Di sản

Về miền đá ong

Quang Huy 17/03/2024 - 06:16

Đến xứ Đoài, đặc biệt là khi ghé đến vùng Thạch Thất, Sơn Tây, Ba Vì..., nhiều người sẽ bị “hút hồn” bởi những ngôi nhà, những cổng làng làm từ đá ong được đưa lên từ lòng đất. Qua bàn tay khéo léo của con người, những phiến đá ong xù xì thô ráp bỗng trở nên vuông thành sắc cạnh.

Qua thời gian, nghề khai thác đá ong ở xứ Đoài dần thu hẹp. May thay, ở Thạch Thất còn một xã mang tên Bình Yên, nơi những người thợ vẫn ngày ngày cần mẫn giữ nghề khai thác và chế tác đá ong.

xu-doai.jpg

Lời thì thầm của thời gian

Tôi từng tới làng khoa bảng Hương Ngải (huyện Thạch Thất), nơi ngay đầu làng có chiếc cổng và quán Nghinh Hương được dựng bằng đá ong. Sâu trong làng, ngay trục đường chính, dù đã có rất nhiều ngôi nhà cao tầng xuất hiện nhưng vẫn còn những ngõ đá ong đẹp tựa miền cổ tích. Ở làng cổ Cự Đà (huyện Thanh Oai) cũng vậy. Những con ngõ nhỏ, sâu hun hút mang lại cho người ta ký ức nguồn cội ấm áp.

Không chỉ xuất hiện trong kiến trúc, tồn tại ở những bờ rào, tường nhà hay nơi tôn nghiêm như bậc thềm đình, chùa..., dáng dấp của đá ong còn hiện lên trong thi ca. Chẳng thế mà trong bài thơ “Mắt người Sơn Tây”, cố thi sĩ Quang Dũng cũng họa rằng: “... Đất đá ong khô nhiều suối lệ/ Em có bao giờ lệ chứa chan?”.

Tại làng cổ Đường Lâm vang danh của xứ Đoài, đá ong vẫn là nguồn cảm hứng bất tận làm nên tác phẩm diệu kỳ. Hàng trăm tác phẩm của họa sĩ, nghệ nhân sơn mài Nguyễn Tấn Phát (sinh năm 1983) là ví dụ. Nguyễn Tấn Phát nổi tiếng với những sản phẩm độc bản. Tác phẩm của anh xoay quanh 12 con giáp và hoàn toàn độc bản, làm từ gỗ mít, đá ong, kết hợp với sơn mài. Người họa sĩ trẻ từng tâm sự, những tác phẩm của anh từ tạo hình đến chất liệu, tưởng cũ mà không hề bị cũ. Có lẽ, chính nguồn cảm hứng bất tận từ chất liệu xưa đã khiến những tác phẩm của Nguyễn Tấn Phát sống động, mang hơi thở truyền thống kết hợp với hiện đại.

Đá ong ngân vọng một nét riêng là vậy, nhưng giờ kiếm tìm những người làm công việc liên quan đến đá ong thật không dễ. Hiện tại, chỉ còn xã Bình Yên (huyện Thạch Thất) còn nghề làm đá ong và chế tác các tác phẩm nghệ thuật từ đá ong. Ông Vương Văn Hùng, chủ cơ sở chế tác đá Hùng Châu - một trong những người được mệnh danh “đôi bàn tay vàng” trong vùng cho biết, ông làm nghề này ngay từ khi còn trẻ, từ thợ phụ đến thợ cả, ông dần đứng ra nhận các mối làm ăn. Cả cuộc đời ông xoay quanh đá ong. Sống vì nghề và thành đạt cũng vì nghề. Hơn hết, ông luôn cảm thấy vui vì bản thân đã tiếp nối và giữ gìn được nghề của quê hương.

Ông Vương Văn Hùng bộc bạch, đá ong là tài nguyên sẵn có ở các huyện Thạch Thất, Sơn Tây, Ba Vì nhưng có chất lượng tốt nhất là đá ong ở Bình Yên. Đá ong ở Bình Yên cũng có hai loại, lộ thiên và nằm trong lòng đất. Trước đây, người dân thường tranh thủ khai thác đá lộ thiên, nay chỉ còn đá nằm trong đất. Mỏ đá còn ít, nghề làm đá lại nhọc nhằn, cũng bởi vậy hiện chỉ còn lác đác vài cơ sở trong vùng là còn làm nghề.

xu-doai-1.jpg
Đá ong được sử dụng ở mọi nơi và mang nét đẹp rất riêng.

Biến đổi cùng thời cuộc

Anh Tăng Văn Tam, một thợ chế tác đá ong trẻ tuổi bảo với tôi, việc chế tác đá ong thì có thể dùng máy móc để thay thế sức người, nhưng khai thác đá từ lòng đất lên thì gần như chỉ có thể làm thủ công. Đến nay, những người thợ lành nghề vẫn dùng thó (dụng cụ bằng thép cứng và dài - PV) để tìm những vỉa đá. Nhiều khu vực đá tốt đã trở thành công trường khai thác. Dĩ nhiên, giờ đây, việc khai thác phải được sự chấp thuận của chính quyền địa phương.

Đá ong được đào thủ công từ lòng đất. Khi ấy đá rất mềm, nhưng sau khi được tắm trong nắng gió thì biến đổi, ngày một cứng. Khi đá cứng cũng chính là lúc người thợ đẽo lại sao cho vuông thành sắc cạnh. Cũng chỉ khi đá cứng, người thợ đá mới có thể điêu khắc nên các khối hình lớn như hổ, voi, cột nhà, cuốn thư... tùy theo nhu cầu của khách đặt hàng.

Có tìm hiểu mới biết, trong lòng đất đá ong cũng chia ra ba lớp là: Sản, thăn, chân. Lớp sản ở trên cùng có đặc điểm kết cấu kém, dễ bở. Phần thăn ở giữa là tốt nhất vì hoa của đá nhỏ, kết cấu chắc. Loại chân ở dưới cùng cũng được khai thác, nhưng thường được người thợ tận dụng chủ yếu để làm những công trình đơn giản như tường rào, bờ bao.

Thuở xưa, khi mỏ đá ong còn nhiều thì lớp đá sản gần như bị thải bỏ, và hy hữu lắm người ta mới lựa lớp chân đá ong để dựng tường rào. Chỉ có lớp đá thăn là tốt nhất mới được khai thác và dùng đến nhiều. Thế nhưng nay, những lớp lang từ mỏ đá chẳng bị bỏ phí phần nào. Ngay như những vụn đá sau quá trình đẽo gọt cũng được thu mua và sử dụng để người dân lọc nước trên các bể chứa. Lớp đá thăn có khi còn được xẻ mỏng ra để lát và trang trí cảnh quan.

Ông Vương Văn Hùng hóm hỉnh bảo với tôi rằng, nếu như trước kia nhắc đến đá ong là nhắc đến sự nghèo nàn thì nay ngược lại. Bởi trước kia chỉ có những người nghèo, những gia đình điều kiện kinh tế khó khăn mới dùng đá ong để xây dựng nhà cửa; nay thì chỉ những gia đình có điều kiện mới dùng đá ong để xây nhà hoặc để trang trí. Vì thế, dù đắt nhưng đá ong vẫn là tài nguyên có giá trị cao, cung luôn không đủ cầu.

Làm nghề phải yêu nghề và tỉ mỉ. Gặp gỡ, trao đổi với những người thợ làm nghề trong các xưởng chế tác và điêu khắc đá ong, tôi càng thấm thía sự đúc rút kinh nghiệm trân quý ấy. Chẳng khó để thấy, ngay như việc đẽo những viên gạch sao cho vuông thành sắc cạnh cũng chẳng thể “phiên phiến” hay làm bừa được. Mỗi người thợ khi ôm trong lòng một viên đá ong cũng phải dùng thước đo, dùng dao đẽo tỉ mẩn sao cho vuông vức, đẹp đẽ. Khó nhất là từ những khối đá họ phải tạo hình, đục thành những con giống, những cột cổng, rồi lộc bình, giếng nước... Dĩ nhiên, những sản phẩm này đều là độc bản. Người thợ chế tác làm ra chúng không sử dụng một bản vẽ quy chuẩn nào cả, thay vào đó, sản phẩm làm ra theo kinh nghiệm và dựa vào “hoa tay” người thợ.

Trò chuyện với những người làm nghề khai thác đá ong ở Bình Yên, tôi thấy không ít người lo rằng giá trị tinh hoa của nghề chế tác đá ong sẽ dần không còn khi nguồn nguyên liệu dần cạn kiệt. Thực trạng ấy khiến người quan tâm cảm thấy nôn nao.

Tôi lang thang, thả mình trên con ngõ quê ở Bình Yên và càng phát hiện những dấu tích đá ong rõ nét in đậm trong kiến trúc nơi này. Những bức tường đá ong bơ vơ đứng bên đường, nền móng nhà cổ đang bị cây cỏ um tùm che lấp hoặc xa hơn đó là những lớp lang đá ong được dùng để dựng nên thành lũy, đền miếu. Tôi lạc trong miền đá ong xứ Đoài và nghiệm ra rằng, đá ong là lời thì thầm của thời gian, bởi đá càng để lâu càng bền bỉ. Qua dãi dầu mưa nắng, đá lại càng sáng, càng bắt mắt, tựa như sự cần mẫn, chịu thương chịu khó của người dân trên vùng đất này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Về miền đá ong