ. Việc này được ghi lại trong một tấm bia ở chùa Vị Thủy (thị xã Sơn Tây). Năm 1943, một đoàn khảo sát đỉnh núi thấy đền này đổ nát. Năm 1993, Vườn quốc gia Ba Vì cho xây ngôi đền nhỏ ở vị trí cũ.
Dịp chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, năm 2008, UBND thành phố Hà Nội đã đầu tư xây đền mới khang trang với đầy đủ chức năng của ngôi đền. Trên đỉnh cao nhất của Ba Vì còn một ngôi đền khác, đó là đền thờ Bác Hồ. Đền được xây năm 1999, trang nghiêm mà gần gũi.
Ba Vì không chỉ là núi mà còn là rừng. Ca dao xứ Đoài có câu: “Nước sông Thao biết bao giờ cạn/ Núi Ba Vì biết vạn nào cây”. Nhưng có một người đã làm được việc đếm cây ở Ba Vì, đó là Benjamin Balansa (1825 - 1891), nhà thực vật nổi tiếng người Pháp. Benjamin Balansa đã sang Indonesia mang cây cà phê và canh ki na về ươm dưới chân núi Ba Vì để rồi hình thành những trang trại cà phê vào đầu thế kỷ XX.
Trong 5 năm sống ở miền Bắc Việt Nam, Benjamin có nhiều tháng tìm hiểu thực vật trên dãy núi Ba Vì. Ông đã sưu tầm được 5.600 mẫu gửi về Bảo tàng Paris và Bảo tàng châu Âu. Sau một chuyến khảo sát rừng Ba Vì gần sông Đà, ông ốm liệt giường rồi mất.
Xưa rừng Ba Vì có cây "vô phong độc dao thảo" (không có gió mà vẫn tự lay động). Cây này có thể chữa được chứng đau cốt du phong và ghẻ lở. Tương truyền, đôi vợ chồng nào luôn mang cây cỏ này trong người thì yêu nhau đến đầu bạc răng long.
Ngoài "vô phong độc dao thảo", rừng Ba Vì còn có cây hoàng thảo (còn gọi là tẫn thảo, lục trúc hay vương sô). Hoàng thảo thân dây, leo trên các cây cổ thụ. Lá cây xanh biếc song lạ kỳ lại có thể nhuộm vải thành màu vàng nên mới gọi là hoàng thảo. Lá hoàng thảo được dùng để nhuộm giấy dó, chỉ dành cho vua dùng nên mới có tên là vương sô. Hoàng thảo còn có tác dụng chữa ho, suyễn lâu năm và sát trùng trị mụn nhọt. Rừng Ba Vì còn có nhiều cây làm thuốc, nên còn được gọi là “vườn thuốc tự nhiên”.
Trong thế kỷ XX, rừng bị chặt hạ và săn bắn thú. Nhưng từ cuối những năm 1990, Vườn quốc gia Ba Vì đã trồng nhiều giống mới nên rừng được phục hồi. Ngày nay, núi và rừng Ba Vì trở thành điểm du lịch không thể bỏ qua.