Mây trời lộng lẫy
Nhà tôi ở cách chân núi Ba Vì không xa. Chiều chiều, chỉ cần lên sân thượng là có thể nhìn thấy ba ngọn núi xanh thẫm phía xa xa. Tôi thích lên sân thượng vào buổi hoàng hôn, để nhìn mây chiều lờ lững giăng ngang đỉnh núi với nhiều hình thù kỳ ảo, những tia nắng cuối ngày thật lộng lẫy.
Thường thì mùa hè, những đám mây sẽ có màu trắng xen hồng, cam, đỏ hay vàng óng ả. Khi màn đêm buông, chúng dần sẫm lại và trộn lẫn mình vào màu trời đêm.
Từ hồi bé xíu tôi đã biết học lỏm người lớn cách nhìn trời mây, nhìn sao đêm, cảm nhận hơi gió để biết trời ngày mai có mưa hay nắng. Bầu trời đêm hè sâu thẳm chi chít những vì sao nhấp nháy nói với tôi rằng ngày mai sẽ là một ngày nắng rát mặt. Ráng vàng rực của một buổi hoàng hôn tuyệt đẹp cũng khiến tôi sợ hãi chạy về níu áo mẹ khi nghĩ rằng sắp có trận bão đến thổi bay nhà cửa vì người lớn bảo “Mây mỡ gà ai có nhà thì chống”.
Bạn hãy hình dung những dải mây bông vàng óng, mượt mà và sạch sẽ đang vắt ngang lưng trời, phía có vầng mặt trời cũng vàng rực đang dần xuống. Buổi chiều đó, sắc vàng ngập cả bầu trời khiến cả xóm làng xôn xao như thể có một điều gì đó ghê gớm sắp xảy ra, ai ai cũng bồn chồn lo lắng. Có lẽ vì thế hồi ấy tôi thường không thích bầu trời có ráng vàng ráng đỏ, nó có vẻ kỳ quái và hơi ghê sợ.
“Ráng vàng thì gió, ráng đỏ thì mưa”, mà những câu nói đó đôi khi lại đúng phóc mới gay chứ, kiểu gì cũng có mưa to gió lớn. Nỗi lo âu con trẻ thoảng qua trí óc non nớt mỗi khi nhìn vầng trăng sáng trong hay mờ đục, có quầng hay có tán. “Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa”, nắng hạn do trăng quầng đồng nghĩa với việc cây lúa thiếu nước sẽ không xanh tốt, cái cót quây chứa thóc trong buồng sẽ không đầy và bố mẹ sẽ phải đi tát nước đến tận đêm trăng lên vẫn chưa được về nhà ăn cơm tối. Tôi rất sợ những buổi tối như thế vì chỉ có mấy chị em ở nhà. Đêm tĩnh lặng vô cùng, thỉnh thoảng bầy dơi chao qua chao lại, sột soạt trên tán cây tối sẫm, còn mặt trăng thì ở trên cao kia, rất sáng. Chúng tôi thấp thỏm chờ đợi tiếng bước chân quen thuộc của cha mẹ về đến đầu ngõ để lao ra đón.
Những câu ca dao hay tục ngữ quen đến mức tôi thuộc lòng trước khi biết mặt con chữ. Có lần thao thức chờ hoài tiếng con gà trống trong chuồng le te gáy để xem trời có mưa cho bớt nóng hay không mà chẳng thấy giọt mưa nào rơi cả. Lần ấy xem ra câu tục ngữ “chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa” mẹ tôi hay nói không đúng lắm. Lại có một bữa tôi sợ hết hồn vì nhìn thấy một “con rồng đen” to tướng, oai phong y hệt như trong tranh ảnh trên sách báo, nó đang sà xuống mặt đất từ một đám mây giông lớn trong một buổi chiều tháng bảy.
Có vẻ như nó rất dữ tợn và muốn nuốt trọn mọi thứ trên mặt đất này nên đã gây ra một trận mưa to gió lớn. Chúng tôi sợ hãi núp trong góc nhà nghe gió mưa gào thét ngoài sân và lo lắng mái nhà mình sẽ bị con rồng cuốn bay lên sau mỗi cơn gió rít. Hôm ấy mẹ tôi phải trấn an chúng tôi rằng con rồng ấy đang làm việc tốt, nó đi lấy nước tưới cho mùa màng vì: “Rồng đen lấy nước được mùa. Rồng trắng lấy nước thì vua đi cày”. À ra vậy, thật may là nó đi lấy nước cho đồng lúa làng tôi đang vào lúc khô hạn. Vậy thì tôi sẽ thích con rồng đen và không ưa con rồng trắng, chắc chắn vậy rồi vì tôi luôn thích lúa được mùa.
Những buổi hoàng hôn rực rỡ gắn bó với tôi một quãng thời gian kha khá, đủ để chúng ngấm vào máu thịt. Nhiều khi tôi thấy mình buồn cười hết sức khi mà bây giờ chỉ cần mở điện thoại ra là có thể biết ngay ngày mai, thậm chí tuần sau mưa hay nắng, nhiệt độ cao thấp là bao nhiêu, vậy mà những câu ca dao tục ngữ cũ vẫn bật ra bất cứ khi nào có thể.
Có vẻ như tôi vẫn là đứa trẻ năm nào thích ngắm lên trời cao lồng lộng, ngắm mây bay và tập tành làm “chuyên gia” dự báo thời tiết.