Nói về nghề trồng hoa, cây cảnh của địa phương, Bí thư Đảng ủy xã Tích Giang Cấn Văn Hồng cho biết: Năm 1990, cây quýt Na Ven (quýt Tích Giang) được người dân cả nước biết đến với vị thơm ngọt mang đặc trưng của vùng quê xứ Đoài. Người lai ghép trực tiếp ra giống quýt này là cụ Đỗ Xuân. Cụ đã nhân ươm giống cho người dân Tích Giang trồng quýt, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo. Do thời gian cũng như sự thoái hóa giống và việc tiếp cận khoa học kỹ thuật thời kỳ đó còn hạn chế nên cây quýt không tồn tại.
Cụ Đỗ Xuân đã cùng các cụ Nguyễn Văn Ước, Nguyễn Tiến Cát khởi xướng phong trào trồng cây cảnh. Ban đầu, chỉ một vài hộ trồng cây cảnh trong chậu rồi cắt tỉa, tạo thế... Đến giai đoạn 1995-2000, rất nhiều hộ trong xã đã đến học hỏi kinh nghiệm. Năm 2005, phong trào trồng cây cảnh nở rộ ở Tích Giang, Hội sinh vật cảnh của xã đã ra đời, hướng dẫn hội viên tạo rất nhiều cây sanh, si, đa, tùng, giá trị hàng trăm triệu đồng. Nhiều hộ gia đình đã làm giàu từ đây.
Như nhiều nghề khác, nghề trồng cây cảnh cũng có lúc thăng, lúc trầm. Đến năm 2010-2012, thú chơi cây cảnh có phần trầm lắng. Trong “cái khó” đã “ló cái khôn”, những người trồng cây cảnh ở Tích Giang chuyển sang trồng đa dạng cây như: Cây công trình, hoa cắt cành (hồng, cúc, đồng tiền, loa kèn…), các loại chậu hoa treo như dạ yến thảo, cúc, hoàng thảo; các chậu hoa mini trang trí trong nhà…
Bên cạnh đó, nhiều hộ chuyển sang nhân ươm cây giống cung cấp cho người dân trong khu vực. Một số hộ chuyển sang trồng cây công trình như Công ty TNHH Ngọc Trang, do ông Khuất Văn Hồng, thôn 1, làm Giám đốc.
Đất nông nghiệp ở Tích Giang tuy rộng nhưng khó canh tác. Vùng đồi gò trước đây trồng lúa thường xuyên thiếu nước, vùng trũng luôn ngập úng, cấy lúa kém hiệu quả. Từ khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang hoa, cây cảnh, đời sống người dân thay đổi từng ngày. Hiện nay, nông nghiệp trên địa bàn xã dần khẳng định là vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung, cho hiệu quả cao. Về Tích Giang hôm nay, dọc cổng làng Tường Phiêu, Quốc lộ 32 lúc nào cũng nhộn nhịp người bán, người mua hoa, cây cảnh.
Thống kê của UBND xã cho thấy, trên địa bàn xã Tích Giang có 531 hộ trồng trồng hoa, cây cảnh, diện tích 94,9ha. Số lao động tham gia làm nghề là 870 người, chiếm 14,7% tổng số lao động trong độ tuổi hiện có của xã. Nghề trồng hoa mang lại hơn 156 tỷ đồng mỗi năm, chiếm 24,5% giá trị sản xuất toàn xã. Thu nhập bình quân của các hộ làm nghề hoa đạt từ 180-210 triệu đồng/hộ/năm.
Hiện, ở xã Tích Giang có nhiều hộ mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới và có thu nhập từ 500 triệu đồng trở lên như hộ các ông: Kiều Bình Huấn, Hà Văn Chu, Hoàng Văn Trào, Nguyễn Trí Thanh, Khuất Văn Đức, Nguyễn Xuân Việt...
Ông Hoàng Văn Trào cho biết: “Ở xã Tích Giang, người dân trồng hoa quanh năm, đa dạng, theo từng thời điểm. Gia đình tôi có hơn 1ha trồng hoa đồng tiền và hồng thế. Hiện, toàn bộ diện tích được sản xuất trong nhà màng, nhà lưới nên năng suất, chất lượng cao, mỗi năm thu nhập trên 1 tỷ đồng”.
Chủ tịch UBND xã Tích Giang Nguyễn Đức Chung cho biết: Mới đây, Đề án phát triển làng nghề hoa, cây cảnh gắn với du lịch sinh thái xã Tích Giang giai đoạn 2022-2025 định hướng đến năm 2030 đã được UBND huyện Phúc Thọ phê duyệt với diện tích 140ha. Việc thực hiện đề án sẽ giúp Tích Giang mở rộng vùng sản xuất, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế bền vững. Địa phương cũng đang phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ để trong năm 2023-2024 xây dựng sản phẩm chứng nhận nhãn hiệu “Du lịch Tích Giang”.
Dự định của xã trong tương lai gần, Tích Giang sẽ là trung tâm thương mại chợ hoa, cây cảnh, cây giống, cây ăn quả và là địa chỉ du lịch hấp dẫn khách tham quan.