Hà Nội 360

Người cán bộ địa chính mẫn cán

Dương Hồng Đạt 16/05/2024 - 11:21

Không có ngày nghỉ, luôn đi làm sớm và về muộn, chị Phùng Thị Thanh Huyền, công chức địa chính - xây dựng xã Vật Lại (huyện Ba Vì) đã và đang góp sức cùng địa phương tháo gỡ vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn...

img_20240515_164828.jpg
Chị Huyền tích cực đọc hồ sơ đất đai để tìm giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm vướng mắc. Ảnh: Hồng Đạt

Tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng

Cuối năm 2021, chị Phùng Thị Thanh Huyền được phân công làm việc tại xã Vật Lại với nhiệm vụ là công chức địa chính xây dựng. Thời điểm đó, địa phương đang được triển khai thực hiện dự án mở rộng nghĩa trang Vĩnh Hằng giai đoạn 2 nên những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng cũng chồng chất. Khi đó, các gia đình chưa đồng thuận, chủ yếu liên quan đến việc chờ chính sách Nhà nước bồi thường hỗ trợ cao hơn, nên không phối hợp kiểm đếm. Ngoài ra còn có các nguyên nhân: Người dân đề nghị đo lại diện tích đất, tranh chấp đất đai, liên quan đến quyền thừa kế, việc phê duyệt điều chỉnh phương án do quy chủ nhầm đối tượng...

Trăn trở vì công việc ngổn ngang, chị Huyền tích cực dành cả thời gian ngoài giờ hành chính để kiểm tra hồ sơ đất đai của địa phương. Qua đó, chị tìm ra nguyên nhân, tham mưu Đảng ủy, UBND xã phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện có giải pháp cụ thể giải quyết tận gốc các vấn đề.

Chị cũng phân nhóm hộ gia đình, nhóm các việc liên quan, đồng thời tích cực cùng cán bộ phòng, ban chức năng của huyện Ba Vì tuyên truyền, giải thích với các hộ dân để họ hiểu, giúp giải quyết dứt điểm tồn tại của dự án.

Điển hình, trường hợp gia đình ông Chu Quang San ở thôn Yên Bồ, có diện tích đất phải thu hồi hơn 3.200m2. Vướng mắc của gia đình ông San là có 1 thửa đất bị quy chủ nhầm, 1 thửa đất thiếu diện tích so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 1 thửa đất khi đo đạc bị chồng lấn sang diện tích gia đình khác. Nắm rõ tình trạng, chị Huyền đã gặp gia đình ông San và hộ bị quy chủ nhầm, vận động, giải thích thấu đáo để gia đình quy chủ nhầm hiểu, trả lại số tiền đã nhận. Sau đó, chị hoàn thiện hồ sơ thửa đất có diện tích thực tế thiếu so với giấy chứng nhận để gia đình ông được hưởng bồi thường hỗ trợ. Đối với thửa đất bị chồng lấn sang gia đình khác, chị Huyền tham mưu chính quyền địa phương và Hội đồng bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng xã, huyện xem xét, giải quyết cho gia đình ông San theo quy định.

Với cách làm việc khoa học và lăn lộn trong thực hiện nhiệm vụ, chị Huyền đã tích cực góp phần giúp xã Vật Lại hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đối với 134 hộ gia đình có đất nằm trong dự án mở rộng Nghĩa trang Vĩnh Hằng giai đoạn 2, tổng diện tích đất thu hồi hơn 9,1ha, không có trường hợp nào phải tổ chức cưỡng chế.

img_20240515_165930.jpg
Chị Huyền hướng dẫn người dân hoàn thiện các thủ tục liên quan công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: Hồng Đạt

Sáng tạo trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở

Những năm trở lại đây, kinh tế - xã hội phát triển, nhiều hộ dân ở xã Vật Lại có nhu cầu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, từ đó có thể thế chấp ngân hàng hoặc chuyển nhượng đất, tạo vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Là công chức địa chính - xây dựng, chị Huyền hiểu và tích cực giúp các hộ đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chị tham mưu lãnh đạo UBND xã Vật Lại tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh về việc cấp giấy; chủ động phối hợp với cán bộ thôn tuyên truyền để người dân có nhu cầu biết và đăng ký.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ của các hộ gia đình, chị Huyền kiểm tra và trao đổi, giải thích cụ thể đối với những hộ chưa đủ điều kiện theo quy định. Những hộ đủ điều kiện được chị hướng dẫn hoàn thành thủ tục liên quan. Chị tích cực tìm gặp cán bộ xã đã nghỉ hưu để tham khảo, kiểm tra hồ sơ lưu trữ tại UBND xã, hợp tác xã nông nghiệp trước đây để tìm căn cứ hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ dân.

Ông Phùng Đôn Xuân ở xóm Đẵm 2, thôn Vật Lại 3 cho biết: “Gia đình tôi được cấp đất từ năm 1988 và sử dụng ổn định đến nay nhưng không lưu giữ được giấy tờ chứng minh. Chị Huyền - cán bộ địa chính đã kiểm tra, tìm được hồ sơ lưu trữ, nên gia đình tôi đã đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận và còn được giảm 60% kinh phí nộp thuế theo quy định”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đắc Công ở xóm An Thịnh, thôn Vật Yên cũng không lưu giữ được giấy tờ liên quan thửa đất. Sau khi nghe ông Công trình bày, chị Huyền tích cực tìm hồ sơ gốc và thấy gia đình ông Công có tên trong danh sách được cấp đất của xã. Tuy nhiên, tên thường gọi của ông Công và tên trong giấy tờ lại không trùng khớp, chị tiếp tục hỗ trợ gia đình làm biên bản xác minh là một người nhưng có 2 tên, sau đó hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Công.

Chủ tịch UBND xã Vật Lại Nguyễn Ngọc Tú cho biết: Năm 2023, xã được UBND huyện giao thực hiện chỉ tiêu hoàn thành hồ sơ cấp 30 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhờ sự tích cực của đồng chí Huyền, xã đã hoàn thành vượt mức với 72 trường hợp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2024, xã được giao 40 giấy chứng nhận, qua 4 tháng, địa phương đã hoàn thành và có 12 trường hợp được cấp giấy chứng nhận. Đồng chí Huyền là công chức mẫn cán, góp phần cùng UBND xã giải quyết nhiều vướng mắc, tồn tại liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân...

Với sự cố gắng nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, từ năm 2021 đến 2023, chị Huyền liên tiếp được UBND xã Vật Lại khen thưởng; năm 2023, chị được UBND huyện Ba Vì công nhận là Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người cán bộ địa chính mẫn cán