Xưa và nay

Sông Tích và những huyền thoại

Nguyễn Ngọc Tiến 19/08/2024 - 12:22

Nếu sông Đà và sông Hồng bao quanh thành phố từ tây sang đông thì sông Tích (hay Tiểu Tích) xuyên qua nhiều huyện, thị của Hà Nội. Sông bắt nguồn từ sườn phía đông bắc của núi Ba Vì đổ xuống đoạn giữa hai xã Cẩm Lĩnh và Thụy An.

Trong truyền thuyết Sơn Tinh gọi đó là 16 cửa của Đầm Đượng, đoạn sông này còn gọi là sông Đầm Long.

638588857159786005-xa-liep-tuyet-qo.jpg
Sông Tích, đoạn chảy qua huyện Quốc Oai. Ảnh: Internet

Sông Tích hình thành từ rất sớm, là kết quả của một quá trình trùng xâm phù sa cổ rất hiếm trong các sông ngòi không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Trùng xâm nghĩa là con sông đó rất cổ, nhưng do mặt đất được nâng lên nên “trẻ” lại và được đào sâu vào lòng đất cũ.

Sông Tích chảy qua nhiều xã của huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây, xuyên qua huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai và Chương Mỹ. Trên đường đi, sông Tích được tiếp nước bởi nhiều dòng suối như bến Tam, cầu Tân, sông Hàng, sông Giếng, suối Vai Ca... Bên tả ngạn có sông Cửu Khê từ đầm làng Phương Khê chảy vào, khi đến Xuân Mai thì gặp sông Bùi. Tổng chiều dài toàn lưu vực sông Tích khoảng 110km và trên lưu vực có các hồ Đồng Mô, Suối Hai và Xuân Khanh.

Cũng như sông Đà, truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh trải dài trên sông này. Khi Đức thánh Tản - Sơn Tinh qua vùng sông Tích, thấy cả một vùng rộng lớn đất đai phì nhiêu (nay là xã Liệp Tuyết, Quốc Oai) nhưng không thấy lúa mà chỉ thấy lau lách um tùm nên ngài đã gọi dân làng lại, dạy họ cách đắp bờ giữ nước, phát quang cỏ dại rồi cho một ít hạt giống và bày cách gieo mạ. Khi mạ lên xanh, Sơn Tinh lại bảo họ nhổ lên, sau đó chia ra từng dảnh nhỏ, cấy xuống các thửa ruộng được cày bừa. Đến mùa thu hoạch, nhà nào thóc cũng đầy bồ. Nhớ ơn công lao của Sơn Tinh, làng cho người đi mời ngài đến dự hội. Thấy mọi người chỉ ăn uống rồi chuyện trò, cười đùa mà không có trò vui nên ngài đã tập hợp trai gái trong làng dạy cho cách múa hát gọi là “hát Dô”. Hiện hát Dô vẫn được Liệp Tuyết lưu giữ như báu vật của làng.

Trong bài hát “Hà Tây quê lụa” ra đời năm 1966, sông Tích cùng với sông Đà “giăng lụa mênh mông” đầy thơ mộng. Dòng sông Tích có nhiều tôm cá nhưng xa xưa dân chúng chỉ biết mò bằng tay. Một ngày, Sơn Tinh đi qua đã bày cho họ cách đan lưới của người vùng biển, dạy bắt cá bằng cách dập sào lại, đồng thời chỉ cho người dân cách làm món cá nướng. Nhớ ơn công đức của ngài, cư dân hai bên bờ sông Tích một năm mở hội đánh cá hai lần. Chỉ đàn ông được tham gia. Có làng mở hội vào ngày Rằm tháng Giêng, song có làng muộn hơn.

Ra Tết, tiết trời khô hanh, nước trên núi Ba Vì không ào ào như mùa mưa, các con suối nhỏ cũng cạn kiệt nên sông ít nước, cá dồn cả vào khúc nước sâu. Công cụ đánh cá rất đơn giản, chỉ là hình chóp bằng khung tre, mỗi cạnh đáy khoảng ba gang tay, bốn mặt khung được quây lưới. Đỉnh có cán là đoạn tre, độ dài tùy ý miễn sao cao hơn mặt nước sông. Công cụ bắt cá cổ này hiện chỉ thấy ở vùng Ba Vì, Sơn Tây. Khi đánh cá, cánh đàn ông dàn hàng ngang, tay cầm sào tre dập xuống. Vì thế được gọi là đánh cá dập sào. Con cá nào lọt vào trong khung sẽ phóng mạnh để trốn thoát. Bằng kinh nghiệm, người dập sào biết cá đã mắc lưới sẽ nhấc sào lên và gỡ. Theo lệ các làng, con cá to nhất được chế biến rồi mang vào đình hay đền tế lễ thánh Tản; người bắt được con cá đó trong năm sẽ may mắn. Tháng Chín là vụ thứ hai. Xưa, sông Tích đủ loại cá như trắm, chép, trôi, măng... nên vụ nào cũng thu được số lượng cá đáng kể.

Trên sông Tích còn có những chuyện khó tin nhưng có thật. Ở thôn Yên Lạc (xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất) bên bờ sông Tích có một khúc gỗ kỳ lạ hình chữ Y, dân trong làng gọi là khúc “gỗ thiêng” vì mấy chục năm không ai neo buộc, song khúc gỗ chỉ quanh quẩn ở bến nước của thôn. Thậm chí có năm lũ thượng nguồn đổ về mang theo rác rưởi, cành khô củi mục nhưng khúc gỗ vẫn ở nguyên đó. Tương truyền, bến nước từng có hai khúc gỗ nhưng một người đàn bà không rõ quê quán đi qua đã chẻ một khúc làm củi. Nghe nói sau đó, bà này bị tâm thần. Vì khúc gỗ quẩn quanh bến sông nên nhiều đứa trẻ lấy làm phao bơi. Năm 2008, nước sông Tích dâng cao, khúc gỗ bị lũ cuốn trôi, song thật bất ngờ, lúc nước rút, dân làng lại thấy khúc gỗ trở về bến cũ. Cuộc sống thật kỳ lạ với những chuyện “hoang đường” không thể giải thích.

Hiện, dòng sông Tích thơ mộng đang bị thu hẹp và ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp chưa xử lý cùng với các loại rác đổ xuống, đe dọa nghiêm trọng các loài thủy sinh. Tháng 7 vừa qua, mưa lớn kéo dài, nước sông Bùi dồn về sông Tích và nước sông Tích tiêu thoát chậm khiến nước tràn qua một số đoạn đê ở ba xã của huyện Chương Mỹ. Đã có dự án làm sống lại con sông huyền thoại nhưng xem ra không mấy hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sông Tích và những huyền thoại