Xưa và nay

Gieo mầm sáng tạo trên nền giấy xưa

Thanh Hoa 27/04/2025 13:40

Giữa guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, nơi công nghệ dường như chi phối mọi thứ, vẫn có những bàn tay trẻ âm thầm nâng niu từng tờ giấy dó mỏng tang, xốp nhẹ, mang màu thời gian.

Từng là chất liệu thân thuộc trong mỹ thuật dân gian, dùng để vẽ tranh, lưu giữ thư tịch cổ, viết thư pháp…, giấy dó nay lại được “tái sinh” trong hình hài mới bởi chính những người trẻ. Không chỉ gìn giữ một di sản, họ đang tiếp nối và làm sống dậy câu chuyện văn hóa theo cách riêng đầy sáng tạo và đậm chất đương đại.

giay-do.jpg
Những sản phẩm làm từ chất liệu giấy dó do Đoàn Thái Cúc Hương sáng tạo.

Đánh thức giá trị truyền thống

Đoàn Thái Cúc Hương là một cô gái thuộc thế hệ 9x với vẻ ngoài hiện đại. Thế nhưng sau hành trình sống và học tập nhiều năm ở phương Tây, Hương lại chọn trở về, gắn bó với một chất liệu tưởng chừng xa lạ với giới trẻ: Giấy dó.

Trong căn phòng nhỏ chan hòa ánh nắng trên phố Đông Tác (quận Đống Đa), Hương vừa trò chuyện với tôi vừa cẩn trọng vuốt từng nếp giấy, nâng niu như đang đối thoại với những mảnh ký ức. Giấy dó, dưới đôi tay mềm mại và óc sáng tạo của cô đã được hồi sinh thành những vật phẩm vừa mang dáng dấp truyền thống, vừa khoác lên mình hơi thở của thời đại. Những chiếc quạt gấp in họa tiết đương đại, sổ tay thủ công gợi cảm hứng retro (cổ điển), đèn cù, đèn kéo quân lung linh ánh sáng tuổi thơ, hay thậm chí là những món trang sức, bưu thiếp, phong bì... tất cả đều toát lên vẻ đẹp độc bản, rất riêng.

Hương bảo rằng, giấy dó từng là niềm tự hào của dân tộc. Giấy dó còn là biểu tượng của sự tinh tế và bền bỉ. Trải qua hàng chục công đoạn thủ công tỉ mỉ - từ xử lý vỏ dó, đập nhuyễn, lọc bột, đến phơi giấy... - những tờ giấy thành phẩm nhẹ như bấc, mềm như lụa, mỏng như cánh chuồn nhưng lại sở hữu độ bền đáng kinh ngạc. Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa như Việt Nam, giấy dó có thể tồn tại hàng trăm năm mà không mốc, không mục.

Chính bởi những phẩm chất quý giá ấy, giấy dó từng được các triều đại phong kiến sử dụng để viết sắc phong, khắc in kinh sách, viết thư pháp, vẽ tranh dân gian... Người xưa còn dùng giấy dó làm đèn trung thu, đèn kéo quân, đèn lồng treo trước hiên nhà những ngày lễ, Tết. Nhưng rồi, theo bước chuyển mình của thời đại công nghiệp, giấy dó dần nhường chỗ cho những chất liệu hiện đại hơn - rẻ hơn, tiện dụng hơn, và vì thế, những ứng dụng xưa cũng dần lùi vào quên lãng.

Với Đoàn Thái Cúc Hương, cơ duyên đến với giấy dó bắt đầu thật tình cờ. Trong một lần tham gia khóa học làm hoa khô để tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống, chị bất chợt chạm tay vào một tờ giấy dó. Lớp giấy ram ráp, sắc trầm và những đường vân mộc mạc như mang hơi thở của đất khiến chị thốt lên: “Đẹp quá!”. Khoảnh khắc ấy, dù chưa định hình được tương lai, nhưng hạt mầm tình yêu với giấy dó đã âm thầm nảy mầm trong chị.

Sau này, khi rời công việc tại một doanh nghiệp sản xuất giấy truyền thống, Hương bắt đầu tự tay tạo ra những sản phẩm nho nhỏ từ giấy dó. Không ngờ, sự đón nhận và lời động viên từ bạn bè khiến Hương bắt đầu nghiêm túc suy nghĩ: “Hay là mình làm nghề thủ công thật sự?”.

Năm 2021, Hương dành trọn 5 tháng trời miệt mài tìm hiểu, thử nghiệm, học hỏi. Vừa đọc, vừa làm, vừa tự hỏi bản thân: “Giấy dó có thể trở thành gì? Làm sao để vừa giữ được hồn cốt truyền thống, vừa thổi vào đó sức sống mới?”. Càng dấn thân, chị càng bị mê hoặc bởi vẻ đẹp bền bỉ và khả năng ứng dụng linh hoạt của loại giấy từng gắn bó với sắc phong, thư pháp và tranh dân gian.

Từ những suy nghĩ và đam mê ấy, Hương đã tạo nên các sản phẩm mang đậm bản sắc Việt như quạt gấp, đèn kéo quân, sổ tay dát lá bồ đề... Không đơn thuần là đồ lưu niệm, mỗi sản phẩm như một mảnh ghép văn hóa, nơi quá khứ và hiện đại cùng hiện hữu qua bàn tay và cảm xúc của một người trẻ.

Nhận thấy chất liệu giấy dó phù hợp để làm tranh khắc gỗ, hiện tại Đoàn Thái Cúc Hương còn làm các bản khắc gỗ để in trang trí trên chao đèn với những họa tiết hoa văn cổ nhìn rất đẹp mắt. Hương chia sẻ, cô không chỉ làm thủ công mà đang kể chuyện bằng giấy dó. Mỗi sản phẩm là một cuộc trò chuyện giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ và tương lai. “Mỗi khi gấp một chiếc quạt hay thiết kế một tấm bưu thiếp từ giấy dó, mình lại nghĩ đến cách ông bà mình từng dùng giấy dó để viết thư, để vẽ tranh. Giờ đây, mình cũng viết tiếp câu chuyện ấy, nhưng theo cách của người trẻ” - Hương chia sẻ.

Đưa giấy dó trở lại đời sống đương đại

Không chỉ dừng lại ở việc làm ra những sản phẩm thủ công đẹp mắt, có tính ứng dụng cao như Đoàn Thái Cúc Hương, giấy dó còn là nguồn cảm hứng sáng tác cho không ít người đam mê nghệ thuật. Sáng tác mỹ thuật trên giấy dó của nữ họa sĩ sinh năm 1988 - Hoàng Hương Giang là ví dụ.

Với mong muốn theo đuổi con đường sáng tạo một cách bài bản, Hoàng Hương Giang theo học chuyên ngành mỹ thuật tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, trong khi nhiều bạn bè lựa chọn con đường nghệ thuật hiện đại, hoặc thử sức với các chất liệu phổ biến trên thị trường thì Giang lại chọn một lối đi riêng: Vẽ tranh trên chất liệu giấy dó.

Với họa sĩ Hoàng Hương Giang, hơn cả một chất liệu, giấy dó chính là một phần linh hồn của nghệ thuật truyền thống. Nó giúp gắn kết quá khứ và hiện tại, truyền tải những giá trị không chỉ của dân tộc mà còn của chính Giang trong mỗi tác phẩm.

Nhờ giấy dó, qua các gam màu dịu nhẹ và những đường nét mềm mại, những bức tranh hoa sen - nguồn cảm hứng chủ đạo trong các tác phẩm của Giang đã toát lên tinh thần tỉnh thức. Qua những tác phẩm tranh, người xem không chỉ chiêm ngưỡng cái đẹp mà còn tìm thấy sự bình yên trong từng chi tiết. Được biết, hiện bên cạnh việc sáng tác trên chất liệu giấy dó, nữ họa sĩ cũng mở nhiều lớp dạy vẽ, hướng dẫn cảm thụ nghệ thuật phi lợi nhuận cho trẻ em để bồi dưỡng, ươm mầm trong những tâm hồn trẻ thơ niềm đam mê với màu sắc, hội họa.

Mang trong mình một khát khao sâu xa hơn đó là đưa giấy dó trở lại đời sống hiện đại bằng một hình hài mới, anh Hoàng Tiến Quyết (sinh năm 1989) đã đưa nghệ thuật gấp giấy Origami tới gần hơn với mọi người. Origami là nghệ thuật gấp giấy có xuất xứ từ Nhật Bản. Thay vì sử dụng loại giấy công nghiệp thường thấy, Quyết chọn giấy dó để sáng tạo nên các tác phẩm Origami đầy ấn tượng. Và không dừng lại ở đó, anh còn áp dụng kỹ thuật "gấp ướt" - một phương pháp gấp giấy khó, cho phép các nếp gấp được uốn cong mềm mại và giữ hình dáng như một tác phẩm điêu khắc thu nhỏ.

Một chú mèo đang vờn nắng, những con chuột nhỏ lanh lợi, những con hạc sải cánh giữa trời hay một chú hà mã béo múp đang nằm nghỉ bên bờ sông... tất cả đều được tạo hình từ giấy dó, hiện lên như một thế giới kỳ ảo. Những tờ giấy tưởng chừng vô tri, dưới bàn tay và trái tim của người nghệ sĩ trẻ, bỗng trở nên sống động, mang linh hồn và hơi thở của thời đại mới. Chọn giấy dó không chỉ là một quyết định mang tính nghệ thuật, mà còn là sự lựa chọn có chiều sâu văn hóa. Trong mỗi nếp gấp, mỗi tác phẩm, là cả một câu chuyện về sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và hội nhập quốc tế.

Nhìn từ những người trẻ như Hoàng Tiến Quyết, Hoàng Hương Giang, Đoàn Thái Cúc Hương, dù mỗi người đi theo một con đường khác nhau, nhưng tất cả đều gặp nhau ở điểm chung đó là sự trân trọng dành cho chất liệu truyền thống và khát khao đưa nó trở lại đời sống hiện đại bằng một hình hài mới mẻ, sáng tạo và gần gũi hơn với giới trẻ.

Giữa bối cảnh toàn cầu hóa, khi thế giới phẳng đang mở ra vô vàn lựa chọn, việc người trẻ quay trở lại với chất liệu truyền thống để sáng tạo và đổi mới là một tín hiệu đáng mừng. Nó cho thấy truyền thống không phải là điều xưa cũ, không hợp thời mà hoàn toàn có thể được làm mới, chuyển mình, và tiếp tục đồng hành với nhịp sống hiện đại. Và biết đâu, từ những tờ giấy mỏng manh kia, một lần nữa, văn hóa Việt sẽ tìm được cách để lan tỏa mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn, không chỉ trong nước mà cả với bạn bè quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gieo mầm sáng tạo trên nền giấy xưa